Khi luật sư đem tài biện hộ ra bảo vệ… chuột: Vô cùng năng nổ, sắc bén, hợp tình hợp lý đến nỗi đáng được ngả mũ bái phục

Vũ Huế, Theo Helino 10:11 28/01/2020
Chia sẻ

Vào năm 1508, toàn bộ chuột ở làng Autun, Pháp bị kiện lên tòa án với tội danh phá hại mùa màng. Từng con một đều bị triệu tập đến tòa án.

Tất nhiên là đám chuột chẳng màng gì đến lệnh triệu tập của con người, mà một phiên tòa thì không thể xét xử khi thiếu bị cáo. Vụ kiện vì thế bị hoãn vô thời hạn, và người thành công khiến nó bị hoãn một cách hợp pháp, cứu toàn bộ các "thân-chủ-chuột" là luật sư chỉ định Bartholomew de Chassenée (1480-1541).

Xét xử động vật: Chuyện bình thường ở phương Tây thời Trung đại

Theo cuốn Truy tố Hình sự và Xử phạt Tử hình đối với Động vật (The Criminal Prosecution and Capital Punishment of Animals) của học giả người Mỹ Edward Payson Evans, mở phiên tòa xét xử động vật là chuyện hết sức bình thường ở Châu Âu thời Trung đại. Trong khoảng năm 824 đến giữa thế kỷ 18, chí ít cũng có trên 200 trường hợp động vật bị tố cáo. Chúng bao gồm từ gia súc nhà nuôi như lợn, bò, lừa… đến các loài hoang dã như bọ cánh cứng, nai sừng tấm.

Khi luật sư đem tài biện hộ ra bảo vệ… chuột: Vô cùng năng nổ, sắc bén, hợp tình hợp lý đến nỗi đáng được ngả mũ bái phục - Ảnh 1.

Tòa án xét xử động vật là chuyện bình thường ở Châu Âu thời Trung đại

Lịch sử tòa án châu Âu vẫn lưu giữ khá nhiều tài liệu về các vụ xét xử động vật, ví dụ như vụ việc xảy ra vào ngày 5/9/1379 tại một tu viện ở Pháp. Khi ấy có một đàn lợn đột ngột nổi tính hung hăng, cắn chết người dân tên là Perrinot Muet.

Lập tức, cả đàn bị vây bắt, chờ xét xử. Chủ nuôi của chúng, Friar Humbert de Poutiers quá xót xa, liền gửi một bức thư thỉnh cầu lên thẩm phán đương thời là Công tước Xứ Burgundy. Ông khẳng định chỉ có đúng 3 con lợn phạm tội tấn công giết người, số còn lại không hề làm gì sai, mà chỉ có mỗi 1 lỗi là... bàng quan đứng nhìn, không ngăn tội ác.

Poutiers tha thiết cầu xin quan tòa hãy xem xét và khoan hồng. Cuối cùng, ông cứu được đàn lợn, trừ 3 con đã phạm pháp.

Tòa án xét xử động vật, nghe thì vô lý nhưng hoạt động cực kỳ nghiêm túc. Họ nhận đơn tố cáo, cắt cử công tố viên điều tra thực hư sự tình và chỉ định luật sư biện hộ. Các bị cáo động vật cũng được quyền kháng cáo (dĩ nhiên là do luật sư làm giúp). Một vụ xét xử có thể kéo dài suốt nhiều tháng, thậm chí là cả năm. Ví dụ như vụ tố tụng bọ cánh cứng Rhynchites auratus ở Thị trấn St. Julien, Pháp. Phải mất những 8 tháng, phiên tòa mới đưa ra phán quyết cuối cùng.

Dù là động vật hoang dã hay vật nuôi mà phạm pháp đều bị xét xử như con người

Chuột: Một trong những bị cáo thường gặp

Có rất nhiều hình thức xử phạt từ nhẹ đến nặng đối với các trường hợp động vật phạm tội. Nếu tội lỗi ít nghiêm trọng, chúng chỉ bị đánh đôi ba cái. Nếu tội lỗi không thể dung thứ, chúng có thể bị thiêu sống, treo cổ hoặc tù chung thân.

Trong số các loài phổ biến nhất bị kiện phải kể đến chuột. Từ cổ chí kim, nhân loại phải sống chung với chuột. Trên khắp thế giới, chuột phá hoại mùa màng, đồ đạc, trộm cắp lương thực, lây lan bệnh dịch… Chẳng mấy ai lại đắn đo trong việc đuổi giết chúng. Nhưng ở châu Âu thời Trung cổ, vì tồn tại pháp luật xét xử động vật, người ta mới phải nhẫn nhịn đưa chúng ra tòa, chờ phán quyết từ luật pháp.

