Ngành công nghiệp dệt vải từ trước đến nay luôn sử dụng cotton và polyester làm hai nguyên liệu chính. Tuy nhiên, với sự phát triển như vũ bão của khoa học, hiện nay nhiều loại vải được chế tạo từ các nguyên liệu vô cùng đặc biệt đã ra đời.
Bài viết sau đây sẽ giới thiệu đến các bạn một số loại vải được làm từ những nguyên liệu "không thể tin nổi", đủ để khiến bạn "mắt tròn mắt dẹt" vì ngỡ ngàng.
1. Vải làm từ... men rượu
Năm 2012, một nhóm các nhà khoa học đến từ ĐH Western Australia đã gây ngỡ ngàng chế tạo thành công sợi vải làm từ... men rượu
Theo đó, họ ứng dụng một loại vi khuẩn mang tên Acetobacter (hoặc vi khuẩn axetic) - dạng vi khuẩn để lên men rượu, thường thấy trong các thùng rượu vang giá rẻ.
Chiếc váy làm từ men rượu.
Loại vi khuẩn này sẽ chuyển hóa cồn thành các sợi vải nổi lên trên bề mặt rượu. Lớp váng này sẽ được thu lại, quét lên người một ma-nơ-canh, sau đó chỉ cần đợi khô là ta đã có một chiếc váy độc đáo làm từ rượu.
Với ưu điểm giá thành sản xuất rẻ, gia công nhanh, màu sắc độc đáo, loại vải sợi này mang nhiều tiềm năng trở thành một cuộc "cách mạng" trong ngành công nghiệp sợi vải, nếu như giải quyết được các vấn đề tồn đọng.
Một vấn đề nổi cộm cần được giải quyết của vải "rượu vang", đó là độ mong manh và dễ rách khiến chiếc váy không bền. Theo mô tả thì sau khi khô, chiếc váy có độ mỏng y như... khăn giấy vậy.
Ngoài ra, do được làm từ vi khuẩn lên men, chiếc váy có thể mang theo mùi giấm chua rất khó chịu. Chắc chắn các khoa học gia cần giải quyết chuyện này nếu muốn loại vải "men rượu" trở nên phổ biến hơn trong tương lai..
2. Vải Naoron làm từ bột gỗ
Đã bao giờ bạn tưởng tượng được rằng bột gỗ và giấy vụn cũng có thể trở thành giày dép hay túi xách chưa? Các khoa học gia người Nhật Bản đã đem đến công nghệ chế tạo loại vải mới được làm từ giấy vụn hoặc bột gỗ, mang tên Naoron.
Vải Naoron được tập đoàn Onao của Nhật Bản phát minh dựa trên công nghệ sản xuất giấy washi-suki truyền thống. Loại vải này được chế tạo bằng cách tổng hợp bột gỗ với polyester tái chế, hoặc thậm chí là bằng nhựa polyethilene terephthalate (còn gọi là PET) trong vỏ chai nhựa.
Chính vì thế, loại vải này có được độ nhăn rất độc đáo và đặc trưng của giấy, nhưng lại mang đặc tính chống nước của nhựa.
Đây là một loại nguyên liệu được đánh giá “siêu thân thiện” với động vật khi góp phần tránh được việc giết hại động vật để thu được da. Bên cạnh đó, loại vải này còn giúp tránh được những tác hại từ hóa chất của ngành công nghiệp da tổng
hợp.
Naoron hiện được khá nhiều hãng thời trang trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, loại vải này vẫn còn tồn tại một vấn đề gây "khó chịu", đó là việc các sản phẩm tối màu khi ngấm nước có thể bị phai màu nhanh chóng.
3. Vải được tổng hợp từ ngô
Loại vải này mang tên Ingeo và là một sản phẩm của nhà máy Natureworks, một trong những nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học hàng đầu thế giới.
Những sợi vải dùng để dệt nên Ingeo được chiết xuất từ tinh bột ngô lên men và đang được kỳ vọng sẽ thay thế loại sợi tổng hợp hiện nay được làm từ dầu mỏ.
4. Vải lụa tổng hợp từ sữa hỏng
Những hộp sữa bị quá hạn để lâu ngày không thể sử dụng được nữa thông thường sẽ bị bỏ vào sọt rác. Thế nhưng một công ty chuyên sản xuất các vật liệu sinh học của Đức có tên gọi Qmilch thay vì bỏ đi những chai sữa hỏng mà đã tái chế chúng thành những tấm vải vô cùng độc đáo.
Protein trong sữa hỏng được chiết xuất và tổng hợp để tạo nên sợi xơ nhỏ, vô cùng nhẹ - chỉ như những sợi vải len hoặc lụa. Thậm chí khả năng gắn kết của những sợi vải từ sữa hỏng còn có khả năng gắn kết hơn, nhờ đó có chất lượng tốt hơn.
5. Vải làm từ thịt và xương động vật
Vào năm 2010, nữ ca sĩ nổi tiếng Lady Gaga đã tạo nên một cú sốc cho làng giải trí thế giới khi xuất hiện trong bộ váy được làm từ những miếng thịt tươi sống.
Đến năm 2015 tiến sĩ Philipp Stossel ở phòng thí nghiệm vật liệu chức năng tại Zurich (Thụy Sĩ) đã cải tiến bộ váy này khi ông chiết xuất thành công gelantin trong những miếng thịt để làm sợi dệt vải, thay vì đắp trực tiếp những miếng thịt để làm váy.
Để có được loại sợi này, đầu tiên Stossel phải tiến hành tách gelatin khỏi thịt và xương động vật. Sau đó ông ngâm gelatin vào các dung môi hữu cơ ở nhiệt độ cao để tách protein và sử dụng một máy quay sợi để thu được khoảng 200m sợi vải trong một phút.
Tuy nhiên đối với cá nhân Phillip Stossel thì sản phẩm này vẫn chưa thể hoàn thiện. Hiện ông vẫn đang nghiên cứu các phương pháp để giúp loại vải làm từ sợi này có thêm khả năng chống thấm nước.
Nguồn: WebEcoist, Daily Mail, Ecouterre, Wikipedia, NatureWorks.