Bắt đầu từ trò chơi con trẻ khi gập tiền thành chiếc nhẫn mặt ngôi sao, gấp chiếc ống hút thành hình bông hoa, sau đó kẹp lên tai làm khuyên nụ… Những điều này, thực tế, lại có thể là ước mơ khiến bạn trở thành nghệ nhân làm đồ trang sức sau này.
Họ là ai?
Hiểu một cách nôm na, nghệ nhân làm đồ trang sức là những "phù thủy" có nhiệm vụ “hóa phép” các viên đá quý thô, “biến tấu” vàng, bạc, các loại gỗ, đá, kim loại… thành hình dạng mới, đẹp và có sức hút hơn.
Hình ảnh bạn đang quan sát ở trên là chị Erin Considine, một nghệ nhân làm đồ trang sức tại Brooklyn, Mỹ.
Sản phẩm của họ không chỉ là thứ khiến người đeo trở nên đẹp và lung linh hơn, mà nó còn có thể là điểm nhấn hoàn hảo cho bộ trang phục, nói lên gu ăn mặc và phong cách sống của chủ nhân.
Một nghệ nhân làm trang sức cần những yêu cầu gì?
Để có khái niệm cơ bản về thiết kế và các kỹ năng cơ bản, bạn cần đầu tư thời gian để học qua một lớp đào tạo làm đồ trang sức. Các kỹ năng này, thực tế, lại quan trọng hơn bạn nghĩ vì chỉ khi nắm chắc chúng, bạn mới có thể tiến đến những kỹ xảo tinh vi hơn. Ở Việt Nam, có nghề kim hoàn truyền thống nên nếu thích lĩnh vực này thì các bạn có thể học nghề từ các nghệ nhân lão luyện. Còn nếu muốn đi theo con đường làm trang sức hiện đại thì bạn có thể theo học ở khoa thiết kế đồ trang sức tại các trường Mỹ thuật.
Trong thời gian học, bạn nên tìm hiểu về các nguyên liệu dùng để làm đồ trang sức. Hiểu được tính chất của các “nguyên liệu” mình đang có trong tay, bạn sẽ nắm được giá trị và chất lượng của những món đồ mình tạo ra. Ví dụ như: bạc thì mềm, có khả năng kị gió; trong khi vàng thì cứng hơn, hầu như không bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất… Các loại đá quý cũng có ý nghĩa riêng: kim cương đại diện cho sự vĩnh cửu, đá ruby tượng trưng cho sự tự do… Đây cũng sẽ là một phần trong chương trình mà bạn được học ở trường nhưng nếu so với cả thế giới nguyên liệu rộng lớn bên ngoài thì chương trình học chỉ như "muối bỏ biển".
Bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để chọn vật liệu nếu không nắm rõ đặc tính của chúng.
Trình độ của một nghệ nhân làm đồ trang sức thể hiện rất rõ qua sản phẩm “nháp” của họ. Đối với dân chuyên, họ sẽ không mất quá nhiều thời gian trong việc tạo hình cơ bản cho tác phẩm. Thậm chí, ngay cả lúc này, nếu đó là sản phẩm của một bậc thầy, nó vẫn thể hiện được sự sắc sảo trong từng đường nét. Điều đó nói rằng, dù đã theo học ở trường rồi thì bạn cũng nên học hỏi kinh nghiệm thực tế từ những người đi trước - những kinh nghiệm không thể có ở trường học.
Để trở thành một nghệ nhân chế tạo trang sức, việc này yêu cầu bạn phải có gu thẩm mỹ tốt, biết cách “hòa trộn” các màu sắc thành chỉnh thể thống nhất. Bạn phải hiểu rõ mục đích tạo ra sản phẩm là gì, dành cho các lễ cưới hay đi dự party, dạo phố… để có phương án lựa chọn và phối màu một cách thích hợp.
Sự kết hợp các màu sắc khéo léo đã đem lại sự độc đáo cho chiếc dây chuyền (ở giữa) này.
Bạn sẽ phải kết hợp sự tinh tế trong gu thẩm mỹ với tính sáng tạo của mình. Đây gần như là điều bắt buộc khi bạn “dấn thân” vào nghề này. Một sản phẩm chỉ đẹp khi không bị lẫn lộn giữa các sản phẩm khác, phá cách về mặt tạo hình và độc đáo về màu sắc.
