Chắc các bạn cũng biết "tình yêu" của loài
nhện nguy hiểm như thế nào, đặc biệt là đối với nhện đực. Trong hầu hết các trường hợp, nhện cái sẽ xơi tái nhện đực để hồi sức. Hoặc nếu không bị ăn thịt như nhện Nephilid, nhện đực sẽ hi sinh khả năng làm bố để trở nên dai sức hơn, nhằm ngăn không cho nhện khác đến tán tỉnh vợ mình.
Nhện Lariana jeskovi
Tuy nhiên, các khoa học gia thuộc ĐH Greifswald (Đức) vừa tìm ra một loài nhện đi ngược lại quy luật này - loài nhện Larinia jeskovi. Cụ thể, nhện Larinia đực sẽ cắt một phần bộ phận sinh dục của cá thể cái, nhằm ngăn không cho bất kỳ nhện đực nào khác có thể giao phối.
Theo các quan sát từ các chuyên gia, các "trinh nữ nhện" có một bộ phận gọi là "scapus" - một đốm nhỏ trên bộ phận sinh dục. Nhưng sau khi "mây mưa", bộ phận này đã biến mất.
Quá trình này chỉ diễn ra trong vài giây ngắn ngủi mà thôi. Do đó để quan sát rõ hơn, các khoa học gia buộc phải sử dụng một biện pháp có phần... dã man, đó là dội ni-tơ lỏng vào nhện khi đang "hành sự", sau đó quan sát qua ảnh chụp siêu vi cắt lớp.
Kết quả cho thấy khi giao phối, nhện đực sẽ phải cắn "scapus" để giữ thăng bằng tốt hơn. Nhưng sau khi hành sự xong, chúng sẽ tiện mồm cắn đứt luôn bộ phận này, để các con đực khác về sau sẽ không có chỗ để bám víu.
Vị trí mũi tên chỉ vào là bộ phận "scapus" kỳ lạ của nhện cái
Nhưng điều này không có nghĩa là nhện cái sẽ chỉ sinh sản được một lần. Theo các nghiên cứu trước kia, nhện cái có khả năng lưu trữ tinh trùng trong nhiều năm, do đó nó vẫn có thể đẻ trứng liên tục.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.
Nguồn: IFL Science