Bạn có biết, chỉ trong vòng khoảng nửa thế kỷ, con người đã có một bước đi vượt bậc trên con đường chinh phục vũ trụ. Có rất nhiều tấm ảnh đã được ghi lại trong đó có những tấm trở thành bất hủ như hình “tự sướng” đầu tiên trên vũ trụ của nhà du hành Buzz Aldrin hay ảnh chụp toàn cảnh
Trái đất với đầy đủ màu sắc.
Hãy cùng chiêm ngưỡng những bức hình được coi là đỉnh cao trên con đường khám phá
vũ trụ theo tổng hợp của National Geographic dưới đây.
"Cú lộn trong không gian".
Trong ảnh, Ed White là người Mỹ đầu tiên bước chân vào vũ trụ trong sứ mệnh Gemini 4. Gemini-4 là chuyến bay có người lái thứ 2 trong dự án Gemini. Vào tháng 6/1965, Gemini-4 khởi hành với nhiệm vụ chính là thực hiện một chuyến bay nhiều ngày, kiểm tra tính khả thi của hành trình chinh phục Mặt trăng.
"Tự sướng ngoài không gian"
Nghe có vẻ kỳ quặc nhưng đây được ghi nhận là tấm hình “tự sướng” đầu tiên ngoài vũ trụ. Trong hình là Phi hành gia người Mỹ - Buzz Aldrinn trong sứ mệnh Gemini 12 năm 1966. Sau này vào năm 1969, anh cũng chính là một trong hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
"Màu của sự sống"
Bức ảnh chụp Trái đất có màu đầu tiên nhìn từ vũ trụ đã cho thế giới một cái nhìn mới về hành tinh chúng ta đang sống. Bức hình được chụp từ vệ tinh địa tĩnh của Mỹ có tên ATS-III ở khoảng cách 35.680km so với bề mặt Trái đất bởi một máy ảnh chuyên chụp hình mây của NASA vào ngày 5/11/1967.
Tuy nhiên, do công nghệ thời đó còn hạn chế nên phải đến tận ngày 18/11/1967, bức ảnh mới truyền hoàn chỉnh về Trái đất thông qua sóng radio với tổng cộng 2.400 đường truyền riêng biệt.
Khoảnh khắc tàu vũ trụ Apolo 8 cất cánh từ Cape Kennedy, Florida năm 1968 với sứ mạng thám hiểm Mặt trăng. Tàu được phóng vào 21/12/1968 và trở thành tàu vũ trụ có người lái đầu tiên rời khỏi quỹ đạo Trái đất quay xung quanh Mặt trăng 10 vòng và quay trở về Trái đất an toàn.
Phi hành đoàn trên con tàu vũ trụ Apolo 8 gồm Frank Borman, James Lovell, William Anders đã trở thành những người đầu tiên nhìn thấy Trái đất một cách trọn vẹn, chiêm ngưỡng nửa bên kia của Mặt trăng.
Các nhà thiên văn học cổ đại cho là những vết lõm trên Mặt trăng là nơi chứa đầy nước. Nhiều nhà khoa học khác lại cho rằng, những vết lõm là bề mặt chứa dung nham bazan cổ đã đông đặc.
Đa số các dung nham này được phun ra hay chảy vào những chỗ lõm hình thành nên sau các vụ va chạm thiên thạch hay Sao Chổi vào bề mặt Mặt trăng. Phi hành gia William Anders đã ghi lại bức hình này vào năm 1969.
Đây là những bức ảnh chụp một miệng núi lửa cổ trên Mặt trăng được ghép vào nhau thành một tấm ảnh panorama. Bức ảnh được chụp trên tàu Apolo 10 vào năm 1969.
Apollo 10 là sứ mệnh có người lái thứ tư trong chương trình không gian Hoa Kỳ Apollo với nhiệm vụ diễn tập cho cuộc đổ bộ Mặt trăng đầu tiên, kiểm tra lại tất cả các cấu trúc và dự trù những khả năng có thể xảy ra.
Ngoài ra, vào thời điểm đó, Apollo 10 cũng ghi danh mình vào sách kỷ lục Guinness là vật thể di chuyển nhanh nhất thế giới với vận tốc 39.897km/h trên đường trở về Trái đất ngày 26/5/1969.
"Một cú phóng ngoạn mục".
Nhiếp ảnh gia Ralph Morse của tạp chí Life đặt camera lên bệ phóng và chụp được bức hình của tên lửa mang theo Apollo 11 trong sứ mệnh lịch sử thám hiểm mặt trăng năm 1969.
Sau thành công của Apollo 10, Apollo 11 là chuyến bay không gian có người lái thứ 5 của chương trình Apollo của NASA. Đây là chuyến bay đầu tiên đã hạ cánh cùng con người lên bề mặt Mặt trăng.
“Bước đi nhỏ bé của một con người...”
Chuyến bay Apollo 11 đã đưa phi hành gia Neil Armstrong trở thành người đầu tiên bước chân lên bề mặt của Mặt trăng vào ngày 21/7/1969. Theo sau là người đồng đội của anh - Buzz Aldrin. Armstrong dành hai tiếng rưỡi bên ngoài con tàu không gian và thu thập khoảng 21,5kg đá Mặt trăng trong chuyến trở về Trái đất.
Cuộc đổ bộ được phát sóng trực tiếp trên TV đến khán giả toàn cầu, Armstrong bước trên bề mặt Mặt Trăng và miêu tả sự kiện ấy qua câu nói: "Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của toàn nhân loại."
Bức hình Neil Armstrong chụp Buzz Aldrin trong sứ mệnh Apollo 11. Đó là tấm ảnh đầu tiên về con người đứng trên một thế giới khác.
"Người đàn ông của Mặt trăng".
Phi hành gia Alan Bean cầm một ống nghiệm đựng đá Mặt trăng trong bức ảnh chụp năm 1969 của sứ mệnh Apollo 12. Phi hành gia Charles xuất hiện trên mũ của Bean, chụp ảnh bằng một chiếc camera gắn trên ngực áo phi hành.
“Ô tô Mặt trăng”.
Tiếp nối thành công, vào các chuyến bay Apollo 15, 16 và 17, NASA đã đưa theo “ô tô Mặt trăng” nhằm hỗ trợ việc khám phá. Trên xe có gắn nhiều phương tiện như các máy cảm biến, máy phân tích khoáng vật... cùng chảo vệ tinh để liên tục đưa thông tin về tàu mẹ. Tới năm 2013, đã có 3 nước đưa được xe lên Mặt trăng là Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc.
Hình ảnh phi hành gia Eugene Cernan lái thử chiếc “Moon rover” trên Mặt trăng được chụp năm 1972 bởi người đồng đội Harrison Schmitt.
Nguồn: NationalGeographic, NASA