Nguồn gốc của trận mưa sao băng này là sao chổi Swift–Tuttle có đường kính 27km. Khi nó đi ngang quĩ đạo Trái Đất sẽ để lại một đám lớn các mảnh thiên thạch nhỏ. Hàng năm vào tháng 8 khi Trái Đất đi qua khu vực quĩ đạo chứa đám thiên thạch này, một phần trong số chúng lao vào khí quyển Trái Đất, cọ xát với không khí và bốc cháy tạo thành các vệt sáng mà ta gọi là sao băng.
Tâm điểm mưa sao băng Perseids ở hướng Đông Bắc gần chòm sao Perseus.
Trên thực tế, các sao băng của trận mưa sao băng này xuất hiện kéo dài suốt từ 23/7 tới 22/8, tuy nhiên chỉ ở mật độ khá nhỏ, trừ thời gian cực điểm là rạng sáng ngày 13 và 14/8. Vào cực điểm, mưa sao băng Perseids cho phép quan sát 60 - 100 vệt sao băng mỗi giờ. Đặc biệt, một phần không nhỏ trong số đó là sao băng dài và sáng.
Theo lý thuyết đối với cư dân Việt Nam, vào những đêm lân cận và đặc biệt là đêm cực điểm sao băng Perseids (đêm
12/8 rạng 13/8) người quan sát có thể theo dõi mưa sao băng sau nửa đêm
khi chòm Perseus xuất hiện từ chân trời phía Đông Bắc. Hãy để tầm mắt
bao quát cả vùng trời phía đông bắc lên đến đỉnh đầu, đây là nơi bạn có
thể bắt gặp các sao băng nhiều nhất. Thời điểm quan sát thuận lợi nhất
có lẽ là sau 2h sáng các ngày từ 11 đến 14/8 (những ngày lân cận cực
điểm), khi chòm Perseus đã lên cao.
Tuy nhiên năm nay mưa sao băng
Perseids rơi vào thời điểm trăng rằm, ánh trăng sáng sẽ có thể làm cho
số sao băng quan sát được ít hơn rất nhiều các năm khác, nhất là khi
quan sát ở những thành phố bị ô nhiễm ánh sáng đèn. Ngoài ra yếu tố thời
tiết cũng là điều cần lưu ý đến, nếu trời có mây nhiều thì số lượng sao
băng quan sát được cũng sẽ giảm.
Vì thế, một số CLB Thiên văn trẻ đã tổ chức quan sát Sao băng từ ngày 9/8. Tuy vậy, nếu bạn là người đam mê thiên văn hay chỉ đơn giản là muốn được tận mắt chiêm ngưỡng hiện tượng kì thú này thì hãy kiên nhẫn nhìn lên bầu trời trong vài ngày tới nhé.
Để chiêm ngưỡng trận mưa sao băng tuyệt đẹp này, các bạn trẻ hãy chú ý một số điều sau:
Thời điểm lý tưởng nhất để chiêm ngưỡng hiện tượng lí thú này là từ 2h đến 4h sáng. Bạn hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường và không cần sự trợ giúp của kính thiên văn hay ống nhòm.
Theo dõi thời tiết trước khi quyết định quan sát, trong trường hợp trời nhiều mây, tốt nhất bạn không nên lãng phí thời gian và sức lực của mình để đổi lấy sự thất vọng.
Nên thay đổi vị trí quan sát liên tục. Sao băng có thể xuất hiện ở những chòm sao khác thậm chí rất xa tâm điểm Perseus.
Từ 3h trở đi vị trí chòm Perseus cùng “vùng trời sao băng” sẽ lên khá cao gần trên chân trời Đông bắc nên việc đứng quan sát sẽ làm cổ bạn rất mỏi, hãy tìm một nơi để nằm như ghế bố, võng… để quan sát thoải mái hơn.
Chọn địa điểm có góc nhìn rộng, không bị ánh đèn chiếu thẳng vào mắt, đảm bảo an toàn cho bản thân khi quan sát.
Nếu bạn muốn ghi hình lại, hãy đặt máy ảnh ở chế độ chụp nhanh, liên tục.
Hãy mặc áo ấm và đội mũ để tránh sương vì có thể bạn sẽ quan sát sao băng kéo dài cả đêm.