Thế giới ngầm của giới buôn bán hóa thạch động vật tiền sử

Sơn Hải, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 27/05/2014

Việc buôn bán trái phép hóa thạch khủng long hay động vật tiền sử gây ảnh hưởng nhiều tới giới nghiên cứu.

Hóa thạch là những mẫu vật đã tồn tại hàng triệu năm, mang trong mình nhiều dấu tích vĩ đại, phi thường của tự nhiên. 

Hóa thạch hình thành sau khi trải qua một thời gian dài hàng nghìn, hàng triệu năm dưới lòng đất. Xác của sinh vật trong hóa thạch phân hủy, chỉ còn lại phần cứng như xương, vỏ...

Do được bao phủ bởi trầm tích nên hóa thạch vẫn giữ lại được những hình thái kết cấu hay dấu vết hoạt động của những sinh vật thời kỳ đó. Chính vì vậy, hóa thạch rất quan trọng với các nhà khoa học khảo cổ, sinh học hay tiến hóa học. 



Nguồn gốc của thị trường buôn bán hóa thạch

Trong thực tế, hóa thạch rất hiếm và khó tìm, chúng thường bị vùi sâu trong đá và cát. Điều này phần nào gây trở ngại lớn về việc nghiên cứu của các nhà khảo cổ trong suốt thế kỷ XVIII.

Hình ảnh một chuyên gia đang tỉ mẩn xem xét bộ xương hóa thạch của khủng long.

Hiểu biết tầm quan trọng của hóa thạch, một người phụ nữ tên Mary Anning đã ra bãi biển Dorset đào bới để tìm những hóa thạch côn trùng, giáp xác. Sau đó, bà đã bán những hóa thạch cho các nhà khoa học để nuôi gia đình. Từ đây nghề kinh doanh hóa thạch bắt đầu phát triển.

Các nhà khoa học và các viện bảo tàng "ra giá" để khuyến khích người dân tham gia tìm kiếm hóa thạch. Việc buôn bán hóa thạch diễn ra theo chiều hướng có lợi cho cộng đồng như có hẳn một lực lượng chuyên đi đào bới hóa thạch để kiếm lời. Các bảo tàng sẽ thu mua hóa thạch để dùng trong nghiên cứu và trưng bày phục vụ cho phần đông cư dân thời bấy giờ tham quan.


Tới năm 1997, Bảo tàng Chicago đã bán đấu giá một bộ xương khủng long Tyrannosaurus tên là Sue. Một thương nhân đã mua lại bộ xương này với mức giá kỷ lục 8.360.000 USD (khoảng 176 tỷ VND theo tỷ giá hiện tại). Từ đây, nhiều người nhận ra số tiền có thể kiếm được từ một bộ xương hóa thạch là rất lớn nên càng chăm chỉ tìm tòi hóa thạch.

Sự kiện bán đấu giá bộ xương Sue đã thay đổi hoàn toàn phương thức kinh doanh hóa thạch. Nhiều đại gia hiểu rằng, việc sở hữu một bộ xương khủng long, hóa thạch các loài thú đã bị tuyệt chủng là một cách hiệu quả để thể hiện mình. Họ quyết định mua lại hóa thạch với giá cao ngất ngưởng. 

Hình ảnh bộ xương của "Sue" được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Chicago, Mỹ.

Số tiền quá nhiều khiến những người chuyên săn hóa thạch không còn muốn bán lại cho bảo tàng hay các nhà khoa học nữa. 

Từ đây một thị trường chợ đen hình thành, chuyên thu mua và bán lại hóa thạch cho các đại gia. 

Nhờ đó, giá của hóa thạch lên cao đến chóng mặt khiến những nhà khoa học chân chính, những viện bảo tàng hay trường đại không thể nào mua được các hóa thạch nữa.

Các mối nguy từ sở hữu tư nhân

Thương mại hóa thạch bất hợp pháp là một điều bất lợi đối với giới nghiên cứu. 

Hóa thạch muốn buôn bán được phải có giấy phép thích hợp. Điều này tưởng chừng phức tạp nhưng các công ty buôn bán luôn biết cách để vượt qua. 


Các chuyên gia cẩn thận mổ xẻ hóa thạch trứng khủng long từ Mông Cổ.

Họ thuê một nhà khoa học uy tín để kiểm tra các hóa thạch nhằm đánh giá tính chính xác của nó. Người này sẽ nhận tiền của công ty và đánh giá hóa thạch này không có chút ý nghĩa khoa học nào, từ đây họ dễ dàng nhận được giấy phép và bán cho những nhà sưu tập tư nhân. 


Các bộ xương hóa thạch được nhập khẩu bất hợp pháp thường là từ Mông Cổ và Trung Quốc, trong đó có một bộ xương khủng long bạo chúa có thể bán với giá hơn 1 triệu USD (khoảng hơn 21 tỷ VND)

Chỉ trong vòng ít năm, không biết bao nhiêu bộ xương khủng long bị đánh cắp khỏi các khu khảo cổ để cung cấp cho thị trường chợ đen. Như việc gần đây ghi nhận, một dấu chân khủng long 190 triệu năm tuổi ở phía Đông Utah bỗng nhiên biến mất.
 

Các cơ quan chức năng đang tự hỏi liệu có sự nhúng tay của một tổ chức săn trộm chuyên đánh cắp các hóa thạch để tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng họ vẫn bất lực vì việc buôn bán loại hàng này vẫn còn quá ít thông tin để tiến hành xử phạt. 

Mãi cho đến năm 2012, Prokopi - một người mua bán xương khủng long hóa thạch đã bị bắt bởi các nhân viên FBI tại Florida. Ông bị cáo buộc âm mưu buôn lậu các bộ phận hóa thạch của khủng long thời tiền sử vào Hoa Kỳ bằng cách xuyên tạc thông tin đây chỉ là hóa thạch của các loài động vật không quý hiếm. Prokopi dự kiến sẽ phải đối mặt với một án tù kéo dài 20 năm. 



Tuy vậy, điều mà các nhà khoa học lo sợ là những gì xảy ra với hóa thạch khi chủ sở hữu chết. Chắc chắn, chúng không thể được trao trả lại cho chính quyền mà đa phần thất thoát, hư hỏng hoặc bị bán rẻ cho những người không hiểu về giá trị của nó. 

Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, nếu tình trạng này còn tiếp diễn vô số hóa thạch của nhiều loài động vật quý hiếm sẽ biến mất và là một tổn thất rất lớn cho toàn nhân loại. 

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Io9, National Geographic, Swewe, NPR...