Sự thật thú vị về quả vải Việt Nam từ thời Dương Quý Phi

Gabby, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 26/06/2014
Chia sẻ

Cùng khám phá nhiều điều thú vị về quả vải - loại quả yêu thích của Dương Quý Phi...<br/>

Vải là một loại quả đặc trưng cho mùa hè ở nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế không phải ai cũng am hiểu một cách tường tận về loại quả này - từ lịch sử, nguồn gốc cho tới đặc điểm, công dụng. 

Hãy cùng khám phá những điều thú vị mà không phải ai cũng biết về quả vải qua bài viết dưới đây.
 
 
Trong tiếng Hán - Việt, loại quả này được gọi là “lệ chi”. Ở nước ta, vải đã có từ rất lâu, chủ yếu được trồng ở các tỉnh miền Bắc như Hải Dương, Bắc Giang.


Hán Vũ Đế vô cùng ưa thích loại vải được trồng ở Giao Chỉ (tức miền Bắc nước ta hiện nay).

Từ xa xưa, theo ghi chép của Kê Hàm trong Nam Phương Thảo Mộc Trạng thì vào năm 111TCN, Hán Vũ Đế bên Trung Quốc đã sai đem cây vải từ Giao Chỉ (miền Bắc nước ta hiện nay) về trồng. Song trên đường vận chuyển, cây vải chết do lạnh. Từ đó, vua Hán bắt nhân dân nước ta hàng năm phải cống “lệ chi” (vải).


 

Hình vẽ Dương Quý Phi - một "tín đồ" của vải.

Tới thời nhà Đường bên Trung Quốc, lệ này vẫn được duy trì. Theo cuốn Tân Đường Thư, vải là loại quả ưa thích của một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc - Dương Quý Phi. 

Bà thích vải tới nỗi người thời đó đặt tên ngoại hiệu cho vải là “phi tử tiếu” - tức nụ cười Dương Phi. Đường Huyền Tông vì cưng chiều bà nên thường xuyên bắt nhân dân phía Nam cống nạp vải về thành Trường An.


 
Để thỏa mãn những cơn thèm vải, Đường Huyền Tông đã sai những phu trạm phi ngựa hỏa tốc để chuyển vải về cho Dương ái phi.

Vải cống nạp tới kinh đô Trường An cho Dương Quý Phi được ướp mật hoặc muối, sau đó được hỏa tốc chuyển tới bằng ngựa ở các dịch trạm để vẫn giữ được độ tươi ngon. 

Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều nghi vấn xoay quanh việc liệu “lệ chi” cống Dương Quý Phi có xuất xứ từ Giao Chỉ (miền Bắc nước ta) hay từ một số tỉnh phía Nam Trung Quốc?



Vào thời xưa, vải luôn là một trong những thức quả được xem trọng, chỉ có vua chúa quý tộc mới thường được ăn. 

Trong sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, quả vải được hết mực khen ngợi, đề cao: “mã ngoài như lụa hồng, tơ tía, thịt vải như thủy tinh, như giáng tuyết” hay “Nước Nam sản xuất trái lệ chi nhiều nhất. Thứ trái lệ chi ở xã An Nhơn (tức là Yên Nhân) huyện Đường Hào là ngon, ngọt và thơm không thể nào tả được”.



Cây vải thiều tổ đã được 4 đời gia đình cụ Hoàng Văn Cơm trông nom.

Tuy nhiên, mãi tới thời Tự Đức (1847 - 1883), giống vải thiều ngon mới được du nhập vào nước ta. Theo đó, cụ Hoàng Văn Cơm ở Thanh Hà, Hải Dương trong một lần dự tiệc với người Hoa Kiều đã lấy về 3 hạt vải có gốc Thiều Châu (Trung Quốc) để ươm trong vườn nhà. 

Song chỉ có một cây duy nhất sống được và cho quả rất ngon. Từ đó, người ta chiết các cây vải con từ cây quý của cụ Cơm, trồng phổ biến thành giống vải thiều ngon nổi tiếng. Đặc biệt hơn, cây vải thiều đầu tiên ấy cho tới nay vẫn còn sống và đã hơn 200 tuổi. 



Vải thiều quả nhỏ, vỏ sần, khi chín có màu đỏ, hạt đen tuyền nhỏ thậm chí không có hạt, cùi trắng, dày ăn rất ngọt. Cây vải loại này ra hoa vàng tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6 đầu hè. 



 

Trong y học phương Đông, vải được coi là một loại thuốc trị bệnh hữu hiệu. Hạt vải có tính ôn, vị ngọt chát, có tác dụng tán hàn, nghiền thành bột có thể chữa được tiêu chảy ở trẻ em. 

Nhiều người cho rằng vải có tính nóng, ăn vào sẽ nổi mụn. Song, thực tế vải lại được dùng để chữa mụn nhọt trên cơ thể bằng cách giã nát cùi trộn với hồ nếp tạo thành cao đắp lên nơi có mụn.


 

Còn theo nghiên cứu của y học hiện đại, vải chứa nhiều vitamin C, đường glucose… có tác dụng bổ sung năng lượng, kích thích trí não, chữa sưng đau răng, tinh hoàn và tăng cường hệ miễn dịch… Tuy nhiên, những người bị thủy đậu, có đờm hay bị cảm thì không nên ăn vải bởi sẽ làm bệnh tình thêm nặng hơn

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: CPV, VHNA, Wikipedia...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày