Khoa học vừa chứng minh: Đàn ông càng đẹp và hào nhoáng thì... "bi" càng nhỏ

J.D, Theo Helino 11:11 19/06/2019

Phát hiện được chứng minh trên các loài linh trưởng. Con người cũng là bộ linh trưởng, và bạn hiểu vấn đề rồi chứ?

Sinh ra trên đời, ai chẳng mong mình sẽ có một ngoại hình ưa nhìn, quyến rũ, thỏa mãn được thị hiếu đám đông? Nhưng hóa ra, vẻ ngoài ấy sẽ đi kèm một sự đánh đổi không nhỏ, nhất là với cánh đàn ông. 

Bởi lẽ theo một nghiên cứu mới đây, đàn ông càng đẹp, càng quyến rũ bao nhiêu thì... tinh hoàn của họ có xu hướng sở hữu kích thước nhỏ hơn bình thường.

Khoa học vừa chứng minh: Đàn ông càng đẹp và hào nhoáng thì... bi càng nhỏ - Ảnh 1.

Cụ thể, nghiên cứu này chỉ ra rằng ở các loài linh trưởng, nếu con đực càng có nhiều đặc điểm quyến rũ, 2 "hòn bi" của chúng càng nhỏ. Con người cũng thuộc họ linh trưởng, và bạn hiểu vấn đề rồi chứ?

Dù nghe có vẻ bi kịch, nhưng trong tự nhiên thì đây được xem là cơ chế tiến hóa có lợi cho khả năng sinh sản, vì nó giúp các loài linh trưởng đầu tư nhiều gene hơn vào việc phát triển ngoại hình và từ đó thu hút con cái dễ hơn. 

Để có được kết quả này, các tác giả nghiên cứu đã xem xét mối quan hệ giữa đặc điểm ngoại hình và kích thước tinh hoàn của 103 loài linh trưởng khác nhau - bao gồm cả con người. Kết quả, ngoại hình càng đẹp, càng thu hút, "2 hòn bi" dường như cũng co lại, trở nên nhỏ bé hơn.

Khoa học vừa chứng minh: Đàn ông càng đẹp và hào nhoáng thì... bi càng nhỏ - Ảnh 2.

Ở các loài linh trưởng như đười ươi, việc con đực sở hữu ngoại hình càng đẹp, càng chất, tỷ lệ "bi nhỏ" càng cao

Theo các chuyên gia lý giải, nguyên nhân có thể là vì những cá thể có ngoại hình đẹp thường đã có lợi thế hơn hẳn để thu hút cá thể cái, đâm ra họ không cần phải "đầu tư" quá nhiều vào tinh hoàn và chất lượng tinh trùng. Ngược lại, linh trưởng với ngoại hình xấu có ít cơ hội "tiến tới hôn nhân" hơn, nên phải dồn gene vào chất lượng tinh trùng, nhằm cải thiện tỷ lệ thụ tinh mỗi khi có cơ hội. Và bởi vậy, tinh hoàn của chúng to hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng ngoại hình không phải là yếu tố đảm bảo cho sự kết đôi ở các loài linh trưởng, mà đôi khi chúng phải đánh nhau để tranh giành. Những cá thể có vũ khí tự nhiên lớn hơn - như răng, móng vuốt, cơ bắp... - sẽ có nhiều cơ hội hơn. Vậy logic mà nói, phải chăng cũng có sự đánh đổi giữa răng và móng vuốt với kích cỡ của tinh hoàn?

Tuy nhiên, kết quả thì ngược lại: những cá thể có răng nanh lớn, hai hòn bi cũng thuộc vào hàng "ngoại cỡ". Dù chưa có lý giải chính thức, nhưng các chuyên gia tin rằng việc phát triển vũ khí không đòi hỏi quá nhiều gene và năng lượng, nên không nhất thiết phải đánh đổi với kích cỡ tinh hoàn.

"Về cơ bản, ngoại hình sẽ đánh đổi bằng kích cỡ tinh hoàn và chất lượng tinh trùng. Hay nói cách khác, con đực càng đẹp, càng hào nhoáng, "bi" càng nhỏ." - nhà khoa học Stefan Lüpold từ ĐH Zurich kết luận.

Dù vậy, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng kết luận này cần được chứng minh qua một số nghiên cứu khác sâu hơn, nhất là đối với con người.

Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Hội Hoàng gia B.

Tham khảo: IFL Science