Một số mẩu sắt vừa được các nhà nghiên cứu tìm thấy trong một ngôi mộ 5.000 tuổi tại một nghĩa trang ở Ai Cập. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng hạt sắt này là đồ trang sức của người xưa, được chế tác từ mảnh
thiên thạch.
Những mảnh kim loại giống đồ trang sức được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1911, tại nghĩa trang Gerzeh, phía Nam Ai Cập. Chúng có từ khoảng năm 3350 - 3600 TCN - đại diện cho việc người Ai Cập cổ đại biết sử dụng sắt.
Ngay sau khi phát hiện, các nhà nghiên cứu đã phỏng đoán rằng những đồ trang sức kim loại này được làm từ một loại thiên thạch sắt hiếm, rất giàu nickel.
Các nhà khoa học từ ĐH Mở (Anh) và ĐH Manchester (Anh) đã phân tích những hạt sắt này bằng kính hiển vi điện tử và máy quét CT X-quang. Qua đó, họ nhận thấy, hàm lượng thành phần hóa học nickel trong hạt cao. Rất có thể, chúng là nguồn gốc của thiên thạch.
Hơn nữa, các nhà nghiên cứu nói rằng, các hạt có mô hình Widmanstätten, một cấu trúc tinh thể đặc biệt chỉ tìm thấy trong thiên thạch nguội với tốc độ di chuyển rất chậm trong các tiểu hành tinh khi hệ Mặt trời được hình thành. Nghiên cứu sâu hơn, họ nhận thấy, các hạt này không đúc dưới nhiệt mà được rèn ở nhiệt độ âm (môi trường lạnh).
Joyce Tyldesley, một nhà Ai Cập học thuộc ĐH Manchester chia sẻ: "Những hạt này là một vật liệu quý hiếm và đẹp, nó rơi xuống từ bầu trời, chắc hẳn nó sẽ mang một số đặc tính kỳ diệu về tôn giáo".
Tượng tạc từ mảnh thiên thạch có niên đại 1.000 năm.
Trước đó, các nhà nghiên cứu Đức cũng phát hiện ra một bức tượng Phật được chạm khắc từ mảnh thiên thạch có niên đại 1.000 năm tuổi. Qua đó, họ cho rằng, bức tượng đã được tạc từ một mảnh thiên thạch Chinga rơi ở khu vực biên giới giữa Mông Cổ và Siberia vào khoảng 15.000 năm trước đây.
Nghiên cứu đã được công bố trong Tạp chí Meteoritics and Planetary Science.
(Nguồn tham khảo: Livescience)