Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau”

Long Quyền, Theo Trí Thức Trẻ 21:34 18/12/2019

Từ cuối tháng 10/2019 đến nay, giá thịt lợn có xu hướng tăng cao do hệ luỵ của dịch bệnh, kéo theo đó nhiều thực phẩm khác cũng tăng giá theo. Trước tình trạng này, nhiều bạn trẻ sinh viên đã giảm bớt khẩu phần ăn từng bữa để tiết kiệm tiền chi tiêu.

So với đầu năm 2019, hiện giá thịt lợn trên thị trường có xu hướng tăng. Đặc biệt, đến cuối tháng 10/2019, giá thịt lợn tăng khoảng 60-80% so với tháng 9 và tăng 60-95% so với hồi đầu năm.

Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 1.

Giá thịt lợn liên tục tăng đồng loạt tại khắp các chợ trên địa bàn TP Hà Nội kể từ cuối tháng 10/2019 đến nay.

Theo ghi nhận của chúng tôi vào ngày 18/12, hiện giá lợn hơi đang có xu hướng tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, giữ ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg, có nơi lên tới 95.000 đồng/kg.

Ghi nhận tại một số khu vực như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (Hà Nội), hiện tại giá thịt lợn thành phẩm dao động ở mức từ 160.000 - 180.000 đồng/kg, tăng 15.000-20.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng 12.

Tình trạng giá thịt lợn tăng cao kéo theo các roại thực phẩm khác như rau củ quả, trứng, cá cũng đồng loạt tăng giá. Các loại rau đều tăng giá từ 2.000 – 3.000 đồng/bó. Trứng gà, vịt tăng nhẹ từ 800 – 1.200 đồng/quả.

Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 2.

Thịt lợn tăng giá kéo theo các loại thực phẩm khác như rau củ quả, cá, trứng cũng tăng giá theo.

Sinh viên ăn rau, trứng thay thịt

Trao đổi với chúng tôi, bạn Nguyễn Vân Đức, sinh viên năm 3 tại một trường đại học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm cho biết, sau khi giá thịt lợn có xu hướng tăng cao, bản thân đã chuyển qua sử dụng các loại thực phẩm khác có giá thấp hơn như rau, trứng.

"Ban đầu em cũng không để ý vì tăng không nhiều nhưng khoảng một tháng trở lại đây thì giá thịt tiếp tục tăng cao nên chúng em không còn mua thịt lợn để sử dụng hàng ngày nữa mà đa số dùng rau với trứng vịt trong mỗi bữa ăn. Dù vậy bọn em cũng phải mua với số lượng hạn chế đi vì rau và trứng cũng tăng giá", bạn Vân Đức chia sẻ.

Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 3.

Các hàng thịt tại chợ khu vực Bắc Từ Liêm luôn trong tình trạng ít người mua.

"Em ở cùng với một bạn cùng phòng, thời gian trước đây chúng em thường mua khoảng 25.000 – 30.000 đồng tiền thịt lợn là 2 người ăn không hết thậm chí còn để dành cho bữa sau dùng. Tuy nhiên, khoảng hơn một tháng nay chúng em không dám mua thịt lợn nữa vì mua bằng số tiền đó thì không đủ 2 người ăn. Mặc dù tự nấu ăn sẽ ngon và đảm bảo hơn nhưng nhiều khi bọn em rủ nhau ra quán ăn vì nấu ăn quá tốn kém", Vân Đức nói.

Sau khi giá thịt lợn tăng cao, các loại thực phẩm khác cũng đồng loạt tăng giá. Nhiều thực phẩm tưởng chừng như không mấy liên quan đến thịt lợn như trứng gà, vịt cũng tăng giá vì… "thịt lợn tăng giá".

Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 4.
Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 5.

Sau khi thịt lợn tăng giá, Vân Đức chuyển qua ăn rau và trứng để tiết kiệm chi phí.

"Đối với những bạn gia đình khá giả thì chắc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, còn phòng bọn em ở 3 người, sau khi thịt lợn tăng giá gấp 2 lần thì bọn em không còn mua thịt lợn cho bữa ăn hàng ngày nữa. Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có thế, số tiền đóng góp cho mỗi bữa ăn chỉ có vậy, nếu cố mua thịt lợn để sử dụng thì mỗi người được vài miếng thậm chí không còn tiền mua rau nữa.

Đa số bọn em nấu ăn để tiết kiệm vì sẽ để lại được thức ăn dành cho bữa sau nhưng hiện nay thực phẩm gì cũng tăng giá, nấu ăn không còn dư lại được gì nên nhiều lúc đành rủ nhau ra quán ăn cho đỡ phải nấu mặc dù giờ quán ăn cũng tăng giá cơm", bạn Nguyễn Văn Tụ, sinh viên năm 3 của một trường đại học trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chia sẻ.

Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 6.

Một số tiểu thương bán thịt lợn cho biết, việc giá lợn tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn khiến doanh thu kinh doanh sụt giảm do ít người mua.

Theo đa số các bạn sinh viên cho biết, sau khi thịt lợn tăng giá đã quyết định chuyển qua ăn các loại thực phẩm khác có giá thành thấp hơn. Thậm chí, nhiều bạn sinh viên chuyển ra ăn tại các quán cơm bình dân để phần nào tiết kiệm chi phí. Một số sinh viên lựa chọn cách nhờ bố mẹ gửi thực phẩm từ quê nhà lên Hà Nội để ăn dần nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo hơn.

Trao đổi với chúng tôi, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ dưới chân cầu Thăng Long (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, việc kinh doanh bị ảnh hưởng khá lớn do thịt lợn tăng giá cao.

Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 7.
Khổ như sinh viên đi chợ thời thịt lợn tăng giá: “Tiền bố mẹ trợ cấp chỉ có vậy, ăn thịt thì hết tiền ăn rau” - Ảnh 8.

Một số tiểu thương lại cho rằng, việc thịt lợn tăng giá cao không mấy ảnh hưởng đến việc kinh doanh do người dân vẫn sử dụng đều dù lượng khách sinh viên mua giảm.

"Thời gian trước người dân mua nhiều, từ khi lợn tăng giá cao thì lượng khách mua thịt ít hẳn nên lợi nhuận cũng bị giảm. Dù các thực phẩm thịt cá khác cũng tăng giá nhưng không cao nên người dân chủ yếu mua các loại thịt cá khác. Lượng khách hàng sinh viên cũng giảm hẳn so với thời gian trước", một tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ dưới chân cầu Thăng Long chia sẻ.

Tuy nhiên, một số tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại khu vực Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm lại cho rằng, giá lợn tăng không mấy ảnh hưởng đến việc kinh doanh nơi đây.

"Tuy sinh viên đã hạn chế mua nhưng người dân lao động vẫn sử dụng đều. Giá thành cao chúng tôi sẽ thịt ít lợn đi, những người buôn thì nhập ít hàng hơn so với trước. Các loại thực phẩm khác cũng tăng giá nên nhiều người vẫn sử dụng thịt lợn là món chính trong bữa ăn, việc kinh doanh của chúng tôi không mấy bị ảnh hưởng", chị Quỳnh một tiểu thương bán thịt lợn tại Mỹ Đình (Hà Nội) chia sẻ.