Từ Jack Sparrow tới sự thật về cướp biển sừng sỏ

Quốc Trung, Theo 00:01 27/12/2011

Liệu cướp biển có "tưng tửng" như thuyền trưởng Jack Sparrow trong bộ phim "Cướp biển vùng Carribean" không nhỉ?

Hẳn mỗi chúng ta đều không lạ gì với nhân vật thuyền trưởng Jack Sparrow lém lỉnh trong loạt phim "Cướp biển vùng Caribbean". Thế nhưng đâu là chân dung thật của một tên cướp biển và cướp biển đã có từ bao giờ?

Nhân vật Jack Sparrow trong "Cướp biển vùng Caribbean".

Ngược dòng thời gian, cướp biển xuất hiện từ khi con người tiến hành các hoạt động thương mại trên biển. Tư liệu cổ chép rằng từ thế kỉ 14 TCN, cướp biển đã hoành hành khắp Địa Trung Hải và tấn công nhiều vùng đất giàu có, kể cả Ai Cập dưới thời Ramses III. Những cuộc tấn công của hải tặc đã làm suy yếu và sụp đổ nhiều vương quốc cổ, trong đó có đế chế Hittite hùng mạnh (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay).

Cảnh tượng cướp biển giao tranh với lính Ai Cập năm 1178 TCN, thời Ramses III.

Một trong những người nổi tiếng nhất từng bị cướp biển bắt giữ là Julius Caesar, chồng của nữ hoàng Cleopatra huyền thoại. Năm 25 tuổi, ông bị bọn hải tặc bắt làm con tin và chúng yêu cầu La Mã phải trả món tiền chuộc 20 talent. Caesar rất bình thản trong thời gian bị giam cầm và ông đã nói với lũ cướp biển rằng chúng nên đòi 50 talent mới xứng với giá trị của ông. Sau khi trả tiền chuộc, Caesar đã quay lại tiêu diệt toàn bộ những tên cướp biển và cho đóng đinh chúng lên cọc.

Julius Caesar từng là con tin của cướp biển.

Hẳn các bạn đã từng nghe nói đến người Viking, một dân tộc thiện chiến từng gây bao kinh hãi cho các nước châu Âu thời Trung cổ. Họ đã tấn công và đốt phá nhiều thành phố giàu có nhất của châu Âu thời đó. Bên cạnh vai trò cướp biển, người Viking còn giỏi về thương mại và thực sự là những nhà thám hiểm tài ba. 

Thuyền buồm dài của người Viking.

Trên những con thuyền chiến mũi cong, người Viking đã vào tận Địa Trung Hải, ngược sông Volga ở nước Nga và sang tận xứ Ba Tư. Ít ai biết rằng 500 năm trước Columbus, người Viking đã cập bến Newfoundland (Canada) và do đó, họ mới là những người châu Âu đầu tiên tìm ra châu Mỹ. Một sự thật khác nữa là thực ra, người Viking không hề đội mũ có sừng như chúng ta tưởng tượng. 

Cướp biển Viking hành quyết vua Edmund của Vương quốc Đông Anglia (nay thuộc Anh).

Khu vực châu Á của chúng ta cũng từng có thời cướp biển hoành hành ngang dọc. Đầu thế kỉ 19, một nữ cướp biển xinh đẹp tên Ching Shih đã cùng chồng chỉ đạo một lực lượng cướp biển lên tới hàng vạn người, thách thức cả triều đình nhà Thanh. Bà thậm chí còn lập ra một bộ luật dành cho cướp biển, theo đó những kẻ nào giấu giếm của cải cướp được sẽ bị trừng trị nghiêm khắc, thậm chí bị tử hình. 
 
 Tranh vẽ nữ cướp biển Ching Shih.

Còn thời kỳ hoàng kim của cướp biển được nhắc tới trong loạt phim "Cướp biển vùng Caribbean" kéo dài từ năm 1650 đến 1730. Một trong những tên cướp biển nổi tiếng nhất giai đoạn này là Henry Morgan. Ông ta đã cướp phá thành phố Panama của người Tây Ban Nha nhưng sau này được triều đình Anh phong tước Hiệp sĩ và thậm chí trở thành Thống đốc đảo Jamaica.

