Toàn cảnh kế hoạch giải cứu Trái đất khỏi nguy cơ mất trắng 2.000 tỉ USD

Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 00:14 09/11/2015
Chia sẻ

Vì lý do sống còn, chính phủ Mỹ đã gấp rút đưa ra kế hoạch hành động để ứng phó với thảm họa tự nhiên kinh khủng này.

Mới đây, các khoa học gia NASA đã công bố thủ phạm khiến bầu khí quyển và nước của sao Hỏa biến mất - chính là những cơn bão Mặt trời.

Điều này đủ để thấy sức mạnh của bão Mặt trời khủng khiếp đến thế nào. Và không chỉ vậy, NASA còn cho rằng tần suất bão Mặt trời đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn, và hiện là mối nguy hại lớn nhất đối với sự sống trên Trái đất.

151107mars05-3062e
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, Sao Hỏa đã từng có rất nhiều nước...

Theo các chuyên gia ước tính, một trận bão từ đủ lớn có thể tàn phá mạng lưới điện và thông tin liên lạc của chúng ta trong vòng nhiều tháng, gây thiệt hại kinh tế khoảng... 2 nghìn tỉ USD (khoảng 44.444 nghìn tỉ VND) - một con số phải nói là khủng khiếp.

Bão Mặt trời - cơn bão “quyền lực” nhất

Những cơn gió Mặt trời thực chất là dòng chảy của các hạt proton và electron, với tốc độ khoảng 1,6 triệu km/h. Với một hành tinh có lực hấp dẫn rất nhỏ như sao Hỏa, bầu khí quyển đã bị tàn phá nghiêm trọng, biến Hỏa tinh trở thành một tinh cầu chết.

151107sun03-3062e
Đây là những gì đã và đang xảy ra với sao Hỏa

Trái đất của chúng ta thì khác. Do sở hữu từ trường đủ mạnh, những luồng gió Mặt trời sẽ bị làm chệch hướng khi tiến lại gần. Vì thế, khí quyển của chúng ta vẫn an toàn ít nhất là cho đến lúc này.

151107sun02-3062e
Còn với Trái đất thì sẽ như thế này...

Tuy nhiên, NASA cho biết những cơn bão Mặt trời cường độ lớn dù không gây hại cho khí quyển, nhưng có khả năng xuyên thủng từ trường, làm sụp đổ toàn bộ hệ thống điện trên toàn thế giới. Đáng sợ ở chỗ toàn bộ quá trình này chỉ diễn ra vỏn vẹn trong một tiếng đồng hồ.

Sự kiện này không phải là chưa bao giờ xảy ra. Thực tế vào năm 1989, bão Mặt trời đã từng gây tác động như vậy, nhưng chỉ trong phạm vi nhỏ tại Québec, Canada. Cơn bão đã làm sập hoàn toàn hệ thống truyền tải điện của Québec trong vòng 9 tiếng.

151108sun02-4b64b
Cận cảnh một phần bề mặt của Mặt trời.

Các chuyên gia của NASA dự đoán khả năng một cơn bão có sức mạnh hủy diệt sẽ đổ bộ trong vòng 10 năm tới là 12%. Nghe thì có vẻ nhỏ đúng không? Nhưng "quái vật” này nếu xuất hiện sẽ gây thiệt hại khoảng ... 2 nghìn tỉ USD - gấp 10 lần bất cứ thảm họa tự nhiên nào trong lịch sử.

Chính vì thế, 12% là quá đủ để chính phủ Mỹ không thể làm ngơ trước nguy cơ Trái đất mất trắng một khoản tiền khổng lồ. Họ đã lập ra một kế hoạch như sau:

Dự đoán thời điểm phát nổ của "quả bom nổ chậm" Mặt trời


Trong khi chưa có cách nào để chống lại những luồng bức xạ được phóng ra từ Mặt trời, chúng ta có thể hạn chế thiệt hại do nó gây ra bằng cách đưa ra những dự báo về chúng. Hiện nay, Trung tâm Dự báo thời tiết không gian Hoa Kỳ đang theo dõi Mặt trời 24/7 nhằm xác định được thời điểm này.

151107sun01-3062e
Thật khó để biết được khi nào "quả bom" này nổ

Thomas Berger, giám đốc Trung tâm dự báo thời tiết không gian đã nói rằng: “Hãy nghĩ Mặt trời như một ngọn núi lửa. Rất khó để biết được khi nào núi lửa phun trào, nhưng chúng ta có thể thấy những dấu hiệu hình thành của nó”.

Cảnh báo trước 15 tiếng...

Một khi bão từ ập đến, Cục quản lý đại dương và khí quyển Mỹ (NOAA) sẽ có khả năng cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan – bao gồm các lĩnh vực hàng không, vệ tinh không gian và điện lực – 12 tới 15 tiếng trước khi thảm hỏa xảy ra.

151107sun04-49412

Ông Berger cho hay, đây là thời gian tối đa chúng ta có thể dự đoán với công nghệ hiện nay. Ông hy vọng rằng trong thời gian tới hệ thống cảnh báo này có thể sẽ được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, nếu chỉ dự đoán được thời điểm trong vòng mười mấy tiếng đồng hồ là chưa đủ. Chúng ta còn cần biết độ mạnh của cơn bão.

Và hành động trong vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ


Theo NOAA, độ mạnh của bão Mặt trời sẽ được xác định trong vòng... một tiếng trước khi bão đổ bộ. Cấp độ của một cơn bão từ sẽ dự báo bằng một “phao dự báo” được đặt ở khoảng cách xấp xỉ 1,5 triệu km cách Trái đất. Phao này được gọi là Thiết bị dò tìm nâng cao (Advanced Composition Explorer - ACE).

151107ace03-3062e
ACE ở vị trí L1

Khi cơn bão đi tới điểm đặt ACE, thiết bị sẽ gửi lại cho Trái đất những thông tin chi tiết về “quái vật” chúng ta sắp phải đương đầu. Với tốc độ truyền tin bằng tốc độ  ánh sáng, sẽ có khoảng 15 - 60 phút để bắt tay vào hành động trước khi bão từ đổ bộ.

Cho tới nay, ACE đã hoạt động được 17 năm và sẽ sớm được thay thế bởi một thiết bị mới – vệ tinh quan sát khí hậu không gian (DSCOVR).

Đối phó với bão Mặt trời – mối quan tâm của toàn thế giới


Trong kế hoạch hành động đưa ra lần này, chính phủ Mỹ kêu gọi 24 bộ, ban, ngành hành động thực hiện các chuẩn mực đặt ra trong vòng 1 - 2 năm tới. 

151107earth05-3062e
Các khoa học gia đang làm tất cả để cứu lấy Trái đất

Các nhiệm vụ được đưa ra như tạo ra các tiêu chuẩn kỹ thuật, phát triển khả năng đánh giá thiệt hại, thành lập các điểm quyết định và ngưỡng hành động, nhận biết rủi ro, tăng cường phản ứng và kế hoạch phục hồi...

151108sun01-4b64b

Hơn thế nữa, Mỹ không phải là nước duy nhất hành động trước thảm họa tiềm tàng này. Cơ quan vũ trụ châu Âu hiện đang làm việc với các nhà khoa học của 14 nước trong châu lục để phát triển mạng lưới cảnh báo bão Mặt trời.

Có thể nói, bảo vệ Trái đất là nhiệm vụ sống còn đối với chúng ta. Trước khi khoa học tìm ra một hành tinh có thể duy trì sự sống, tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ mái nhà duy nhất cho nhân loại.

Nguồn: BusinessInsider
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày