Nếu bạn là một fan trung thành của series phim Xác ướp Ai Cập, hay đã từng đọc qua tiểu thuyết Lost Horizon (Đường chân trời đã mất) của nhà văn James Hilton thì hẳn là cái tên Shangri-La không hề xa lạ.
Trên thực tế, Shangri-La là "giai điệu cao vút" vang vọng trên thảo nguyên bao la, là hình ảnh tuyệt đẹp về miền đất hạnh phúc, là những lời niệm gửi gắm nhiều ước nguyện về một cuộc sống tốt đẹp.
Vùng đất Shangri-La hoàn toàn có thật, tuy nhiên việc người bất tử thì chỉ là những câu văn miêu tả giả tưởng của nhà văn James Hilton mà thôi. Shangri-La là một thung lũng nằm ở Tây Bắc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, gần với Tây Tạng.
Ban đầu, vùng đất này có tên là Zhongdian County. Mãi cho tới năm 2001, với một chiến dịch phát triển du lịch, nâng tầm vùng đất này lên, chính quyền địa phương mới đổi tên thành Shangri-La, dựa nhiều vào những điểm tương đồng về địa danh trong câu chuyện của James Hilton.
Shangri-La nằm trong một cao nguyên cao hơn 3.300m so với mực nước biển, bao quanh bởi những ngọn đồi xanh tươi tốt, hồ nước tuyệt đẹp, không khí trong lành.
Đây là nơi sinh sống chủ yếu của một bộ phận không nhỏ những người Tây Tạng, nơi tọa lạc của rất nhiều danh thắng, đền chùa, tu viện Phật giáo…
Khí hậu ở Shangri-La chỉ có thể miêu tả trong một từ “hoàn hảo”. Tới đây, du khách có thể trải nghiệm không khí mát mẻ, dễ chịu, cũng như tận hưởng cảm giác rõ rệt về bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.
Trong đó, giai đoạn mùa thu, giữa tháng 10 tới giữa tháng 11 là lúc Shangri-La lung linh nhất với thảm động thực vật đa dạng và rực rỡ sắc màu.
Trong khi đó, mùa đông ở nơi này rất khô, lạnh, thậm chí nhiệt độ có thể xuống dưới mức 0 độ C.
Đến Shangri-La, không thể không chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của đỉnh Kawagarbo - đỉnh núi cao nhất tỉnh Vân Nam.
Nó được đặt theo tên của một vị thần chiến binh và nằm trong danh sách những ngọn núi linh thiêng nhất của dòng Phật giáo Tây Tạng. Mỗi năm, Kawagarbo thu hút tới 20.000 tín đồ hành hương, đi bộ khoảng 240km gian khổ để tới được đây.
Bên cạnh đỉnh Kawagarbo, du khách đến với Shangri-La có cơ hội trải nghiệm cảm giác như ở trên thiên đường thật sự nếu tham quan dãy Meili. Dãy núi này gồm khoảng 20 đỉnh núi tuyết phủ trắng xóa quanh năm, trong đó có 6 đỉnh cao tới hơn 6.000m.
Một đặc trưng địa lý khác của Shangri-La chính là
hẻm núi hình móng ngựa ngoạn mục này. Dòng sông Mêkông chảy vòng xung quanh ngọn núi qua năm tháng đã vô tình tạo nên một cảnh sắc thật sự đáng kinh ngạc.
Trên con đường đi từ núi Meili về thị trấn Shangri-La, chúng ta sẽ bắt gặp một hồ nước nông trên núi: hồ Napahai.
Hồ nằm ở độ cao 3.266m, ba mặt bao quanh đều là núi. Mùa đông, hồ hoàn toàn biến mất và trở thành đồng cỏ chăn thả gia súc, chỉ khi hè đến, mưa nhiều, Napahai mới lại xuất hiện.
Shangri-La còn nổi tiếng với công viên quốc gia Pudacuo. Đây là khu vực rộng khoảng 1.300km2 và là công viên quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc.
Hiện nó là nơi cư trú của 20% các loài cây khác nhau, 1/3 lượng chim, động vật có vú, cùng 100 loài quý hiếm trên toàn lãnh thổ nước này.
Không hổ danh nếu nói Shangri-La đồng thời cũng chính là một trung tâm Phật giáo.
Nằm trên một sườn núi cao 3.380m, tu viện Gadain Sumzanling là Tu viện dòng Phật giáo Tây Tạng lớn nhất ở Vân Nam, Trung Quốc. Nó được xây dựng năm 1679, hiện là nơi sinh sống của 700 tu sĩ và Lạt ma.
Gadain Sumzanling tích hợp nhiều công trình kiến trúc bên trong, làm thành một tổng thể thống nhất. Trong đó, nổi bật là cung điện Potala nằm trên đỉnh đồi và khu Zhacang và Jikang - nơi những tu sĩ trẻ sinh sống và học tập.
Hành lang dẫn lên hội trường chính của tu viện gồm 146 bậc, được trang trí với hơn 108 cột trụ.
Hội trường chính là nơi các tín đồ tụ tập để cử hành lễ hội và cầu nguyện mỗi sáng hàng ngày. Ước tính, sảnh cầu nguyện này có sức chưa tới hơn 1.600 tu sĩ tất cả.
Cũng giống như tên thung lũng, thị trấn trung tâm Jiantang trước kia cũng được đổi tên thành thị trấn Shangri-La.
Bước dọc theo những con đường nhỏ tại đây, bạn hẳn sẽ cảm nhận được không khí cổ kính, trầm mặc của một vùng đất nơi văn hóa Tây Tạng trùm lên từng căn nhà, góc phố.
Người dân sống ở Shangri-La gồm rất nhiều thành phần: chủ yếu là người Tây Tạng, Hán cùng với một vài tộc thiểu số khác như Naxi, Bai, Yi và Lisu.
Tất cả chung sống rất hòa bình, kiếm ăn chủ yếu bằng nghề nông, du lịch. Và tất nhiên, chuyện người dân bất tử là một điều hoàn toàn hư cấu, chỉ có trong văn học mà thôi.
Bạn có thể xem thêm: