Dưới đây là những
ý tưởng bảo vệ thiên nhiên vô cùng độc đáo được các nhà khoa học nghiên cứu và tìm hiểu trong suốt thời gian dài. Nghe có vẻ điên rồ nhưng những ý tưởng này lại mang tính khả thi cao…
1. Tẩy chay mèo
Những chú mèo dễ thương tưởng chừng như hoàn toàn vô hại, thế nhưng nghiên cứu của nhà khoa học người Mỹ - Gareth Morgan chỉ ra rằng, sự phát triển của loài mèo đã khiến nhiều loài chim bản địa tuyệt chủng.
Mặc dù mèo thường bắt chuột, thế nhưng những chú chim bé nhỏ cũng không bao giờ nằm ngoài thực đơn của chúng; cụ thể, 33 loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng dưới "bàn chân" của loài mèo.
Tuy rằng Morgan không yêu cầu phải giết tất cả loài mèo để bảo vệ các loài khác, nhưng ông đã kêu gọi mọi người thực hiện các bước để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của loài mèo tới thiên nhiên, chẳng hạn như giữ con mèo trong nhà, buộc một cái chuông quanh cổ…
2. Khai thác năng lượng từ… vòi rồng
Với sự phát triển của xã hội, nhu cầu về năng lượng ngày càng cao đã khiến các nhà khoa học tích cực tìm kiếm những nguồn nhiên liệu thay thế mới. Chúng ta đã tìm ra năng lượng Mặt trời, năng lượng gió, thế nhưng một kỹ sư người Canada đã có ý tưởng cho một loại năng lượng mới hơn, đó là… vòi rồng.
Ông đặt một tua-bin sát mặt đất, nơi xảy ra vòi rồng. Khi hiện tượng này xảy ra, tốc độ xoáy của vòi rồng sẽ làm tua-bin quay và phát ra điện.
Theo lời ông, áp suất gió do vòi rồng tạo ra có thể tương đương với công suất của 10 nhà máy phát điện cỡ lớn. Tuy nhiên, để khai thác được sức mạnh của vòi rồng tự nhiên là bất khả thi. Thay vào đó, ông đã sử dụng tháp năng lượng gió để tự tạo ra vòi rồng cỡ nhỏ. Mặc dù vậy, công suất của vòi rồng này cũng có thể đạt tới 700.000KW.
3. Phát triển năng lượng xanh... nhưng không sạch
Đó chính là năng lượng được tạo ra từ phân và nước tiểu. Chất thải, từ cả người và động vật, ở dạng lỏng hay rắn đã được nghiên cứu sau một loạt các ứng dụng nhằm làm sạch môi trường.
Từ lâu, các nhà khoa học đã tạo ra quy trình tạo khí đốt bằng năng lượng sinh học từ chất thải của động vật (hay còn gọi là Biogas). Ứng dụng này giảm thiểu tình trạng xả chất thải trực tiếp, gây ô nhiễm môi trường mà còn đem lại kết quả kinh tế cao.
Người ta cho xây dựng một đường hầm để chứa chất thải gia súc. Đường hầm này thường kín và bí khí, là môi trường cực tốt cho các loài vi sinh vật hoạt động. Chúng sẽ đẩy nhanh quá trình phân hủy chất thải gia súc và sản sinh ra khí methane. Khí methane được sử dụng rộng rãi để thắp sáng và đun nấu.
Bên cạnh đó, với sự giúp đỡ của các loại vi khuẩn, người ta hoàn toàn có thể chuyển hóa nước tiểu thành năng lượng điện dùng cho xe cộ. Trong năm 2011, các nhà khoa học công bố đã tìm ra anammox - một loại vi khuẩn có khả năng biến amoni trong nước tiểu thành nhiên liệu cho tên lửa.
4. Trồng cây trên không
Trong chiến tranh, việc máy bay thả bom tạo ra không ít những hệ lụy trong việc hủy hoại Trái đất. Ngày nay, những chiếc máy bay lỗi thời sẽ được cải tiến để làm việc có ích hơn - đó là thả hạt giống cây trồng.
Máy bay cũ sẽ được chế tạo thêm 1 khoang đặc biệt, có tác dụng chứa hạt giống của cây. Sau đó, máy bay sẽ tới những địa điểm định sẵn và tiến hành mở khoang, thả hàng ngàn hạt giống từ trên không xuống đất.
Việc này không chỉ giúp tái sử dụng những chiếc máy bay cũ mà còn có thể tăng năng suất phủ xanh Trái đất của chúng ta. Trung bình những chiếc máy bay có thể "trồng" khoảng 900.000 cây mỗi ngày.
5. Đá "hút carbon"
Nếu như lượng CO2 quá nhiều là nguyên nhân của việc Trái đất nóng lên thì việc hấp thụ CO2 chính là cách để ngăn chặn điều này.
Các nhà khoa học đã tìm ra một loại đá có tên gọi là peridotit có khả năng hấp thụ khí CO2 từ khí quyển. Theo báo cáo của Discovery News, nếu tất cả những tảng đá được tiếp xúc với khí quyển, chúng có thể lưu trữ lượng khí thải CO2 của con người trong 4.000 năm
Tuy nhiên, số lượng loại đá này không nhiều, hiện các nhà khoa học mới chỉ tìm được một mỏ đá có kích thước 350km x 30km ở Oman.
6. Thức ăn từ côn trùng
Bò, lợn, gà... là những "mặt hàng chủ lực" trên bàn ăn. Nhưng năng lượng cần thiết để nuôi và chất thải mà chúng tạo ra là một nguồn gây ô nhiễm lớn.
Từ suy nghĩ đó, các nhà khoa học đã có một ý tưởng khá táo bạo: làm thức ăn từ giun hoặc côn trùng. Thực phẩm làm từ giun hoặc côn trùng không chỉ được sản xuất rẻ hơn so với thịt làm từ các nguồn quen thuộc, nó cũng tốt hơn cho môi trường.
Chúng không cần nhiều không gian để chăn nuôi, không tốn nhiều thức ăn cũng như không tạo ra quá nhiều chất thải có hại.
7. Mây nhân tạo
Các nhà khoa học đã đưa ra một ý tưởng mới, thay vì bảo vệ ở bên trong, chúng ta hoàn toàn có thể bảo vệ Trái đất từ bên ngoài.
Đó là sử dụng một đám mây “nhân tạo” từ bụi của các tiểu hành tinh xung quanh. Đám mây này có chức năng giống như một cái ô khổng lồ, làm chệch hướng ánh sáng Mặt trời và làm mát Trái đất.
Tuy nhiên, có một vài khó khăn khi thực hiện dự án này. Thứ nhất, việc tìm và đem bụi của các tiểu hành tinh về là không hề dễ. Thứ hai, việc làm chệch hướng ánh sáng Mặt trời cũng đồng nghĩa với việc chúng ta mất đi một nguồn năng lượng vô cùng quý giá. Và cuối cùng, với sức hút của Trái đất, thì đám mây kia có thực sự an toàn với con người?
Bạn có thể xem thêm: