Việt Nam đón xem nhật thực hình khuyên sáng 21/5

A, Theo Mask Online 11:15 08/05/2012
Chia sẻ

Cùng các tin cập nhật: Gene bí hiểm khiến người cổ đại biết nói, khí quyển Sao Hỏa cổ đại tương đồng với Trái đất...

Việt Nam đón xem nhật thực hình khuyên sáng 21/5


Các khu vực đất liền có thể quan sát hiện tượng này tương đối ít, bao gồm một phần phía Tây nước Mỹ và một phần Đông Á.

Theo tính toán của NASA, thời gian nhật thực hình khuyên diễn ra từ khoảng 4 giờ 12 phút và kết thúc vào khoảng 6 giờ 13 phút sáng 21/5 theo giờ Việt Nam - tức là khi Mặt trời mới mọc chưa cao.


Nhật thực hình khuyên.

Vào ngày 21/5 tại Hà Nội, Mặt trời mọc vào lúc 5 giờ 17 phút, điều này đồng nghĩa với việc vào thời điểm 5 giờ 20 phút mới có thể quan sát thấy nhật thực từ phía Đông - khi nhìn về phía chân trời. Tại các đô thị, không thể nhìn thấy chân trời thì thời gian quan sát sẽ muộn hơn. Thời gian quan sát khá ngắn, thêm vào đó, buổi sáng sớm thường có mây và chút sương đêm nên sẽ cản trở phần nào việc quan sát.


Anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, quỹ đạo của Trái đất quanh Mặt trời và quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất đều là hình elip nên khoảng cách giữa các thiên thể không phải là cố định.

Về cơ bản, khoảng cách từ Mặt trời tới Trái đất gấp khoảng 400 lần giữa Trái đất với Mặt trăng và đường kính của Mặt trời cũng lớn hơn đường kính của Mặt trăng với tỷ lệ tương tự.

Có những trường hợp nhật thực xảy ra khi Trái đất đang nằm ở những điểm gần Mặt trời và Mặt trăng thì lại nằm ở điểm xa Trái đất trên quỹ đạo. Lúc này, Mặt trăng không thể che hết Mặt trời mà để lại một phần rìa sáng có dạng như một chiếc nhẫn, gọi là nhật thực hình khuyên.

“Người yêu thiên văn nên quan sát hiện tượng nhật thực bằng các dụng cụ hỗ trợ bảo đảm an toàn cho mắt như: hộp tạo ảnh Mặt Trời hay kính polymer đen. Không nên quan sát bằng kính thiên văn, ống nhòm, camera", anh Sơn khuyến cáo.

(Nguồn tham khảo: Khoahoc)

Tìm thấy dấu vết thực vật thời siêu lục địa

Một nghiên cứu khảo cổ mới đây đã tìm thấy chứng cứ về tổ tiên của cây bách. Kết quả cho thấy, loại cây này đã từng sinh sôi trên siêu lục địa Pangaea cho đến khi nó tan rã để trở thành hệ thống lục địa như ngày nay. Hơn 200 triệu năm trước, Pangaea chứa toàn bộ lục địa hiện đại trước khi đứt gãy thành từng phần nhỏ và đi theo những con đường tiến hóa khác nhau như hiện nay.


Siêu lục địa Pangaea trước khi tan rã.

Bằng việc nghiên cứu sự thay đổi trong ADN của 122 loài thuộc họ cây bách, các nhà khoa học quốc tế có thể xây dựng lại quá trình tiến hóa của chúng. Nhóm chuyên gia phát hiện họ cây bách, tên khoa học là Cupressaceae, được cho là khởi nguồn cách đây hơn 200 triệu năm trước, khi Pangaea vẫn còn là một khối thống nhất. Và theo kết quả nghiên cứu, họ cây bách hiện có mặt trên toàn bộ các lục địa, trừ Nam Cực.