Sự sáng tạo đem lại cho các sản phẩm những nét độc đáo rất riêng.
Ngoài sự sáng tạo ra, một đức tính khác bạn cần phải có nếu muốn bám trụ với nghề: sự tỉ mỉ và cẩn thận. Hãy thử tưởng tượng ra cảnh bạn nhận được một đơn hàng đặc biệt, yêu cầu phải gắn cả nghìn viên kim cương lên bề mặt, đi kèm là những họa tiết rất nhỏ. Ngoài sự khéo tay, bạn sẽ phải rất cẩn thận trong cách xử lý bởi chỉ cần một sai sót, công việc sẽ phải bắt đầu lại ở con số 0.
Sự tỉ mẩn là một đức tính cần thiết của nghề làm trang sức.
Bạn cũng cần phải chuẩn bị tinh thần cho những vấn đề về sức khỏe. Với một ngành nghề phải “dính chặt” với bàn làm việc, những bệnh lý liên quan đến cột sống rất dễ xảy ra nếu bạn không có phương pháp nghỉ ngơi, chăm sóc cơ thể hợp lý. Nếu phải chế tác với chất liệu vàng hay bạc, bạn phải đặc biệt cẩn thận bởi khói, mạt cưa, bụi, hay các loại axit độc hại có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe.
Thực tế, ngay cả khi phòng làm việc của bạn luôn thông thoáng, sức khỏe hẳn vẫn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nên nếu muốn trở thành nghệ nhân chế tác đồ trang sức, bạn phải suy nghĩ rất kỹ trước khi đưa ra quyết định cuối.
Sau cùng, điều bạn cần là kinh nghiệm và sự đam mê. Không ngừng học hỏi, tìm tòi những cái mới, rút kinh nghiệm từ những sản phẩm đã làm chính là chìa khóa giúp bạn hoàn thiện sản phẩm hơn trong tương lai. Không ngừng đam mê, dành tình yêu cho con đường mình đã chọn chính là động lực để bạn thành công.
Một số lưu ý
Một nghệ nhân làm trang sức sẽ phải tiếp xúc với rất nhiều đồ nghề. Chính những đồ nghề này sẽ là công cụ đắc lực, trở thành “người bạn đồng hành đáng tin cậy” giúp bạn làm ra các sản phẩm tuyệt vời. Vì thế, đừng ngần ngại khi phải đầu tư lớn một chút cho bộ đồ nghề nhé! Tuy vậy, đồ đắt tiền không phải lúc nào cũng là đồ phù hợp nhất nên bạn hãy để cảm giác của mình lên tiếng. Khi đi chọn đồ nghề, hãy thử cẩn thận từng bộ một để tìm ra “ứng viên” thích hợp nhất với mình.
Bộ dụng cụ của nghệ nhân làm trang sức với rất nhiều loại khác nhau: kính lúp, nhíp, búa, chà nhám, kìm nhỏ, hàn, xì...
Như đã đề cập ở trên, vì tính chất công việc đòi hỏi bạn phải “dính chặt” với bàn làm việc nên một bộ bàn ghế phù hợp với chiều cao cơ thể, làm từ chất liệu thoải mái sẽ giúp bạn dễ dàng sáng tạo. Một chiếc bàn rộng với nhiều ngăn và khay nhỏ luôn là sự lựa chọn thông minh, giúp ta phân loại và bảo quản vật liệu tốt hơn.
Những chiếc khay thế này sẽ giúp bạn phân loại nguyên liệu dễ dàng.
Thêm một điều lưu ý là với hàng tá các loại kim, chỉ, cưa, đục, khoan, cắt… và vô số loại vật liệu trên bàn, bạn khó thể mong chờ một chiếc bàn sạch bong và gọn ghẽ quá mức. Khi tác nghiệp, mạt cưa, dăm, bụi kim loại có thể vương vãi khắp nơi, từ trên tường, trên bàn cho đến… trên tóc, trên mặt. Vì vậy, bạn nên chuẩn bị tinh thần rằng chế tác đồ trang sức chẳng hề “sạch sẽ” chút nào.
Bàn làm việc "đặc trưng" của một nghệ nhân chế tác trang sức. Như chúng ta có thể thấy, chiếc bàn ngổn ngang với nhiều loại vật liệu khác nhau.