Qatar - nhà vô địch thực sự của World Cup 2022
Kể từ khi giành quyền đăng cai từ năm 2010, Qatar bị truyền thông và bóng đá châu Âu, Mỹ đặt nhiều nghi vấn. Quốc gia sa mạc nhỏ bé, một bán đảo giống hình ngón tay cái, diện tích lãnh thổ chỉ 11.581 km2 (bằng 1/30 diện tích thủ đô Hà Nội) dường như không phù hợp để trở thành chủ nhà cho một giải đấu quy mô như World Cup.
Thời điểm đó, đất nước vùng Vịnh thiếu sân vận động, không đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu và bề dày lịch sử bóng đá để thuyết phục sự ủng hộ của các thành viên FIFA. Sau khi Sepp Blatter, cựu chủ tịch FIFA, công bố kết quả bầu chọn nước chủ nhà World Cup 2022 trong một hội trường ở Zurich, Thụy Sĩ ngày 2/12/2010, tất cả đều sửng sốt.
Chính đoàn khảo sát của FIFA, sau khi làm nhiệm vụ ở Qatar thời điểm ấy, cũng dán nhãn “rủi ro cao” cho công tác tổ chức của nước chủ nhà. Nhưng quốc gia dầu mỏ đã dùng nguồn cung dồi dào có sẵn để thay đổi tất cả: tiền.
Được hỗ trợ bởi các nguồn tài chính, quỹ đầu tư không đáy, Qatar bắt tay vào dự án khổng lồ, gần như xây dựng lại toàn bộ đất nước, với 7 sân vận động mới hoành tráng, cải tạo 5 sân vận động cũ vượt tiêu chuẩn FIFA, cùng với đó là hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai. Hơn 200 tỷ USD được rót vào công cuộc làm mới Qatar, chỉ để phục vụ 1 tháng diễn ra World Cup 2022.
Dường như cảm thấy còn chưa đủ, các nhà tài phiệt Qatar còn vung tiền chi tiêu bên ngoài lãnh thổ, mua lại các câu lạc bộ bóng đá top đầu thế giới, sở hữu bản quyền những giải đấu trị giá hàng tỷ USD như Ngoại hạng Anh, đồng thời thuê các ngôi sao bóng đá và người nổi tiếng làm đại sứ đồng hành World Cup 2022.
Đó là lý do ngày hội bóng đá thế giới lần này quy tụ nhiều huyền thoại chưa từng có. “Chiếm sóng” nhiều nhất trên khán đài là đại sứ quảng bá hình ảnh World Cup 2022 từ những ngày đầu, David Beckham. Ngoài ra, sự xuất hiện của Roberto Carlos, Ronaldinho, Ronaldo de Lima, Kaka (Brazil), Alessandro Del Piero, Christian Vieri, Francesco Totti (Italy), Luis Figo (Bồ Đào Nha), Gabriel Batistuta (Argentina)… cũng làm người hâm mộ thích thú.
12 năm chuẩn bị của Qatar bùng nổ ở trận chung kết Argentina gặp Pháp, khi pháo hoa lấp lánh trên bầu trời sân vận động 88.000 chỗ ngồi Lusail, các cổ động viên Argentina cất vang tiếng hát và ngôi sao của họ, Lionel Messi, rạng rỡ nâng cao chiếc cúp mà anh chờ đợi cả đời để được chạm tay vào. Đó là lúc cả thế giới đều phải khâm phục Qatar.
Trận chung kết ngoạn mục kết thúc với 6 bàn thắng đẹp mắt và loạt sút luân lưu hồi hộp, ghi sâu vào tiềm thức người hâm mộ toàn cầu về màn so tài giữa hai siêu sao đang khoác áo PSG (có chủ sở hữu là các ông chủ Qatar). Để tô điểm thêm cho giải đấu chưa từng có trong lịch sử, tiểu vương Qatar, Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani đã khoác lên người Messi chiếc áo choàng đen có viền vàng, được mặc ở vùng Vịnh trong những dịp đặc biệt, trước khi trao cho đội trưởng Argentina chiếc cúp vàng 18 karat. Messi và Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đều tươi cười rạng rỡ đón nhận tình cảm của tiểu vương, dù đây là điều trái quy định trong lễ nhận cúp.
