Trong những ngày này, biểu tượng của Thế vận hội Olympic - 5 vòng tròn đan vào nhau đã trở nên quen thuộc với công chúng yêu thể thao trên toàn thế giới. Trong suốt 100 năm qua, hình ảnh ấy biểu trưng cho sự đoàn kết, bình đẳng và tinh thần thể thao chân chính mà các vận động viên đến từ những khu vực khác nhau trên thế giới mang đến mỗi mùa Thế vận hội.
“Nhưng có một sự thật là, nếu 5 vòng tròn ấy đại diện cho những gì đang diễn ra ở 5 châu lục thì trên thực tế chúng chưa bao giờ bằng nhau” - Gustavo Sousa, một họa sĩ đến từ Anh quốc đã phát biểu khi giới thiệu bộ sưu tập mới của mình - những biểu đồ “biến tấu” từ logo Olympic.
Đây là biểu đồ thống kê dân số các châu lục. Vòng châu Đại Dương có màu xanh dương, châu Á - xanh lá, châu Âu - đen, châu Mỹ - đỏ và châu Phi - vàng. Độ lớn nhỏ của đường tròn thể hiện tương quan số liệu tính theo tỉ lệ phần trăm.
Tỉ lệ số hộ gia đình có tivi tương đương với trình độ phát triển kinh tế của từng khu vực.
Thống kê số người có HIV trên thế giới. Vòng “châu Phi” phình to một cách đáng ngại và kể từ khi AIDS bùng phát thành đại dịch toàn cầu cách đây 30 năm, vòng tròn màu vàng vẫn luôn lớn nhất.
Tỉ lệ tử vong trẻ em phản ánh sự bất bình đẳng lớn về điều kiện sống. Châu Phi và châu Á chiếm tới 90% số trẻ em tử vong trên toàn thế giới.
Sousa hiện là họa sĩ và giám đốc sáng tạo cho một hãng quảng cáo lớn ở Anh. Bộ sưu tập của anh mang tên “Oceaniaeuropeamericasafricaasia”, gồm 16 biểu đồ tương ứng với 16 ngày diễn ra Thế vận hội.
Mỗi biểu đồ chỉ vỏn vẹn có 5 vòng tròn màu xanh dương, đỏ, đen, vàng, xanh lá, với kích thước khác nhau cho thấy sự khác biệt giữa 5 châu lục về một số thực trạng toàn cầu như tỉ lệ người có HIV, số người tị nạn, số người mắc bệnh béo phì...
Không một số liệu, không chú thích dài dòng, chúng chỉ là những minh họa nho nhỏ nhưng những vấn đề mà chúng đại diện thì không nhỏ chút nào.
Châu Âu là nơi tiếp nhận nhiều người tị nạn đến từ khắp thế giới, đặc biệt từ các nước nghèo và các vùng xung đột chính trị.
Đây là biểu đồ “cân đối” nhất trong bộ sưu tập, nhưng nó lại cho thấy số người sở hữu súng theo các thống kê chính thức - một sự cân đối chẳng đáng mừng chút nào.
Biểu đồ thống kê số tội phạm giết người...
... và số tù nhân ở mỗi châu lục.
Nói về ý tưởng của mình, tác giả cho biết: “Thế vận hội hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn: những cuộc đấu, tài năng, khát vọng, chiến thắng, niềm vui... Nhưng theo tôi cuộc gặp gỡ giữa các châu lục cũng là lúc chúng ta nên suy ngẫm nhiều hơn đến những gì diễn ra bên ngoài thể thao. Và bởi vì thế giới chưa bao giờ hoàn hảo nên hiểu được sự khác biệt có lẽ là bước đầu tiên để cố gắng làm cho mọi thứ bình đẳng hơn”.
Số nhà hàng McDonald’s đại diện cho mức độ tiêu thụ đồ ăn nhanh. Không có gì ngạc nhiên khi dân chúng châu Mỹ là những người “ngốn” món này nhiều nhất.
Còn đây là xếp hạng số tỉ phú mà mỗi châu lục “sở hữu”. Châu Á mới chỉ “soán ngôi” châu Mỹ từ khoảng vài năm trở lại đây, theo sau là châu Âu, châu Đại Dương, châu Phi.
Hiện bộ sưu tập này đang được trưng bày ở London cho du khách tự do tham quan trong những ngày diễn ra Thế vận hội. Trong buổi triển lãm, ban tổ chức không cung cấp gợi ý vòng tròn nào đại diện cho châu lục nào, mà để người xem tự suy ngẫm và tìm ra “chìa khóa”.
“Những biểu đồ này cho thấy sự phân hóa đáng kinh ngạc mà nếu chỉ nhìn vào con số, người ta khó lòng mà hình dung được” - một khách tham quan nhận xét.
Thống kê số người mắc bệnh béo phì. Châu Đại Dương có thể thua xa châu Á về số dân, nhưng cân nặng của người dân thì lại là chuyện khác.
Lượng chất thải nguy hại thải ra ở mỗi châu lục...
... và lượng CO2 tính theo bình quân đầu người.
Tương quan chi phí mà mỗi châu lục đã “vung” ra để đầu tư cho quân sự.
Chúng ta cùng xem clip minh họa để hiểu thêm về những vòng tròn "lệch lạc" này nhé!