Thuyết phổ biến nhất về nguồn gốc vũ trụ của chúng ta dựa trên một sự kiện vũ trụ có một không hai trong lịch sử - vụ nổ lớn Big Bang. Lý thuyết này ra đời sau các quan sát rằng những thiên hà khác đang di chuyển ra xa thiên hà của chúng ta với vận tốc cực lớn và theo mọi hướng, giống như chúng được đẩy đi sau một vụ nổ từ thời xa xưa.
Trước khi vụ nổ đó xảy ra, các nhà khoa học tin rằng toàn bộ những gì có trong vũ trụ mà chúng ta có thể quan sát được ngày nay, bao gồm tất cả vật chất và phóng xạ, được nén vào một điểm nóng bỏng và đậm đặc với đường kính chỉ vài milimet. Trạng thái đó được cho là chỉ tồn tại trong một phần của giây đầu tiên trong lịch sử thời gian.
Những người theo thuyết Big Bang cho rằng khoảng 10 tới 20 tỉ năm về trước, một vụ nổ khổng lồ đã cho phép tất cả vật chất và năng lượng trong vũ trụ mà chúng ta biết (thậm chí ngay cả bản thân không gian và thời gian) xuất hiện từ một loại năng lượng cổ xưa mà chưa ai biết rõ.
Cũng theo lý thuyết đó, trong khoảnh khắc một phần tỉ tỉ của giây đầu tiên sau Big Bang, vũ trụ giãn nở ra với tốc độ phi thường để biến từ một điểm thành một thứ khổng lồ. Sự giãn nở đó vẫn tiếp diễn nhưng chậm hơn rất nhiều vì đã trải qua hàng tỉ năm kể từ khi Big Bang diễn ra.
Các nhà khoa học chưa thể rõ vũ trụ đã biến đổi thế nào sau Big Bang. Nhiều người tin rằng khi thời gian trôi qua và vật chất nguội dần, nhiều loại nguyên tử mới được hình thành và chúng tạo ra các vì sao, các thiên hà của vũ trụ như chúng ta thấy ngày nay.
Một thầy tu người Bỉ mang tên Georges Lemaitre là người đầu tiên đề cập tới thuyết Big Bang trong những năm 1920 khi ông ta đặt ra giả thuyết rằng vũ trụ bắt đầu từ một nguyên tử duy nhất. Giả thuyết này được cổ vũ mạnh mẽ bởi các quan sát của nhà thiên văn Edwin Hubble, người sau này được đặt tên cho kính thiên văn vũ trụ đầu tiên của loài người. Hubble nhận thấy các thiên hà đang di chuyển ra xa chúng ta theo mọi hướng.
Ngoài ra, việc Arno Penzias và Robert Wilson phát hiện ra bức xạ nền vi sóng của vũ trụ, thứ được sinh ra trong thời sơ khai của vũ trụ, cũng khiến giả thuyết này đứng vững hơn.
Sự tồn tại của bức xạ nền vũ trụ, thứ được tìm thấy ở khắp mọi nơi, được cho là tàn dư của ánh sáng từ vụ nổ lớn. Bức xạ đó cũng giống như bức xạ được dùng để truyền tín hiệu truyền hình qua các ăng ten nhưng là loại cổ nhất và có thể chứa nhiều thông tin hữu ích về các khoảnh khắc đầu tiên của vũ trụ.
Thuyết Big Bang để lại rất nhiều câu hỏi lớn chưa được giải đáp. Một trong số đó là nguyên nhân của chính vụ nổ lớn. Nhiều câu trả lời đã được đưa ra nhưng chưa có gì được chứng minh và thậm chí ngay cả việc thử nghiệm các câu trả lời đó một cách thỏa đáng cũng là một thách thức đáng kể đối với con người.