Tất cả những hình ảnh diễn ra trên sân vận động trị giá 1 tỷ USD Lusail được phát trực tiếp khắp Trung Đông trên beIN Sports, một đài truyền hình thể thao lớn chỉ vừa thành lập khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup.
Khung cảnh hoành tráng, cái kết viên mãn ở Lusail cũng rũ bỏ những tranh cãi từ ngày khai mạc, khi Qatar thắt chặt lệnh cấm rượu bia trong sân vận động và ngăn các đội tuyển ủng hộ cộng đồng LGBT bằng chiếc băng đội trưởng 7 sắc cầu vồng.
Nếu có một chiếc cúp vô địch dành riêng cho chủ nhà các kỳ World Cup, Qatar xứng đáng được tôn vinh!
Những anh hùng mới của thời đại bóng đá toàn cầu
Ở Qatar, không chỉ những nhà vô địch đoạt cúp, mà nhiều đội tuyển dù sớm dừng bước trước chung kết cũng viết nên vô số kỷ lục mới, đáng ghi nhớ. Tiêu biểu là các quốc gia thuộc thế giới Ả Rập.
Saudi Arabia có thể tự hào tuyên bố họ là đội bóng duy nhất đánh bại nhà vô địch World Cup, khi giành chiến thắng 2-1 ngay trận mở màn vòng bảng. Morocco, đội chỉ một lần lọt vào vòng loại trực tiếp trước đây, đã trở thành quốc gia châu Phi và thế giới Ả Rập đầu tiên tiến vào bán kết. “Đại bàng Atlas” có chuỗi chiến thắng khó tin trước các đối thủ nặng ký của bóng đá châu Âu: Bỉ, Tây Ban Nha và sau đó là Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo.
Những “cơn địa chấn” ấy đã khơi dậy niềm tự hào và màn ăn mừng khắp thế giới Ả Rập và một số thủ đô lớn ở châu Âu, nơi có đông đảo người nhập cư.
Không chỉ Morocco và châu Phi thách thức các đối thủ đến từ châu Âu và Nam Mỹ, World Cup 2022 còn chứng kiến phong độ khó tin của các đội bóng châu Á, nổi bật là Nhật Bản. Lần đầu tiên trong lịch sử, có 3 đội bóng châu Á lọt vào vòng 1/8. Nhật Bản thậm chí còn thắng hai nhà cựu vô địch thế giới: Đức, Tây Ban Nha; còn Hàn Quốc đánh bại nhà cựu vô địch châu Âu: Bồ Đào Nha.
World Cup từ lâu được xem như sân chơi của các đội bóng châu Âu và Nam Mỹ. Bóng đá hiện đại bắt nguồn từ châu Âu, họ giành 12/22 chức vô địch, trong khi Nam Mỹ lên ngôi ở 10 lần còn lại. Vị thế này đang đón nhận những thách thức không ngừng nghỉ từ châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.
World Cup độc lạ
Bản chất của bóng đá là đưa trái bóng lăn về phía trước. Và trong mỗi kỳ World Cup, FIFA luôn đi trước thời đại và các Liên đoàn bóng đá thành viên với hàng loạt công nghệ mới, tiên tiến, dù ban đầu những thứ này khiến người xem cảm thấy khó chịu.
Chẳng hạn, chỉ 2 phút đầu trận mở màn, bàn thắng của Ecuador đã vô hiệu sau sự can thiệp từ phiên bản nâng cấp của VAR - “Công nghệ việt vị bán tự động” (gọi tắt là SAOT), làm dấy lên những cuộc thảo luận sôi nổi về công nghệ mới này. Còn ở trận Argentina thua Saudi Arabia, đội bóng của Messi bị phạt 7 lần việt vị, 3 bàn không được công nhận. Sự giận dữ khi ấy lên đến tột độ.
Thêm vào đó là phút bù giờ… siêu dài. Ở trận đấu giữa Anh và Iran, hiệp 1 có 15 phút bù giờ và hiệp 2 kéo dài thêm 14 phút, suýt chút nữa tạo nên "hiệp phụ" ở vòng bảng. Trận Senegal và Hà Lan cũng có tới 10 phút bù giờ trong hiệp hai. 9 phút là thời gian đá thêm trận Mỹ và Xứ Wales. Tất cả đều khiến người hâm mộ hoài nghi.
Vì lý do này, Collina, người đứng đầu cơ quan trọng tài FIFA, đã phải đứng ra giải thích về quy định mới: trọng tài thứ tư phải theo dõi từng giây bóng không lăn trên sân. Khoảng thời gian đó phát sinh bởi chấn thương, thay người, thẻ phạt, ăn mừng bàn thắng và sự can thiệp của VAR, cũng như thời gian mà các cầu thủ cố tình câu giờ.
Sau khi bước vào vòng đấu loại trực tiếp, hiện tượng thời gian bù giờ trên đã được khắc phục ở một mức độ nhất định và hiệu quả can thiệp của SAOT cũng được cải thiện đáng kể.
Ngoài ra, bàn thắng gây tranh cãi của Nhật Bản vào lưới Tây Ban Nha cũng châm ngòi tranh cãi thú vị ở World Cup này.
Ở tình huống Tanaka ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1, trọng tài biên căng cờ báo hiệu bóng đi hết đường biên ngang. Nhưng tổ VAR nhanh chóng nhập cuộc để kiểm tra xem bóng ra ngoài hay chưa. Trọng tài chính Victor Miguel sau đó công nhận bàn thắng mà không cần xem lại video.
Sau trận đấu, FIFA đã công bố hình ảnh trích xuất từ cảm biến của quả bóng. Chính xác là theo hình chiếu thì bóng chưa đi hết biên, vẫn nằm trong vạch khoảng 1,88 mm.
Công nghệ mang đến sự công bằng và thúc đẩy các đội bóng theo đuổi lối đá văn minh, fair-play. Người hâm mộ cũng sẽ phải quen dần với những áp dụng công nghệ, thay đổi thể thức thi đấu của FIFA trong tương lai.
Chào đón World Cup 2026
Sau khi tổ chức thành công Giải vô địch bóng đá thế giới thú vị nhất trong lịch sử, FIFA sẽ bắt đầu chuẩn bị cho kỳ World Cup tiếp theo với quy mô lớn nhất. World Cup 2026 sẽ diễn ra tại 3 nước Bắc Mỹ: Mỹ, Mexico và Canada với 48 đội tham dự.
Quy mô 48 đội đồng nghĩa với việc số trận đấu của World Cup 2026 sẽ tăng lên. Kế hoạch ban đầu là 16 bảng (mỗi bảng 3 đội), số trận đấu sẽ được tăng từ 64 hiện tại lên 80. Chủ tịch FIFA Infantino cho biết FIFA đang xem xét lại kế hoạch tổ chức vòng bảng và có thể sử dụng 12 bảng đấu (mỗi bảng 4 đội), với 2 đội đứng đầu mỗi bảng và 8 đội thứ 3 có thành tích tốt nhất tiến vào vòng sau. Nếu theo thể thức này, số trận đấu của World Cup sẽ lên tới con số 104.
Có tổng cộng 16 thành phố đăng cai tổ chức World Cup 2026, trong đó có 11 ở Mỹ, 3 ở Mexico và 2 ở Canada. Các nước chủ nhà vẫn còn khoảng 3 năm rưỡi để chuẩn bị. Hầu hết các trận đấu, bao gồm tất cả các trận đấu ở vòng loại trực tiếp, sẽ được tổ chức tại Mỹ.
Có quá nhiều điều thú vị để mong đợi ở World Cup 2026. Đó là việc các đội bóng châu Á và châu Phi liệu có làm nên bất ngờ, tiếp tục thách thức châu Âu và Nam Mỹ. Hay cuộc cạnh tranh giữa Mbappe và Haaland, dù nhiều khả năng Messi và Ronaldo sẽ không góp mặt.
Chủ tịch FIFA Gianni Infantino đã dùng cụm từ "thành công ngoài sức tưởng tượng" khi đánh giá về kỳ World Cup 2022. Đến nay, World Cup ở Qatar đã kết thúc, cũng là lúc tất cả đếm ngược để gặp lại nhau tại Bắc Mỹ 2026.