Việc những loài
động vật có hành động giống người, như chó đi bằng 2 chân… tuy không nhiều, nhưng cũng không phải là quá hiếm. Tuy nhiên, đối với những hành động kiểu như… đặt password bảo vệ tổ, thì có lẽ sẽ gây sự ngạc nhiên cho rất nhiều người trong chúng ta. Cùng điểm lại một vài hành động "như người" trong thế giới động vật qua bài viết dưới đây.
1. Hồng tước tiên bảo vệ tổ bằng… password
Hồng tước tiên là loài chim thuộc họ cú mèo, có thân hình khá nhỏ bé. Chúng thường kết thành đôi, hoặc quần hôn trong nhóm. Hồng tước tiên thủ lĩnh sẽ chủ động giao phối, còn các chim trống khác sẽ đóng vai trò “giúp việc” và “bảo mẫu”.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, hồng tước tiên có một cách bảo vệ tổ khá độc đáo, đó là… cài password cho tổ. Trước khi trứng nở khoảng 1 tuần, chim mái sẽ hót một giai điệu đặc biệt cho các trứng của mình nghe. Khi trứng nở, chim non sẽ phải hót lại chính xác giai điệu cho mẹ chúng, nếu không làm được, chim mái sẽ rời tổ, bỏ mặc chim non cho đến chết.
Thông thường, để bảo vệ máy tính khỏi sự xâm nhập từ người khác, chúng ta cài password. Chim hồng tước cũng làm vậy, nhưng là để tránh không nuôi nhầm con của kẻ thù - chim cu.
Bởi chim cu mái không có khả năng ấp trứng nên thường đẻ nhờ ở tổ các loài chim khác. Nhưng sẽ chẳng có vấn đề gì, nếu như chim cu non khi ra đời không hất trứng và chim con “chính chủ” của loài khác.
Hồng tước tiên đã tự phát triển hệ thống bảo mật bằng giọng… hót nhằm nhận biết được chim cu trong tổ của mình. Trong tự nhiên, chim cu non luôn cố gắng bắt chước tiếng hót, hay còn gọi là “hack” hệ thống bảo mật này nhưng thường không thành công.
2. Mèo “chia phiên” để tránh xung đột
Ở người, thuật ngữ “chia phiên”, hoặc chia nhỏ thời gian sử dụng - timeshares - xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Khi đó, chúng ta sẽ có một khoảng thời gian nhất định để toàn quyền sử dụng, sở hữu, kể cả khi nhượng lại quyền sở hữu cho người khác trong "phiên, lượt" của mình.
Nhưng có lẽ không ai ngờ rằng, thuật ngữ rất “người” này lại xuất hiện ở mèo. Gần đây, các nhà khoa học thuộc ĐH Thú Y Hoàng Gia Anh đã tiến hành quan sát trên 50 con mèo hoang tại khu vực ngoại thành, và sử dụng hệ thống định vị GPS, camera siêu nhỏ gắn trên cổ chúng.
Họ nhận thấy, mỗi cá thể mèo sở hữu một phần lãnh thổ. Tuy nhiên chúng vẫn để những con mèo khác đi qua, thậm chí được phép săn mồi hoặc nghỉ ngơi tại đó, nhưng sau đó phải trả lại cho chủ cũ, hoặc cho cá thể mèo khác.
Các chuyên gia lý giải, sở dĩ mèo làm vậy là do không muốn có sự tranh chấp về lãnh thổ nhưng không có nghĩa, ai cũng được phép vào được lãnh thổ của chúng. Khi có mèo lạ lảng vảng, hoặc những kẻ thù không mong muốn, phản ứng thường gặp nhất là… chúng sẽ "gọi hội đồng" đánh đuổi kẻ đó.
3. Chuột đồng - bị ép rượu
Bên cạnh vẻ ngoài khá dễ thương thì chuột đồng Bắc Mỹ còn là những tay bợm rượu đích thực. Không những thế, qua một số thử nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy dường như chúng còn uống nhiều rượu hơn khi có bạn hiền, hay nói cách khác, chúng gặp phải “ sức ép đồng đẳng”.
Thí nghiệm này được thực hiện bởi các chuyên gia thuộc ĐH Khoa học và Y tế Oregon. Họ nuôi tách riêng nhiều chuột đồng, mỗi lồng cho chúng uống rượu 6% và nước. Kết quả cho thấy, chúng thường uống lượng cân bằng giữa nước và rượu, nhưng khi nhốt chung với nhau, số lần chúng chọn rượu để uống nhiều hơn 80% số lần uống nước.
Ngoài ra, trong khi uống, bạn chúng có thái độ rất “người”- đó là trêu ghẹo. Khi đó, mỗi chú chuột đồng đều cố gắng uống bằng đúng lượng rượu mà đối thủ đã tiêu thụ, giống như cách loài người uống với nhau.
Các nhà khoa học lúc đầu cho đây là 1 sự trùng hợp nên đã thực hiện một thí nghiệm khác, trong đó thay rượu bằng nước đường - loại nước mà chuột thích nhất. Dù kết quả là nước đường được tiêu thụ nhiều hơn, nhưng không hề xuất hiện sự cạnh tranh nào trong nhóm.
