Khi bánh tráng trộn, bún nem nướng… lề đường “rủ nhau” lên ứng dụng

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 03/07/2019

Chẳng cần mặt tiền đắc địa, một số hàng quán vẫn ăn nên làm ra và ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể từ ngày tham gia vào các nền tảng gọi món trực tuyến.

"Startup" bún nem nướng

Quán bún nem nướng Hoàng Cẩm tọa lạc trong con hẻm nhỏ thuộc chợ Hoàng Hoa Thám (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Mới mở gần một năm, thế nhưng quán đã chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng so với những ngày đầu khai trương. Lượng bún và bánh hỏi nguyên liệu quán tiêu thụ mỗi ngày có khi lên đến con số hàng trăm. Đi kèm với những phần bún còn là nước cam, rau má, nước ngọt, hàng trăm ly mỗi loại một ngày.

Điều đặc biệt ở đây, là quán không hề có bàn ghế, nhân viên phục vụ, trông giữ xe... mà chủ yếu tập trung vào việc bán mang đi và thông qua các dịch vụ giao nhận món ăn trực tuyến.

Anh Nguyễn Văn Cẩm, chủ quán bún cho biết, ý tưởng mở quán ăn online được anh ấp ủ khi chứng kiến lượng tài xế công nghệ "khủng" di chuyển trên các tuyến phố Sài Gòn hằng ngày, từ sáng sớm đến tối đêm. Tốt nghiệp ngành công nghệ thực phẩm, anh Cẩm cũng hiểu được các ứng dụng công nghệ đang tạo ra nền tảng giúp tối ưu hoá cho việc kinh doanh ăn uống của các cửa hàng nhỏ lẻ như quán của anh.

Khi bánh tráng trộn, bún nem nướng… lề đường “rủ nhau” lên ứng dụng - Ảnh 1.

Shipper GrabFood chờ nhận đơn hàng tại quán bún nem nướng Hoàng Cẩm (Quận Phú Nhuận, TP.HCM)

Tại thời điểm hiện tại, quán gồm bố anh đứng vỉ nướng, anh chăm lo quán xuyến, ba nhân viên phụ bếp đều là người quen gia đình. Năm con người xoay trở trong mặt bằng vỏn vẹn 15m2. Chọn mặt bằng nhỏ gọn là cách để anh Cẩm tối ưu hóa chi phí. Mỗi tháng anh chỉ tốn kém khoản tiền khá khiêm tốn cho chi phí vận hành, so với việc mở một quán ăn phục vụ tại chỗ có quy mô lớn hơn, nhưng cũng tốn kém hơn nhiều.

Ấy vậy mà "startup" bún nem nướng này lại phát triển nhanh chóng, vượt qua mong đợi của anh Cẩm, thu hút rất đông khách đặt món ăn trên các ứng dụng giao nhận thức ăn.

"Cứ đến giờ ăn trưa hoặc cơm tối, hàng chục tài xế công nghệ, chủ yếu là GrabFood đứng đợi sẵn trước cửa quán. Nhiều lúc đứng quá đông tôi cũng ngại với hàng xóm. Từ đó bản thân chuyên tâm cải tiến cách đóng gói, chuẩn bị sẵn thức ăn để tài xế thuận tiện lấy hàng, đơn được giải quyết nhanh chóng nhất", anh Cẩm nói.

Bánh tráng trộn online

Bánh tráng Cô Tuyền (quận 3, TP.HCM) cũng được đánh giá là một trong những cửa hàng online điển hình trong bối cảnh dịch vụ giao thức ăn lên ngôi. Chỉ cần một góc nhỏ trước cửa nhà để đặt tủ, một kho chứa thực phẩm tầm 4m2 nhưng quán vẫn bán "đắt như tôm tươi".

Mỗi ngày, những món ăn vặt của chị Tuyền được giao đến khắp mọi ngõ ngách tại TP.HCM. Chủ quán bánh tráng này cho biết, trước đó chị vẫn bán hàng trên Instagram, khách cũng rất đông nhưng do phải tự đặt dịch vụ giao hàng mà công việc của chị và các nhân viên thường xuyên quá tải. "Đơn hàng vì giao không kịp nên bị hủy liên tục. Chất lượng bánh tráng, thức uống giao đến tay khách hàng cũng chưa chắc đảm bảo bởi shipper giao theo danh sách nhiều đơn", chị Tuyền chia sẻ.

Khi bánh tráng trộn, bún nem nướng… lề đường “rủ nhau” lên ứng dụng - Ảnh 2.

Xe bánh tráng của chị Tuyền tuy bé nhưng luôn rơi vào tình trạng bị "phục kích" bởi các shipper công nghệ

Từ 2018, thêm nhiều ứng dụng giao thức ăn trực tuyến ra đời. Hàng bánh tráng của chị Tuyền được các đơn vị này cập nhật tự động lên danh sách hàng quán. Dù chưa có bất kỳ hợp tác nào, nhưng quán của chị Tuyền liên tiếp được đưa vào các danh sách "phải thử", "bán chạy". "Lượng đơn hàng từ các các dịch vụ 4.0 tăng lên nhanh chóng, nhất là doanh thu từ GrabFood, trong khi mình không còn vất vả nhiều như trước", chị Tuyền nói.

Đằng sau thành công của những "quán ăn 4.0"

Anh Cẩm, chị Tuyền là hai trong số những chủ quán hội tụ đủ các yếu tố cần và đủ để thành công trong lĩnh vực ăn uống. Họ chứng minh được một cửa hàng, không cần thuê mặt bằng, không cần chi phí quảng bá, không cần vật lộn với fanpage, không cần phát triển đội ngũ "shipper"... vẫn có thể hái ra tiền.

Nếu "yếu tố cần" là khẩu vị tinh tế trong chế biến, cái tâm đối với thực khách, tầm nhìn về đầu tư. Thì chính tư duy nhạy bén biết nắm bắt thị hiếu, sự nhạy cảm thức thời đối với những đổi mới công nghệ xung quanh mới làm tròn đầy "yếu tố đủ". Các ứng dụng dụng đặt món trực tuyến theo đó đã trở thành "người hùng" đằng sau những cú "lột xác" ngoạn mục về doanh thu của loạt hàng quán thời 4.0. Như đại diện một ứng dụng giao nhận thức ăn có lượng shipper đông nhất thị trường hiện nay chia sẻ, sử dụng công nghệ để hỗ trợ các đối tác kinh doanh ngày một hiệu quả hơn (#TechforGood) là một trong những chiến lược mà đơn vị hướng đến.

Mới đây, nhận thấy quán tại Phú Nhuận đã hoạt động ổn định, anh Cẩm đang xúc tiến mở thêm chi nhánh ở chợ Bàn Cờ, quận 3. Anh nói chỉ cần kết nối camera IP cùng trên điện thoại là anh có thể quan sát hai quán cùng lúc. "Không vướng bận bàn ghế, hàng quán, nhân viên… nhiều như các quán bán tại chỗ nên mình mở rộng nhanh chóng lắm. Sắp tới, phía GrabFood cũng sẽ trang bị thêm máy POS cho quán tôi để xuất đơn hàng nhanh chóng, do lượng đơn hàng đến từ đơn vị này chiếm áp đảo trong số các app mà tôi đã đăng ký", anh Cẩm nói.

Trong khi đó, chị Tuyền cũng đang hào hứng với công việc của mình khi gần đây, phía GrabFood đã đề xuất cho chị địa điểm kinh doanh mới. "Họ cất công cử bộ phận chuyên môn phân tích dựa trên dữ liệu người mua hàng của quán, rồi giới thiệu cho tôi địa điểm thuận tiện cho việc nhận đơn nhất. Nơi đó giao thoa nhiều nguồn khách hàng sẵn có lẫn tiềm năng để quán bán nhiều hơn hiện tại. Tôi hy vọng có thể mở rộng thêm", chủ quán bánh tráng cho biết.