Nếu như sử dụng khinh khí cầu và máy bay trực thăng để chụp lại những hình ảnh trên cao yêu cầu nguồn kinh phí lớn và kén chọn địa hình, thì lựa chọn chụp ảnh bằng diều gió giúp giảm thiểu chi phí và diều gió có thể "luồn lách" tới những địa điểm hiểm trở hơn, giúp nhiếp ảnh gia thu được các tác phẩm độc đáo.
Sử dụng một máy ảnh gắn trên cánh diều gió,
nhiếp ảnh gia Gerco de Ruijter đã có thể khắc họa một góc nhìn mới lạ về thế giới: sự kì diệu của khung cảnh Trái đất nhìn từ trên không.
Cùng ngắm chùm ảnh thú vị của anh và tìm hiểu thêm về kỹ thuật chụp ảnh bằng diều gió (Kite Aerial Photography - KAP).
Từ năm 1888, không ảnh bằng diều ra đời và nhanh chóng trở nên phổ biến.
Độ cao để diều bay ổn định là 20-50m, bằng một nửa độ cao lý tưởng khi chụp bằng máy bay trực thăng. Ở khoảng cách này, người chụp vừa bao quát được toàn cảnh khu vực, vừa thu được đầy đủ chi tiết của đối tượng.
Chỉ với 20$ (khoảng 400.000VND), bạn có thể thuê một con diều chắc chắn và thỏa sức sáng tạo với sở thích chụp ảnh bằng diều của mình.
Trong KAP, các thành phần chính của bộ diều gồm: diều, máy ảnh, bộ điều khiển và hệ thống trụ đỡ.
Diều thường có hình tam giác (gọi là diều Delta ∆) và kích thước tỉ lệ nghịch với tốc độ gió mà nó có thể bay an toàn (diều lớn thì gió nhẹ và ngược lại).
Gió đôi khi là “kẻ thù” lớn nhất của KAP, bởi khi lên cao, nó có thể làm diều chao đảo khiến kiệt tác của bạn “đi tong”.
Trong trường hợp đó, một bệ đỡ tự chế bằng thép được gắn với camera sẽ giúp diều thăng bằng và “hạ cánh an toàn”.
Loại máy chụp 1 lần (chỉ có 1 cuộn phim) cũng là lựa chọn khá thông minh nếu như bạn sợ chiếc máy ảnh yêu quý xui xẻo “hi sinh” khi tiếp đất.
Bộ điều khiển từ xa tận dụng từ máy bay đồ chơi sẽ giúp người chụp điều chỉnh hướng của ống kính, còn chế độ chụp tự động giúp bấm máy khi ở trên cao.
Cuối cùng, chỉ cần chọn một ngày có đủ thiên thời, địa lợi, cánh diều sẽ thay bạn “ngao du” và mang về những bức hình đẹp mắt.
(Nguồn tham khảo: Fubiz/Gerco de Ruijter)