Tìm thấy loài voi ma mút “lùn” nhất thế giới |
Các nhà nghiên cứu cho biết, họ vừa phát hiện sự tồn tại của loài voi ma mút nhỏ nhất từng sinh sống trên đảo Crete (Hy Lạp) cách nay hàng triệu năm. Loài này khi trưởng thành cao khoảng hơn 1m, có kích thước xấp xỉ một con voi con ngày nay.
Hóa thạch của loài voi ma mút.
Hóa thạch của loài voi ma mút này được tìm thấy vào thế kỷ trước và có tên là Mammuthus Creticus. Tuy nhiên từ đó đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được chúng là voi ma mút hay là một loài voi cổ đại. Mới đây, nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) đã phân tích răng của hóa thạch này và kết luận nó gần gũi với voi ma mút hơn. Họ cũng dùng xương chân trước của hóa thạch để tính kích thước toàn thân nó.
Hai nhà cổ sinh học Victoria Herridge và Adrian Lister, thuộc Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London (Anh) cho rằng, sự khan hiếm thức ăn hoặc thiếu vắng các động vật ăn thịt trên đảo Crete đã dẫn đến sự xuất hiện của Mammuthus creticus. Họ ước tính Mammuthus creticus tới đảo Crete vào khoảng 3,5 triệu năm trước. Tổ tiên của nó có thể là một trong hai loài voi ma mút châu Âu: Mammuthus meridionalis và Mammuthus rumanus, tuyệt chủng cách nay khoảng 800.000 năm.
(Nguồn tham khảo: BBC)
Phát hiện siêu sinh vật bí hiểm dưới đáy đại dương |
Một sinh vật bí ẩn chưa thể xác định nguồn gốc đã được tìm thấy sống sâu dưới đáy biển nhờ một thiết bị thăm dò điều khiển từ xa.
Sinh vật kỳ bí đang thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu.
Sinh vật này đã khiến nhiều nhà khoa học phải bối rối trong việc xác định loài của nó trong suốt thời gian qua. Nó không giống với bất kỳ một loài sinh vật nào mà con người từng biết tới trước đó.
Sứa hay nhau thai cá voi? Chưa ai có thể khẳng định được nguồn gốc của nó.
Thoạt trông, nó có vẻ giống như một con sứa hoặc một nhau thai cá voi. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy. Nó không có các cơ quan và phần phụ giống như ở những con sứa từng được biết tới và cũng chẳng phải là một nhau thai cá voi bởi các nhà nghiên cứu không thể xác định bộ phận có hình lục giác trên đầu của nó là gì.
Bộ phận hình lục giác bí ẩn trên đầu sinh vật.
Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng nó là đại diện của loài sứa khổng lồ Stygiomedusa Gigantea - loài sứa có thể dài tới 6m và mới chỉ được phát hiện 114 lần trong vòng 110 năm qua. Do đó, loài sứa này rất ít được con người biết tới. Một số khác thì cho rằng nó là giống sứa Deepstaria Enigmatica - một loài sứa vô cùng hiếm.
Xúc tua hay một bộ phận nào đó của cơ thể? Sinh vật này có nhiều cơ quan lạ mà các nhà khoa học chưa thể xác định được.
Liệu nó có phải là một con sứa thuộc loài vô cùng hiếm?
Một bộ phận bí ẩn khác của sinh vật kỳ lạ.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lại không thể khẳng định được các giả thuyết trên do họ không thể xác định được phần lục giác trên đầu nó là gì và cái dạ dày màu nâu, hình con dao hai lưỡi có vẻ hơi bất thường.
(Nguồn tham khảo: Daily Mail)
Bắt được ánh sáng từ siêu Trái đất |
Ánh sáng từ một hành tinh có kích thước gấp đôi Trái đất đã lọt vào ống kính của Spitzer trong một sự kiện được giới thiên văn học gọi là thành tựu mang tính lịch sử. Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA đã bắt được ánh sáng từ hành tinh có tên là 55 Cancri e. Hành tinh này có quỹ đạo quanh ngôi sao cách Trái đất 41 năm ánh sáng là 55 Cancri, nằm ở chòm sao Cancer. Một ngày trên hành tinh đó chỉ kéo dài khoảng 18 giờ và nó là một trong năm hành tinh xoay quanh sao trung tâm 55 Cancri e.
Spitzer đã mở ra một thế giới kỳ lạ trên hành tinh 55 Cancri e.
Hành tinh 55 Cancri e được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2004 và là thiên thể không có sự sống. Thay vào đó, nó được liệt vào dạng siêu Trái đất vì kích thước to gấp đôi và khối lượng lớn gấp 8 lần Trái đất. Tuy nhiên, cho đến mới đây, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra cách thu được ánh sáng hồng ngoại từ thế giới trên. Chuyên gia Bill Danch, người chịu trách nhiệm chương trình Spitzer tại trụ sở NASA ở Washington cho rằng, “Spitzer một lần nữa khiến chúng ta hết sức ấn tượng”. Với thành tựu lần này của Spitzer, giới chuyên gia biết được những đặc điểm đầy bất thường ở 55 Cancri e.
Hành tinh trên ở vị trí rất gần sao trung tâm, gần hơn gấp 26 lần so với khoảng cách từ Sao Thủy đến Mặt trời. Do đó, mặt đối diện với sao trung tâm của 55 Cancri e cực nóng, với nhiệt độ lên đến 1.726 độ C, còn mặt kia hoàn toàn chìm trong đêm tối vĩnh cửu. Trên hết, các chuyên gia phát hiện hành tinh này đang chảy chất lỏng. Các quan sát trước đây cho thấy 1/5 của 55 Cancri e làm từ các nguyên tố nhẹ, trong đó có nước, nhưng nhiệt độ và áp suất khủng khiếp trên hành tinh này đã tạo ra cái mà các nhà khoa học gọi là trạng thái “chất lỏng siêu tới hạn”. Phát hiện trên cũng tương đồng với giả thuyết thế giới nước chứa chất lỏng siêu tới hạn, chỉ một hành tinh đầy đá, được bao phủ bằng chất lỏng siêu tới hạn và bên trên là bức màn hơi dày đặc.
(Nguồn tham khảo: Space, Discovery News)
Rác trong Thái Bình Dương tăng gấp 100 lần |
Giới khoa học cho rằng, những mảnh rác nhựa ở phía Bắc Thái Bình Dương đã tạo thành một mảng có diện tích gần bằng bang Texas của Mỹ (có diện tích hơn 690.000km2). Các nhà khoa học của Đại học California (Mỹ) tuyên bố “Số lượng những mảnh rác siêu nhỏ ở phía bắc Thái Bình Dương đã tăng 100 lần trong vòng 4 thập kỷ qua” sau khi tìm hiểu mật độ của những mảnh rác siêu nhỏ (có kích thước nhỏ hơn 5mm) trong Thái Bình Dương.
Rác nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương.
Nhóm nghiên cứu khẳng định rằng, từ năm 1972 tới 1987, con người không phát hiện những mảnh rác nhựa siêu nhỏ trên Thái Bình Dương trong những lần lấy mẫu rác. Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, mật độ trung bình của rác nhựa siêu nhỏ trong Thái Bình Dương vào khoảng 13.000 mảnh trong mỗi km2. Tuy nhiên, mật độ này đạt mức lớn nhất ở phía Bắc của đại dương.
Rác nhựa trở thành nơi cư trú lý tưởng cho một loại côn trùng biển chuyên ăn sinh vật phù du và trứng cá. Loại côn trùng này là thức ăn của chim biển, rùa và cá. Chúng cần một bề mặt cứng để đẻ trứng. Trước đây chúng thường đẻ trứng trên mảnh ván, các loại vỏ cứng của động vật biển, đá bọt. Nhưng ngày nay rác nhựa trở thành nơi sinh sản lý tưởng của chúng. Các nhà nghiên cứu của Đại học California cảnh báo: “Nếu mật độ rác nhựa siêu nhỏ tiếp tục tăng, số lượng côn trùng sẽ tăng theo. Đó là viễn cảnh đáng sợ đối với trứng cá và sinh vật phù du”.
(Nguồn tham khảo: Discovery News)
Mắt người nhìn được bao xa? |
Nếu Trái đất bằng phẳng (chứ không phải hình cầu như hiện tại), tầm nhìn của mắt người có thể mở rộng tới tận phía xa nơi chân trời, bạn có thể cảm nhận được ánh sáng cách đó hàng trăm dặm xa xôi và vào ban đêm, bạn cũng hoàn toàn có khả năng để thấy một ngọn lửa bập bùng với khoảng cách lên tới 48km.
Tầm nhìn của mắt người có thể mở rộng tới tận phía xa nơi chân trời.
Mắt người nhìn được bao xa? Câu trả lời phụ thuộc vào việc có bao nhiêu hạt ánh sáng hay photon mà đối tượng phát ra, càng nhiều thì càng dễ kích thích võng mạc ở mắt. Vật thể xa nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường là thiên hà Andromeda, thật đáng kinh ngạc vì nó nằm cách Trái đất 2,6 triệu năm ánh sáng. Trở lại năm 1941, Selig Hecht - nhà khoa học chuyên nghiên cứu về thị lực và đồng nghiệp tại Đại học Columbia đã tiến hành thí nghiệm khảo sát “ngưỡng tuyệt đối” của tầm nhìn dưới điều kiện lý tưởng. Các tình nguyện viên được dành một khoảng thời gian nhất định để mắt hoàn toàn thích nghi với bóng tối.
Ánh sáng lóe lên hoạt động như một tác nhân kích thích có bước sóng (màu xanh lục lam) 510 nano mét - bước sóng dễ ảnh hưởng đến mắt nhất và ánh sáng này hướng vào vùng ngoại vi của võng mạc. Các nhà khoa học kết luận rằng, mắt người có thể nhìn thấy tia sáng le lói yếu ớt của một ngọn nến ở khoảng cách lên đến 30 dặm (khoảng 48km). Nhưng để cảm nhận được ánh sáng lấp lánh đó, nó phải kích thích ít nhất là 2 tế bào hình nón liền kề - loại tế bào có nhiệm vụ nhận diện màu sắc. Và như vậy, ví dụ ở khoảng cách 3km, chúng ta hoàn toàn nhìn thấy hai đèn pha riêng biệt của một chiếc xe hơi.
(Nguồn tham khảo: Datviet)