Các nhà nghiên cứu đến từ ĐH Sheffield và ĐH Buckingham (Anh) tuyên bố đã tìm ra bằng chứng cho thấy các sinh vật nhỏ sống lạ có tên gọi là tảo cát, tồn tại trong bầu không khí
Trái đất, cụ thể là ở giữa vùng Chester và Wakefield (Anh).
Các nhà khoa học đã sử dụng một quả bóng được thiết kế đặc biệt để thu thập các mẫu, mảnh vỡ của tảo đơn bào gọi là tảo cát trong tầng bình lưu trong thời gian gần đây. Theo các chuyên gia, đây có thể là bằng chứng đầu tiên cho thấy cuộc sống ngoài hành tinh đã ghé thăm Trái đất qua các thiên thạch.
Một sinh vật lạ được tìm thấy sau khi các nhà khoa học gửi một quả bóng vào tầng bình lưu Trái đất. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác nhấn mạnh, các vi sinh vật lạ cũng có thể xâm nhập vào bầu khí quyển qua các quá trình tự nhiên khác. Người đứng đầu nghiên cứu - Giáo sư Milton Wainwright thuộc ĐH Sheffield cho biết: "Cuộc sống trên Trái đất liên tục có sự ghé thăm của vật thể đến từ không gian, cuộc sống không gói gọn trong hành tinh này và hạt sinh học vừa trôi dạt tới tầng bình lưu Trái đất chắc chắn không có nguồn gốc ở đây".
Cuối tháng 7/2013, các nhà nghiên cứu đã sử dụng bóng và tung vào khí quyển gần Chester trong 17 phút ở độ cao 20,8km và 25,6km. Bóng hạ cánh ở Wakefield và được đưa ngay tới phòng thí nghiệm và đặt dưới kính hiển vi điện tử để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống.
Trước đây, nhà khoa học cùng với NASA đã công bố phát hiện vi khuẩn sống từ 6 - 7km trên bề mặt Trái đất. Các mẫu không khí lấy từ tầng đối lưu này cho thấy có 324 loại vi khuẩn khác nhau tại bầu khí quyển trên Đại Tây Dương và Mỹ. Tuy nhiên, họ cho rằng, chính sự chuyển động của không khí như các cơn bão đã hình thành ra nó.
Hiện các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thí nghiệm để rút ra được kết luận cuối cùng. Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí Vũ trụ học.
(Nguồn tham khảo: The Telegraph)