Chân dung Henry Morgan.

Có một sự thật là cướp biển thường không đánh chiếm những tàu chở châu báu như chúng ta thường nghĩ, mà họ thường cướp những vật dụng thiết yếu nhất như thức ăn, nước ngọt, rượu, quần áo, vũ khí và thậm chí cả xà phòng! Khi chiếm tàu đối phương, cướp biển hiếm khi giết người vì chúng biết nếu làm vậy chúng sẽ phải chịu sự chống cự mãnh liệt hơn. Lịch sử từng ghi lại trường hợp Thomas Tew và 40 thủy thủ cướp một tàu chở 300 binh sĩ nhưng không hề có ai bị thương khi con tàu bị cướp đầu hàng sớm. 

Lá cờ Jolly Roger truyền thống của cướp biển.

Một điều thú vị nữa là chế độ xã hội của những tàu cướp biển thường khá “dân chủ”. Thuyền trưởng thường là người dũng cảm nhất và được tất cả các thủy thủ bầu lên một cách công bằng. Của cải cướp được đều phải mang ra phân chia cho tất cả mọi người và có một quỹ chung để trả tiền thuốc men cho những thủy thủ bị thương. 

Khu mộ của những tên cướp biển tại Madagascar.

Tuy cướp biển có thể kiếm được nhiều khoản lợi kếch xù nhưng họ phải đối diện với sự trừng phạt hết sức nghiêm khắc của luật pháp. Trong thế kỉ 17 và 18, một tên cướp biển bị bắt sẽ ngay lập tức nhận án treo cổ. Với những thuyền trưởng tàu cướp biển, hình phạt còn khủng khiếp hơn nữa. Họ bị nhốt trong một bộ khung sắt, treo lên một cái cọc và bị bỏ đói đến chết. Xác của họ cứ bị treo trên cọc cho đến khi chỉ còn lại xương khô như một sự cảnh cáo cho những ai định hành nghề cướp biển. 

Hình thức xử tử dành cho các thuyền trưởng cướp biển.

Sang thế kỉ 19, cướp biển đã tái xuất hiện nhưng là trong thế giới văn chương và nghệ thuật. Hình tượng cướp biển với lá cờ Jolly Roger, một con mắt bị chột, râu ria xồm xoàm với một con vẹt trên vai trở nên phổ biến, công chúng qua tác phẩm Đảo giấu vàng của nhà văn Robert Louis Stevenson. 

Tấm bản đồ minh họa truyện "Đảo giấu vàng" (Treasure Island)

Bên cạnh đó, nhân vật thuyền trưởng Hook trong Peter Pan cũng là một hình ảnh cướp biển tiêu biểu. Truyện "Đảo giấu vàng" đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ về những chuyến phiêu lưu kỳ thú giữa đại dương bao la để tìm ra kho báu. Câu chuyện này cũng được nhắc đến trong tập Đôrêmon: "Cuộc phiêu lưu đến Đảo giấu vàng". 

Nhóm bạn Đôrêmon lạc vào thế giới cướp biển trong tập 18 truyện dài.

Tương phản với hình tượng dũng cảm và đầy lãng mạn trong nghệ thuật, nạn cướp biển đang là một vấn đề nan giải với an ninh hàng hải thế giới. Thời gian gần đây, cướp biển hoạt động ngày càng táo tợn tại vùng biển Somalia. Nhiều thủy thủ và thuyền bè đã bị chúng bắt giữ đòi tiền chuộc, và không ít lần có cả những nạn nhân người Việt Nam. Tháng 8 năm 2011, tòa án Hàn Quốc đã tuyên bố tử hình một cướp biển Somalia với tội danh giết người. Song cho đến nay, tình hình cướp biển tại khu vực này vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

Một tàu hải tặc Somalia bị bắt giữ.

Và nếu quay trở lại hình tượng cướp biển Jack Sparrow, chắc hẳn ai cũng nhận ra rằng nhân vật này đã được hình tượng hóa: tính cách chuẩn mực, quyết đoán nhất của một thuyền trưởng; pha nét hài hước, tếu táo của một tên cướp biển và có vẻ ngoài "sành điệu" hơn tất thảy.