Theo một báo cáo mới đây, một nhóm các nhà
thiên văn học thuộc ĐH Andres Bello (Chile) đã tìm thấy một dải sao mới được hình thành. Tuy nhiên, điều này sẽ chẳng có gì đặc biệt nếu như dải sao này không được tìm thấy ở ngay trung tâm của
dải Ngân hà - nơi các nhà khoa học chưa bao giờ nghĩ đến.
Trước kia, giới khoa học thiên văn đều nghĩ rằng nơi trung tâm của dải Ngân hà - còn gọi là "chỗ phình" (galactic bulge) - là nơi chỉ chứa những ngôi sao "già", với tuổi đời lên tới khoảng 10 tỉ năm. Tuy nhiên, sau những quan sát và phân tích trong 4 năm (từ 2010 đến 2014) bằng các dữ liệu từ đài thiên văn VISTA (Chile), nhóm nghiên cứu đã xác định được một dải gồm 35 ngôi sao mới được hình thành tại đây.
Dải sao mới hình thành được thể hiện bằng các chấm đỏ. Ngôi sao vàng chính là Mặt trời của chúng ta
Hiện, nhóm sao mới này được đặt trong nhóm Cepheid - nhóm sao được sử dụng làm căn cứ để tính toán khoảng cách từ Trái đất đến các ngôi sao xa xôi.
Theo Dante Minniti - một trong những người đứng đầu nghiên cứu:
"Tất cả 35 ngôi sao mới này đều có tuổi đời chỉ khoảng 100 triệu năm. Ngôi sao trẻ nhất có lẽ rơi vào khoảng 25 triệu tuổi, trong riêng Mặt trời của chúng ta đã 4,5 tỉ năm tuổi".
Minniti cho biết thêm, phát hiện này đã chỉ ra rằng thiên hà không chỉ mở rộng từ trung tâm, mà những ngôi sao mới vẫn tiếp tục hình thành từ ngay tại đây trong 100 triệu năm qua.
Hiện nay, các khoa học gia vẫn chưa thể tính chính xác được khoảng cách từ Trái đất đến "chỗ phình" trong dải Ngân hà. Tuy nhiên, với việc phát hiện ra nhóm sao mới này, chúng ta đang từng bước biết được kết quả, và rộng hơn là vẽ được bản đồ vũ trụ đa chiều một cách chính xác nhất.
Đài thiên văn VISTA
Các nhà khoa học cho biết, bước tiếp theo sẽ là xác định xem dải sao này được hình thành tại khu vực chúng ta đang thấy, hay chúng đã di cư đến đây tại một khu vực xa hơn trong vũ trụ. Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp chúng ta hiểu thêm được nguồn gốc, quá khứ và tương lai của vũ trụ.
Nguồn: Business Insider