(Nguồn tham khảo: Livescience)

Khí quyển Sao Hỏa cổ đại tương đồng với Trái đất

Nghiên cứu mới ủng hộ giả thuyết cho rằng Sao Hỏa lúc đầu có khí quyển dày và ẩm ướt, với khí hậu khá tương đồng như trên Trái đất hiện nay. Một số cuộc nghiên cứu trước đây cho thấy Sao Hỏa từng ấm và ẩm ướt hơn. Kết quả báo cáo mới của Viện Công nghệ Georgia (Mỹ) cũng ủng hộ giả thuyết này.


Thiết bị thăm dò Curiosity sẽ hạ cánh trên Sao Hỏa vào ngày 5/8.

Theo đó, Sao Hỏa thuở ban đầu có mật độ không khí đậm đặc cao ít nhất gấp 20 lần so với hiện nay. Hiện khí quyển Hành tinh Đỏ thấp hơn khoảng 1% so với Trái đất. Đây là một trong những lý do chính quyết định tình trạng khô cằn của hành tinh này.

Trợ lý của giáo sư Josef Dufek tại Viện Công nghệ Georgia đã rút ra kết luận trên khi phân tích những đợt phun trào núi lửa thời cổ đại, cũng như các hình ảnh quan sát bề mặt do thiết bị thăm dò tự hành Spirit thu được trong sứ mệnh hồi năm 2007.

“Áp suất khí quyển nhiều khả năng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hầu hết các đặc tính bề mặt của Sao Hỏa”, theo ghi nhận của chuyên gia Dufek trên chuyên san Geophysical Research Letters. Họ đang chờ đợi dữ liệu sắp tới của thiết bị thăm dò tự hành Curiosity, ước tính sẽ đáp lên bề mặt Sao Hỏa vào ngày 5/8.

(Nguồn tham khảo: Space)

Gene bí hiểm khiến người cổ đại biết nói

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học vẫn đau đầu bởi một câu hỏi. Điều gì đã khiến cho tổ tiên của chúng ta thoát khỏi kiếp vượn người và tiến hóa mạnh đến như vậy? 

Giờ đây, các nhà nghiên cứu tin rằng, họ đã giải thích được mắt xích bị thiếu trong chuỗi tiến hóa đó: một gene nhân đôi có tên SRGAP2, xuất hiện ở “người vượn” cách đây khoảng 2,5 triệu năm. Gene này đã giúp tế bào não của chúng ta chuyển động nhanh hơn, kết nối rộng hơn, nhờ đó mà bộ não trở nên phức tạp và tiến hóa hơn.

Các nhà khoa học tin rằng họ đã tìm thấy mắt xích bị thiếu trong chuỗi tiến hóa của tổ tiên loài người.

Trả lời trên tạp chí Cell, nhóm tác giả tin rằng quy trình này sẽ giúp giải thích vì sao loài người lại sớm hình thành nên tiếng nói, các hành vi phức tạp và làm chủ được công cụ, trong khi loài vượn thì không. Gene gốc và bản sao của SRGAP2 đều sản sinh ra những loại protein phát triển não giống hệt nhau. Tuy nhiên, bản sao của SRGAP2 lại giúp cho các neuron thần kinh phát triển các tua gai thần kinh (dendrite) dài hơn, nhờ đó mà thu được xung điện từ các tế bào khác nhanh hơn, hiệu quả hơn.

“Có vẻ như điểm đột biến này đã giúp cho người vượn Australopithecus chuyển biến thành người Homo Sapiens”, Giáo sư Franck Polleux thuộc Viện Nghiên cứu Scripps, California cho biết trên DailyMail. “SRGAP2 là một trong khoảng 30 gene nhân đôi ở người sau khi chúng ta “tách” ra khỏi loài vượn”. Đồng tình với quan điểm này, Giáo sư môn Di truyền học Evan Eichler của Đại học Washington tin rằng đây chính là tác nhân tạo ra những thay đổi đột phá ở não người và chức năng não.

Các tác giả cũng hy vọng rằng, ngoài việc giúp giải thích nguồn gốc của loài người, phát hiện trên còn cung cấp những manh mối để điều trị các bệnh rối loạn thần kinh như tự kỷ, động kinh...

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày