Việt Nam kì diệu qua góc nhìn của người nước ngoài

Hồng Phượng, Theo 12:22 14/09/2011

Khám phá video Việt Nam từ Bắc vào Nam theo góc nhìn của anh bạn trẻ người nước ngoài, và chiêm ngưỡng video nghệ thuật "Shadow Dance" ấn tượng!

Hành trình từ Bắc vào Nam qua lăng kính
người nước ngoài
 
Hôm nay, chúng mình cùng "zoom" vào một video về đất nước – con người – thiên nhiên Việt Nam qua lăng kính rất trẻ trung và tươi mới của anh bạn Leon Visser - một khách du lịch đến từ Amsterdam, Hà Lan.
 
Hôm nay, chúng ta cùng gặp gỡ anh bạn Leon Visser "super" dễ thương này nhé!
 
Từ “xứ sở hoa Tulip” xinh đẹp, trong mùa hè này, thay vì khám phá châu Âu cổ kính như nhiều người bạn của mình, Leon chọn Việt Nam làm điểm dừng chân. Dĩ nhiên, với lợi thế là giá cả mọi thứ ở Việt Nam vô cùng rẻ so với mức sống tại Hà Lan nên anh chàng này đã “làm hẳn được” một tour xuyên Việt, từ Bắc vào Nam.
 
Với góc nhìn độc đáo, Leon Visser đã cho ra lò một video miêu tả đất nước – con người Việt Nam vô cùng chân thực và đẹp đẽ.
 
Hình ảnh mở đầu clip.
 
Mở đầu là hình ảnh Hà Nội quen thuộc với những con phố nhỏ và dây điện chằng chịt, Leon tạo cho người xem cảm giác như đang theo chân cậu bạn thân tự khám phá chính thành phố nơi mình ở. Tương tự như bao khách du lịch khác, Leon chọn việc đi bộ để cảm nhận được hết cuộc sống đầy sôi động mà cũng thật yên bình ở Hà Nội.
 
Leon đã gặp gỡ nhiều người, thưởng thức cả món phở với hương vị đặc trưng của Hà thành, không lẫn vào đâu được dù có đi khắp trăm miền.
 

Có lẽ, anh bạn Leon sẽ khó lòng quên được hình ảnh gánh hàng rong ở Việt Nam.
 
Tiếp theo đó, Leon  đến thăm cả vịnh Hạ Long, di sản Thiên nhiên Thế giới được UNESCO công nhận. Với vẻ hoang sơ đẹp đến ngây dại của vùng biển nơi này, thật chẳng khó gì để Leon ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Anh còn đặc biệt chú ý quan sát con người nơi đây, nổi bật với làn da đậm màu rắn rỏi của người đàn ông làm nghề chài lưới.
 
Vịnh Hạ Long thơ mộng cũng nằm trong danh sách những điểm đến của Leon.
 
Người đàn ông dân chài lưới với nước da rắn rỏi.
 
Rồi những hình ảnh về chiếc nón lá, tà áo dài của người con gái Việt Nam, hình ảnh những chuyến xe xích lô… tất cả lần lượt hiện lên trong từng khung hình trôi qua. Và chi tiết đắt giá nhất của video, theo chúng tớ nghĩ, có lẽ là hình ảnh Leon cầm trong tay tờ tiền âm phủ đứng chụp ảnh trên cầu. Nó thể hiện cho hai nền văn hóa của hai quốc gia khác nhau, song lại có điểm chung lớn nhất là tình yêu vô vàn dành cho mảnh đất này.
 


Các hình ảnh quen thuộc về văn hóa Việt Nam, một điều hoàn toàn xa lạ với Leon.
 
Và còn rất nhiều, rất nhiều những khoảnh khắc đẹp khác chờ đợi bạn khám phá ở phía trước mà chúng tớ khó lòng nào có thể kể hết với các bạn ở đây. Vì vậy, còn chần chừ gì nữa mà không nhanh tay thưởng thức video “tổng kết” của anh bạn Leon này nào? Mặc dù video mới “lên sóng” chưa được hai tuần nhưng đã thu hút gần 100.000 lượt xem, một con số khá khủng! Điều này liệu đã đủ nói lên mức độ hấp dẫn của clip?
 
 

"Shadow Dance - Loại hình nghệ thuật đầy sáng tạo

 
Video thứ hai chúng tớ muốn giới thiệu các bạn ngày hôm nay là một loại hình nghệ thuật vô cùng độc đáo có tên gọi “Shadow Dance”.
 
 
“Shadow Dance” được hiểu là một loại hình nghệ thuật, kể lại một câu chuyện thông qua các hình bóng ghép từ một hoặc nhiều người. Các diễn viên tham gia “Shadow Dance” thường không lộ mặt. Thay vào đó, họ để ngôn ngữ của cơ thể nói lên tất cả. Về một phương diện nào đó, “Shadow Dance” đề cao vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người, sự dẻo dai và uyển chuyển vốn rất cần thiết trong cuộc sống ngày một bộn bề của chúng ta.
 
Một hình ảnh đặc trưng trong tiết mục "Shadow Dance" của đoàn Pilobolus.
 
Ta có thể coi vũ đoàn Pilobolus (Mỹ) là cha đẻ của loại hình nghệ thuật đầy sáng tạo này. Được thành lập vào năm 1971, trải qua 40 năm hoạt động, Pilobolus đã đem đến cho khán giả trên toàn Thế giới những màn biểu diễn rất đặc sắc, đậm tính nhân văn, giúp mọi người có thêm niềm tin vào cuộc sống ngay cả trong thời khắc đen tối nhất.
 
Với một chuỗi dài các thành công trong thời gian hoạt động, giờ đây, Pilobolus đã đưa vào ứng dụng một chương trình giáo dục bộ môn nghệ thuật này cho các trường trung học, đại học, các tổ chức về nghệ thuật, trường kinh doanh…. Nhờ tính độc đáo, kích thích sự sáng tạo của người tham gia, chương trình nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ học viên cho đến các phương tiện truyền thông, quảng cáo, ấn phẩm in…
 
Vũ đoàn Pilobolus trong thời gian luyện tập.
 
Không chỉ dừng lại tại “Shadow Dance”, các nghệ sĩ trong đoàn thường xuyên chụp những bức ảnh giàu tính hình tượng để thể hiện một vấn đề nhức nhối trong xã hội như nạn kỳ thị chủng tộc, phá rừng...