4. Cún con… nhường bạn gái
Qua một số nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, bé trai có một thứ tình cảm đặc biệt khi chơi cùng bé gái và luôn có xu hướng nhường bạn gái thắng trong các trò chơi. Tình cảm này không phải là sự phân biệt giới tính, mà do các bé muốn kéo dài thời gian chơi cùng nhau và nó được gọi là “tình yêu cún con”- puppy love.
Tên gọi này xuất phát từ các hành vi tương tự của chó con. Nhiều nghiên cứu đều chỉ ra rằng, khi đùa nghịch, các chú cún đực đối xử với cô nàng cún cái rất khác. Chúng luôn để lộ những yếu điểm như cổ hoặc sống mũi và nhường nàng cún cái chiến thắng. Nhưng trong mọi tình huống, các chàng cún sẽ không có bất kỳ sự nhân nhượng nào khi đối đầu với "bạn đồng giới" khác.
Theo các nhà khoa học, sở dĩ cún con làm vậy là để tăng sự thân mật với bạn gái, nhằm kéo dài thời gian quấn quít và âu yếm nhau. Ngoài ra đó cũng là một bản năng tự nhiên để tìm kiếm bạn đời khi trưởng thành.
5. Chim bồ câu thích... đánh bạc
Không thể phủ nhận là con người thích đánh cược. Họ sẵn sàng đặt một số tiền chắc chắn đã nằm trong ví để đổi lấy một cơ hội rất nhỏ với mong muốn số tiền ấy sẽ tăng lên gấp bội, tuy nhiên, sự thật là họ thường thua sạch. Đây được lý giải là do tâm lý của con người, luôn muốn tìm kiếm sự thử thách. Nhưng có lẽ chẳng ai ngờ tới rằng, chim bồ câu cũng có tâm lý như vậy.
Nhà tâm lý học Thomas Zentall thuộc trường ĐH Kentucky (Mỹ) đã thực hiện nhiều thí nghiệm chứng minh điều này. Ông chuẩn bị một số chim bồ câu cùng 2 chiếc đèn.
Một chiếc đèn phát ra ánh sáng “an toàn”, khi mổ vào sẽ cho ra 3 viên thức ăn. Chiếc còn lại là “đèn cờ bạc”, mổ trúng ánh sáng xanh lục chiếm 80% số lần nháy sáng sẽ chẳng đem lại gì, còn 20% lượt ánh sáng đỏ sẽ cho 10 viên thức ăn.
Theo tính toán thông thường, trong khoảng thời gian dài, nếu lựa chọn đèn an toàn sẽ được nhiều thức ăn hơn. Nhưng sau khi cho chim bồ câu làm quen với hệ thống, kết quả thu được là 82% số lần mổ - chúng chọn “đèn cờ bạc”.
Theo Zentall, nguyên nhân là do quá ít lần được thưởng đã đi ngược kỳ vọng của chúng và bằng cách nào đó, cơ thể chúng tự chuyển hóa chất dinh dưỡng chỉ bằng việc quan sát. Điều này cũng lý giải tại sao một người có thể đứng hàng giờ bên máy đánh bạc mà không cần nghỉ để ăn uống hoặc đi vệ sinh.
Và đặc biệt hơn, cũng giống như người, khi hi vọng quá thấp, chim bồ câu sẽ từ bỏ. Nếu như cả hai ánh sáng màu xanh lục và đỏ đều cho ra 10 viên thức ăn, nhưng chỉ trong 20% số lần mổ, chim bồ câu lập tức chuyển sang “đèn an toàn”.
6. Mối biết "cò mồi"
Trong tự nhiên, gần như tất cả các loài động vật đều phải trải qua những cuộc tử chiến để giành chức danh thủ lĩnh. Loài người trong quá khứ cũng vậy, nhưng qua nhiều giai đoạn phát triển, đến nay chúng ta có cụm từ “vận động chính trị”, thay vì phải đánh nhau.
Nhưng hiếm ai biết rằng, mối cũng làm nhưng điều tương tự. Mối thường tập hợp thành những nhóm nhỏ, từ 50 - 100 thành viên, những kẻ có cơ hội trở thành mối chúa hoặc mối hậu.
Tuy nhiên, chỉ có khoảng 12% số chúng có khả năng lột xác để lên “ngai vàng”. Các nhóm mối đối đầu sẽ đánh nhau kịch liệt, mối bị thương trở thành thức ăn cho đồng loại. Sau cuộc tử chiến, những ứng cử viên mạnh nhất lúc này… "đi vận động tranh cử".
Những con mối sống sót lúc này trở nên hoạt bát hơn, bỏ nhiều thời gian giao tiếp với đồng loại bằng hai cọng râu ăng-ten trên đỉnh đầu. Đây là cách để chúng trở nên quen thuộc hơn đối với “thường dân”, giống như cách các chính trị gia đến giao lưu với dân chúng vậy.
Không chỉ tiếp xúc, “thường dân” còn được hưởng một số thức ăn dư thừa do “chính trị gia”… thải ra, để nâng tầm ảnh hưởng của mình.
Thậm chí, chiến dịch tranh cử của mối còn hiệu quả hơn loài người, khi chỉ sau 11 ngày, mối chúa chính thức được lên ngai. Trở thành hoàng tộc, có nghĩa là chỉ mối chúa - mối đực được phép giao phối và sinh sản với mối cái mà thôi.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Cracked, Wikipedia...
Bạn có thể tham khảo thêm: