Trong đời sống hàng ngày, đôi khi ta bất ngờ “
xì hơi” ở chốn công cộng mà không kiểm soát được. Hẳn nhiên, lúc này bạn sẽ cảm thấy xấu hổ và ngượng ngùng trước sự xuất hiện của quả bom thối.
Nhưng bạn có biết, khi đi máy bay, khả năng “thả bom” của chúng ta còn cao hơn không? Hãy cùng tìm hiểu lý do qua bài viết dưới đây.
Theo Jason Rosenberg, Giáo sư Y khoa thuộc Đại học Copenhagen, mỗi người trung bình “thả bom” 10 lần trong 24 tiếng, với tổng lượng hơi là khoảng 1 lít. Khí gas này là tổng hợp của lượng thức ăn mà ruột ta không hấp thụ được, được vi khuẩn chuyển hóa thành dạng hơi bao gồm nitơ, CO2, và Hydro.
Vậy vì sao khi ở trên không, chúng ta có nhiều khả năng “xì hơi” hơn? Lý do chủ yếu là áp suất không khí.
Khi bay trên cao, áp suất không khí giảm, lượng khí trong cơ thể sẽ "nở" ra hơn 30% so với thông thường, vì thế thường tạo ra cho ta cảm giác bụng hơi bị chướng và muốn “xì hơi”.
Có những người sợ bị xấu hổ nên cố gắng giữ không cho khí thoát ra, nhưng đây là một điều có hại cho sức khỏe. Nếu nhịn quá lâu, những chất này sẽ bị hấp thụ trở lại qua niêm mạc ruột, gây nguy cơ ngộ độc mãn tính, tức bụng, tức ngực, đau đầu, khó tiêu hóa, đặc biệt là viêm đường ruột.
Đặc biệt với những người đã lớn tuổi, việc nhịn không "xì hơi" còn có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của tim.
Thức ăn cũng là một nguyên nhân khiến bạn "xì hơi" nhiều hơn trên máy bay bởi bay trong khoảng thời gian dài, cơ thể không được vận động nhiều, nguồn thức ăn khi chưa tiêu hóa hết ở dạ dày xuống đại tràng được các vi khuẩn tiếp tục phân hủy và bài tiết ra khí thải. Chúng tích tụ đến một lúc nào đó quá nhiều và phải thoát ra ngoài qua hậu môn.
Nhưng bạn đừng lo, vì theo ông Rosenberg, các hãng hàng không đang áp dụng việc sử dụng than cho hệ thống lọc khí, bởi than hấp thụ các loại mùi rất tốt.
Đồng thời, đồ ăn của các hãng hàng không cũng sẽ chú trọng cung cấp nhiều carbohydrate hơn là chất xơ, ví dụ như các món làm từ cá, gạo, sản phẩm từ sữa và nước ép hoa quả, nhằm tạo thuận lợi cho hệ thống tiêu hóa không để lại nhiều thức ăn không tiêu hóa được trong đường ruột.
Nguồn: BBC