Khi luật sư đem tài biện hộ ra bảo vệ… chuột: Vô cùng năng nổ, sắc bén, hợp tình hợp lý đến nỗi đáng được ngả mũ bái phục - Ảnh 3.

Chuột là một trong những "bị cáo" quen thuộc của tòa án xét xử động vật

Kiện chuột thì dễ, nhưng lôi chúng ra trước vành móng ngựa thì lại khác. Với phần đông các vụ kiện chuột, tòa án thường kết thúc sớm bằng một bức thư hòa giải. Họ mang thư đến nhà nguyên đơn, dõng dạc đọc to cho chuột nghe. Nội dung bức thư là những lời khuyên giải đầy lý lẽ và cảm động. Người ta tin rằng, lũ chuột nghe xong sẽ hiểu, tự động bỏ đi, thôi quấy phá chủ nhà.

Làng Autun và vụ kiện chuột chấn động nhất

Autun là ngôi làng nằm trong vùng Bourgogne-Franche-Comté, Pháp. Những năm Trung đại, Autun là làng nông nghiệp. Các cư dân lấy chăn nuôi, trồng trọt làm sinh kế. Nhưng đến năm 1508, họ phải đối mặt với một vụ mùa thất bát nặng, và thủ phạm chính là chuột. Chúng phá nát và xơi sạch cánh đồng lúa mạch, đẩy dân làng vào nguy cơ chết đói.

Khi luật sư đem tài biện hộ ra bảo vệ… chuột: Vô cùng năng nổ, sắc bén, hợp tình hợp lý đến nỗi đáng được ngả mũ bái phục - Ảnh 4.

Làng Autun, Pháp

Điên tiết, cư dân Autun quyết định đâm đơn kiện, gửi lên Tòa án Giáo hội Giám nhiệm. Vì chuột cũng là đối tượng nằm dưới sự bảo vệ của luật pháp và giáo hội, quan tòa tôn giáo là trưởng giám mục quyết định mở phiên tòa xét xử. Luật sư Bartholomew Chassenée (1480-1541) được chỉ định làm người bảo vệ cho các "bị cáo chuột". Trong trường hợp tệ nhất, đàn "bị cáo" sẽ phải chịu hình phạt Vạ tuyệt thông (Excommunication) - khai trừ khỏi giáo phận.

Đỉnh cao của tài năng biện hộ: Chỉ bằng miệng lưỡi mà điều khiển cục diện

Trong vai trò là luật sư bảo vệ "bị cáo-chuột", Chassenée nát óc tính toán mưu kế. Đầu tiên, ông đòi chủ tọa phải triệu tập toàn bộ chuột ở Autun. Tất cả chúng đều bị kiện nên cũng đều có quyền có mặt tại phiên xét xử.

Vì lập luận của Chassenée quá hợp lý, tòa án xét xử chuột đành phải dời ngày. Họ cũng làm giấy triệu tập "bị cáo-chuột", phân phát cho các linh mục đến khắp ngõ ngách Autun đọc lệnh.

Luật sư Barthélemy de Chasseneuz (1480-1541) và vụ kiện chuột nổi tiếng

Ngày xét xử, không có "bị cáo-chuột" nào theo lệnh triệu tập mà đến tòa. Chassenée khôn ngoan mồm mép, các "thân chủ-chuột" của ông không thể đến dự vì có lý do. Đó là thế giới bên ngoài quá nguy hiểm. Chỉ cần vừa ra khỏi hang, chuột đã bị chó mèo rình rập, vồ cắn giết. Vì thế, "họ" không thể mạo hiểm cả tính mạng mà đến tham dự phiên tòa.

Thẳng thắn thì dù dân làng Chassenée có ngăn chặn hết các nguy cơ mất mạng của "bị cáo-chuột" (bằng cách nhốt hết cho mèo), cũng sẽ chẳng có con chuột nào bò đến vành móng ngựa. Trừ khi, có con nào đó vô tình mò tới kiếm thức ăn vào đúng thời điểm.

Không có bị cáo thì làm sao mà xét với xử. Lại một lần nữa, phiên tòa bị hoãn. Từ bên tố cáo đến các giám mục đóng vai thẩm phán, công tố đều chỉ đành bó tay. Không có phiên xét xử thứ ba được ghi chép lại, nên có thể vụ hoãn này đã kéo dài mãi mãi. Nó đồng nghĩa với việc các "hung thủ-chuột" tiếp tục an nhiên tự tại, sống yên ổn và sinh con đẻ cái trong lãnh địa làng Autun.

Tham khảo Thevintagenews

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày