Mặc cảm của phần lớn người khuyết tật là cảm giác tự ti khi thiếu đi một phần của
cơ thể mình. Với sự phát triển của công nghệ, không ít người đã có thể sở hữu những chân, tay được làm giả.
Những chi giả này không những đáp ứng nhu cầu vận động của người bình thường cho người khuyết tật mà còn chú trọng vào hình thức thẩm mĩ bên ngoài, khiến chúng ta đôi khi không thể phân biệt được…
Chân dung Sophie de Oliveira Barata - người được mệnh danh là “nữ hoàng làm chân tay giả” đang làm việc tại studio thiết kế. Cô là người đứng đầu dự án “The Alternative Limb”. Nội dung của dự án là kết hợp việc tạo ra những bộ phận giả cho người khuyết tật với nghệ thuật tạo hình.
Sản phẩm thu được là những chi giả có hình dạng y như thật hoặc được chế tác theo sở thích và yêu cầu của bệnh nhân. Theo tâm sự của Sophie, để tạo ra một tác phẩm vừa có tính nghệ thuật, vừa có ích cho xã hội dạng này, cô sẽ mất khoảng một tháng trong phòng thiết kế.
Một trong những đặc điểm lớn nhất khi thực hiện dự án này là việc Sophie mời tất cả những bệnh nhân của cô đến cùng tham gia thiết kế. Tùy theo nhu cầu, sở thích của bệnh nhân, bộ phận chi giả sẽ được làm ra theo ý muốn: từ màu da, độ dài cho tới những chi tiết nhỏ phá cách bệnh nhân muốn thêm vào.
Quá trình tái tạo chi giả bắt đầu với công đoạn làm khuôn. Theo đó, Sophie sử dụng khuôn bọt biển để mô phỏng hình dạng chi cần làm giả của bệnh nhân dựa trên các chi bình thường khác. Sau đó, cô thiết kế và định hình chi giả từ khuôn bọt biển lên chất liệu silicon.
Tiếp theo, chúng ta tới với công đoạn sản xuất da giả. Chất liệu được sử dụng là silicon có độ dẻo, dai và đàn hồi tương đối giống da người. Lớp da này sẽ được nhuộm màu bằng máy sao cho có màu giống da thật của bệnh nhân nhất.
Da silicon sau khi nhuộm được đưa vào máy cán mỏng sao cho có độ dày tương ứng với da của bệnh nhân, thông thường cỡ 0,3mm. Sau đó, phần da này được phủ, gắn lên bên ngoài chi giả (thường là một cỗ máy có cấu trúc vận hành giống như chi đã mất).
Công đoạn tiếp theo đòi hỏi sự phức tạp, tài năng nghệ thuật và sự tập trung cao độ. Lớp da mỏng được gắn chặt trên chi giả sẽ trở thành giấy vẽ của Sophie.
Cô sẽ tái hiện những đường gân, vết nhăn, nốt ruồi, đồi mồi trên da… thậm chí là hình xăm trên bộ phận giả tùy theo yêu cầu và sở thích của bản thân bệnh nhân. Để làm được điều ấy, Sophie sẽ sử dụng kính lúp và bút vẽ tia laze “điêu khắc” trên da.
Theo tâm sự của Sophie, bước hoàn thiện sản phẩm bao gồm việc sửa và tạo ra móng giả, cấy lông giả lên các chi trong trường hợp cần thiết và thậm chí là sơn cả móng lên các chi giả. Trước khi giao hàng, cô thường mời khách hàng tới kiểm tra cho tới khi họ hài lòng mới thôi.
Hình ảnh một bàn chân giả hoàn chỉnh được Sophie tạo ra sau khoảng 1 tháng làm việc trong phòng thiết kế.
Cận cảnh một bàn tay của một bệnh nhân khuyết tật. Trong bức ảnh, người ta không thể nhận ra đâu là bộ phận thật đã được thay thế bằng sản phẩm giả của Sophie bởi từng đường nét vân và nếp nhăn trên bàn tay đều y như thật. Theo tiết lộ của chính tác giả, ngón tay cái chính là bộ phận giả đã được làm ra để ghép vào.
Hình ảnh trên đây là một sản phẩm khác được Sophie tạo ra: hai ngón chân trái được ghép vào bàn chân bệnh nhân mà chỉ để lộ hai nếp gấp của da giả khiến nhiều người nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ thấy giống hai nếp nhăn tự nhiên hơn.
Và đây là thành quả lao động nghệ thuật của Sophie. Đố bạn biết đâu là bộ phận được làm giả? Hiện tại, giá thành làm ra mỗi loại chân tay giả dao động từ 3.000 - 8.000 Bảng Anh (tương đương 104 - 278 triệu VND).
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Business Insider, The Alternative Limb Project, The Guardian...