Chiến tranh thường được nhắc tới với nhiều quan niệm không hay bởi những ảnh hưởng, tàn phá mà nó gây ra. Tuy nhiên, có một điều vô cùng lý thú là thời kỳ xâm lược của đế quốc Đức đã vô tình tạo nên cảm hứng cho một phong cách ăn mặc độc đáo, có 1-0-2 của thổ dân Herero tại Namibia…
Châu Phi mệnh danh là châu lục nóng nhất thế giới. Phần lớn người dân bản địa ở đây ăn mặc tương đối “thoáng mát” với váy thêu ngắn cho nữ và khố cho nam. Tuy nhiên, kể từ đầu thế kỷ XX, các bộ tộc người Herero, sống chủ yếu ở Namibia, đã lựa chọn cho mình một xtyle ăn mặc rất mới, mang đậm phong cách châu Âu. Trong ảnh là những cư dân bộ tộc người Herero với trang phục đậm nét châu Âu.
Sự kì lạ nói trên đã truyền cảm hứng tới một nghệ sĩ nhiếp ảnh tên Jim Naughten. Ông lần đầu tiên đặt chân tới châu Phi cách đây 17 năm và tới năm 2011, Jim quay lại để chụp bộ ảnh của mình, tôn vinh vẻ “thời trang” của thổ dân ở Namibia.
Phụ nữ Herero chủ yếu mặc những chiếc váy thùng rộng, bao kín từ đầu tới chân, nhiều màu sắc theo phong cách váy thời Victoria. Còn nam giới lại ăn vận giống những người lính, điền chủ phương Tây. Cách phục trang kì quái này xuất phát từ một biến cố trong lịch sử của người bản địa: thời kỳ bị Đức xâm lược.
Năm 1904, vua Đức Wilhelm phát động chiến tranh với các nước Nam Phi. Hơn 80% người Herero đã bị tiêu diệt trong các cuộc chiến. Nước Đức áp đặt ách đô hộ và truyền bá văn hóa, tư tưởng phương Tây vào khu vực này, đặc biệt là trong trang phục, cung cách ăn mặc.
Năm 1915, cuộc chiến giữa người Đức và thổ dân Nam Phi kết thúc. Người Herero bắt đầu dần chuyển sang phong cách ăn mặc mới rất Tây. Theo lời kể của thổ dân nơi này, cha ông họ làm như vậy bởi mỗi khi chiến thắng kẻ thù, chiến binh Herero sẽ tước bỏ phục trang của bại tướng. Họ mặc chúng lên người như thể hiện một sự tự hào, vinh quang dân tộc. Hình trên là một chàng thanh niên đang uy nghiêm chào như đang đứng trong hàng ngũ quân đội.
Hình ảnh 2 chàng trai kỵ binh Herero. Từ mũ, quần áo cho tới tất, giầy, trông họ chẳng khác nào một chiến binh theo đúng phong cách ăn mặc của người châu Âu. Người Herero còn sở hữu riêng đồng phục cho từng cấp bậc trong quân đội, phân biệt giữa nam và nữ, điều hiếm thấy ở các tộc người châu Phi khác.
Không chỉ đàn ông mà ngay cả phụ nữ Herero cũng tiếp thu cách ăn mặc của người Đức. Bên cạnh lý do chiến tranh thì yếu tố tác động quan trọng nhất tới nhận thức của họ chính là các nhà truyền giáo đã đưa những chiếc váy kiểu Victoria tới Namibia từ những năm cuối thế kỷ XIX.
Phụ nữ Herero gần như ngay lập tức tiếp nhận và sử dụng chúng. Trong những bộ váy rộng thùng thình, nhiều màu sắc và có phần nặng, phụ nữ buộc phải di chuyển một cách chậm rãi, điềm đạm.
Điều này trong thực tế rất hợp ý người Herero - một bộ tộc trọng nông nghiệp, chăn nuôi gia súc. Dáng đi chậm rãi, khoan thai là dáng di chuyển của các loài trâu bò, vốn rất linh thiêng trong tục lệ nơi này.
Điểm khác giữa trang phục nam và nữ chính là việc phụ nữ Herero mặc váy thường xuyên, hàng ngày. Ngược lại, đàn ông ở đây chỉ mặc những bộ quần áo chiến binh, lính, cao bồi vào những dịp trọng đại như lễ hội, đám cưới, đám tang… Thậm chí, một số ít còn thanh niên trẻ Herero hiện nay ưa thích quần áo hiện đại ở phương Tây.
Con vật gắn liền với người Herero là bò. Vì vậy, trong hầu hết trang phục của phụ nữ tộc này, họ đều có thêm một chiếc mũ, hoặc khăn trùm đầu tạo hình hai chiếc sừng bò nhô ra. Có thể coi đây là một cách tân văn hóa lớn thể hiện bản sắc của người Herero.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Guardian, Jimnaughten, Independent, Slate...