Mới đây, các nhà khảo cổ học trên thế giới đã cho công bố mẫu hóa thạch 36 triệu năm tuổi của một loài chim cánh cụt khổng lồ thời tiền sử. Những mẫu hóa thạch này được phát hiện tại khu vực bảo tồn Paracas - trên bờ biển phía đông Peru, và được đặt tên là Inkayacu Paracasensis (theo tiếng Peru) nghĩa là Water King (Vua Nước).
Loài chim cánh cụt này có chiều dài thân là 5 feet (khoảng 1,5 mét) – gấp đôi kích thước của loài chim cánh cụt Hoàng đế lớn nhất hiện nay. Và không giống như lớp hậu duệ của mình, Water King sinh sống ở những khu vực có khí hậu ấm áp thuộc vùng nhiệt đới, và sử dụng chiếc mỏ dài của mình để săn mồi.
Tiến sỹ Dan Ksepka, đến từ trường Đại Học North Carolina, cho biết: “Chúng tôi phát hiện một số lớp lông vẫn còn bám lại ở phần cánh của chú chim cánh cụt trong mẫu hóa thạch. Về kích thước, thì những chiếc lông này chỉ tương đương với những chiếc lông ở loài chim cánh cụt hiện nay”.
Tiến sỹ Dan Ksepka cùng đồng nghiệp đã nghiên cứu những hạt sắc tố có tên gọi là melanosomes trong những mẫu lông hóa thạch và kết luận rằng: khác với màu lông đen và trắng ở những chú chim cánh cụt hiện đại, Water King được bao phủ bởi một lớp lông mầu xám nhạt hoặc màu nâu đỏ - thường xuất hiện ở những chú chim cánh cụt non. Tuy nhiên, theo như những mẫu xương hóa thạch, thì đây là một chú chim cánh cụt trưởng thành.
Theo các nhà khoa học thì tất cả các loài chim cánh cụt khổng lồ đã từng di cư đến khắp mọi nơi trên trái đất vào thời tiền sử, để lại phía sau giống chim cánh cụt nhỏ mà ngày nay chỉ có ở Nam Cực.
Tiến sỹ Julia Clarke, Giảng viên Khoa khảo cổ học tại trường Đại học Texas, cho biết: “Trước khi phát hiện ra mẫu hóa thạch này, chúng tôi không có bằng chứng về màu sắc lông và hình dáng của những loài chim cánh cụt thời tiền sử. Và hiện tại, chúng tôi đã có cơ hội để giải đáp những thắc mắc đó”.