Dung nham là đá nóng chảy trào ra từ núi lửa trong quá trình phun trào. Khi phun trào từ núi lửa, dung nham ở thể lỏng có nhiệt độ từ 700 - 1.200 độ C và sẽ dần dần nguội, đông lại thành đá sau khi chảy đi một quãng đường khá dài.
Sức công phá của dung nham là vô cùng khủng khiếp. Trên đường đi của mình, dung nham phá hủy gần như mọi sự sống, làm nóng chảy phần lớn các đồ vật ngáng đường chúng. Nhằm tìm hiểu xem liệu có điều thú vị gì xảy ra khi dung nham “đụng độ” lon nước ngọt có gas, nhiếp ảnh gia Bryan Lowry đã quyết định tiến hành một thí nghiệm kiểm chứng.
Theo đó, Bryan sử dụng máy ảnh để quay lại quá trình dung nham núi lửa ở Hawaii chảy qua một lon nước ngọt có gas trong hai trường hợp.
Trường hợp thứ nhất, lon nước ngọt có gas được Bryan đục sẵn một lỗ nhỏ ở trên miệng lon trong khi đó, trường hợp thứ hai, lon nước ngọt có gas nguyên vẹn sẽ là vật cản ngáng đường dòng dung nham “siêu nóng”. Các chuyên gia cũng cho biết, vỏ lon nước ngọt có gas chủ yếu được làm từ nhôm và nhiệt độ nóng chảy vào khoảng 660 độ C.
Hãy cùng theo dõi video tiến hành thí nghiệm trên ngay dưới đây:
Để giải thích hiện tượng được chứng kiến trong video, ta có thể căn cứ theo hai trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Lon nước bị đục một lỗ nhỏ trên miệng
Ở thí nghiệm đầu tiên, dung nham với nhiệt độ cao khủng khiếp “ôm” trọn đáy lon nước ngọt, làm vỏ lon chảy ra và nung nóng trước tiên là lượng nước phía dưới lon. Lượng nước này nóng bốc hơi nên sinh ra áp lực rất lớn, đẩy lượng nước ngọt ở phần nửa trên phun mạnh ra theo lỗ nhỏ đã được đục thủng sẵn.
Trường hợp lon nước ngọt bị đục sẵn một lỗ nhỏ trên miệng lon.
Nước càng phun ra nhiều, áp lực càng giảm và kết quả cuối cùng là nước ngọt nhanh chóng bốc hơi bởi nhiệt độ cao do dung nham gây ra. Còn chiếc vỏ lon đã bị nuốt trọn không dấu vết khi dung nham đi ngang qua.
Nguyên lý của trường hợp này gần giống như hiện tượng các suối nước nóng trên Trái đất, đều là do sức nóng của dung nham tạo ra.
Trường hợp 2: Lon nước ngọt nguyên vẹn
Có lẽ không quá khó để lý giải hiện tượng này đối với mỗi chúng ta. Chiếc lon nước ngọt bịt kín dù thế nào cũng sẽ không thể ngáng đường được dòng dung nham nóng đỏ được.
Khi dung nham chảy tới, gần như ngay lập tức toàn bộ vỏ lon nước ngọt (thành phần chủ yếu là nhôm) tan ra. Lượng nước ngọt bên trong lon tiếp xúc với dung nham thì hóa hơi rất nhanh do nhiệt độ dung nham tác động lên tới 1.200 độ C.
Quá trình này giải phóng hơi nước cũng như khí CO2 nén trong mỗi lon nước ngọt, do vậy những bọt khí xuất hiện cũng to hơn mức thông thường rất nhiều.
(Nguồn tham khảo: IFL Science)