Quá trình trở thành chiến binh của chó nghiệp vụ dò tìm chất nổ

H.Đ, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 10/06/2014

Hiểu hơn về những bài huấn luyện biến chú chó thành những chiến binh thực thụ trong quân đội Mỹ.

Từ thời xa xưa, loài người đã biết sử dụng động vật như một công cụ phục vụ chiến tranh. Lịch sử từng ghi nhận đội quân heo do lính La Mã sử dụng, những “chiến sĩ giao liên” chim bồ câu, đạo quân “mèo cảm tử” của quân đội Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ II, đội quân chó biết nói của Hitler...
 

Mục đích của Hitler xưa là đào tạo những chú chó đặc biệt để dần thay thế vị trí của binh sỹ quân đội trong tương lai.

Ngày nay, chó được huấn luyện nghiệp vụ trở thành những chiến binh, đồng đội đắc lực trong quân đội, hỗ trợ tìm kiếm rà soát và chiến đấu. Hãy cùng tìm hiểu quá trình huấn luyện khuyển binh dò tìm chất nổ của quân đội Mỹ qua bài viết dưới đây. 

Từ những bài kiểm tra sức khỏe cho chó

Khi một chú chó ra đời và đạt đủ điều kiện về y tế, sức khỏe sẽ được quân đội Mỹ mua về và chuyển tới doanh trại chó quân đội khi tròn một tuổi. Những ngày mới gia nhập, chú khuyển chỉ được thả vào các khung giờ nhất định dành cho ăn uống, bài tập huấn luyện thực hành. 

Chú chó Cchaz giống Malinois của Bỉ được phối giống tại Căn cứ không quân Lackland (Tesax) - cơ sở luyện chó chính của quân đội Mỹ.

Những bài tập này nhằm mục đích rèn luyện và đánh giá khả năng của khuyển, xem chú phù hợp với các nhiệm vụ: tuần tra, dò tìm hay theo dõi. Thông thường, do loài chó có sự tập trung khá thấp nên những bài học chỉ kéo dài từ 1 - 2 giờ/ngày. 

Chú chó chăn cừu Đức - Wero đang được huấn luyện tìm kiếm chất nổ tại trạm kiểm soát Kandahar, Afghanistan. 

Cuối khóa học, những chú khuyển này sẽ được cấp chứng chỉ tương ứng với khả năng của mình, như dò tìm chất nổ, tuần tra… rồi giao cho một người huấn luyện chó riêng. 

... đến những bài tập huấn luyện đặc biệt...

Những chú chó khi mới làm quen với HLV sẽ học cách tìm chất nổ qua từng bước nhỏ, chậm nhưng chắc chắn với mức độ tăng dần. Khi làm chủ được những mệnh lệnh căn bản, khuyển binh được huấn luyện để nhận ra một loạt mùi có liên quan đến chất nổ như ammonium nitrate - hóa chất được sử dụng phổ biến trong chất nổ tự tạo IED (Improvised explosive device), kẻ thù của quân đội Mỹ tại Afghanistan. 


Theo thống kê, có 500 chó quân đội Mỹ hoạt động trên toàn thế giới tại bất kỳ thời điểm nào.

Tiếp đó, khuyển binh sẽ được tập luyện bài tập đặc biệt có tên gọi “birding” (tạm dịch: bắt chim). Đầu tiên, HLV ra lệnh cho những chú khuyển di chuyển đến gần “máy bắn chim” - một thiết bị bắn bóng tennis được điều khiển từ xa đã được giấu kín. 

Việc thực hiện chính xác hiệu lệnh có lẽ là điều khó khăn và phức tạp nhất. Khi đã đến gần địa điểm, máy sẽ bắn ra bóng còn những chú chó phải đuổi theo bắt và đem về cho người huấn luyện. 



Bài tập này giúp nâng cao khả năng tuân lệnh của chó. Sau khi đã đạt được trình độ nhất định, HLV giấu những đồ vật mang mùi của tất cả các loại chất nổ quanh địa hình. 

Kết hợp với “birding”, những chú khuyển sẽ dần trở nên thành thạo hơn khi tìm kiếm tầm xa, cất tiếng cảnh báo khi có mùi giống như chất nổ. Và sau cùng, mỗi khi tìm được đồ vật, chú chó sẽ được thưởng.

Chó quân đội được huấn luyện để ngồi hoặc nằm và không sủa khi phát hiện mùi chất nổ. Chú chó sẽ được thưởng bằng đồ chơi.

Nghe thật phức tạp nhưng tất cả đều vô cùng cần thiết. Vì sau cùng, chó và chiến binh huấn luyện sẽ phải ra thực địa, nơi chỉ cần một sai lầm không được huấn luyện kỹ càng, chó có thể không tuân lệnh hay bỏ sót bom mìn gây nên những hậu quả thảm khốc. 


Chủ nhân phải chăm sóc mọi nhu cầu của chó, học cách hô hấp nhân tạo cũng như cách xác định chứng loạn thần sau chấn thương của cộng sự.

Qua những bài tập, sự gắn bó giữa người huấn luyện và khuyển binh càng tăng lên. Hầu hết trong mỗi sự việc, con người thường dựa vào khả năng cảm nhận mùi đẳng cấp gấp 100.000 lần con người của chó.

Bên cạnh đó, lòng trung thành, vị tha giữa người và chó đủ để giúp cả hai sẵn sàng đặt mình vào vòng nguy hiểm để thực hiện mục đích cao cả hơn: cứ một quả mìn được tìm thấy đồng nghĩa một vài người được cứu sống. 



Cần biết rằng không phải khuyển binh nào cũng thích hợp trong thực chiến. Một số quá nhút nhát hoặc quá phấn khích trước tiếng súng hoặc bom nổ, ngay cả sau khi được huấn luyện. Có những chú chó lại quá trung thành (không chịu nghe lệnh người khác ngoài HLV), một số lại quá lười, hoặc quá mải chơi... 

Mỗi chú chó đều có nét riêng nhưng chỉ có một số giống là phù hợp trên thực địa như chó chăn cừu Đức, chó tha mồi Labrador và đặc biệt là giống chó Malinois của Bỉ - loài được coi là dũng cảm, biết nghe lời và chống chọi tốt với nhiệt độ khắc nghiệt.

Sự góp mặt không nhỏ trên chiến trường của những chú khuyển

Có một sự thật là mỗi giống chó phù hợp với môi trường thực chiến và chiến thuật khác nhau.



Chó đã được sử dụng để bảo vệ binh lính trong cuộc nội chiến (Civil War). Trong Chiến tranh thế giới thứ I, tổng cộng có khoảng hơn 10.000 khuyển binh làm liên lạc viên. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, lực lượng hải quân Mỹ sử dụng chó trên quần đảo Thái Bình Dương nhằm phát hiện quân đội Nhật Bản. 


Chú chó tha mồi Eli cùng Kathy Rusk tại ngôi mộ của con trai cô, binh nhất Colton Rusk. Colton tử trận tại Afghanistan năm 2010

Trong trường hợp khuyển binh tử nạn, người huấn luyện sẽ được cấp chó mới và phải huấn luyện lại từ đầu. Và ngược lại, khi người huấn luyện mất đi khả năng cống hiến, chó sẽ được gửi sang người huấn luyện khác. 

Trong nhiều trường hợp, đặc biệt khi người huấn luyện bị thương, điều này khiến cho người và chó đã có khoảng thời gian gắn bó khăng khít rất khó để gặp lại nhau, điển hình như trường hợp chú khuyển binh Zenit và người huấn luyện Jose. 



Sau khi bị nổ mìn tại Afghanistan, Jose phải cưa cả 2 chân, còn Zenit tiếp tục đồng hành cùng người huấn luyện khác. Người cựu chiến binh đã phải mất hàng trăm cuộc điện thoại, tốn giấy tờ, công văn xác nhận và phải đợi hàng năm trời để được đoàn tụ cùng chú chó Zenit - người bạn đồng hành mà anh cảm thấy “cuộc đời như bước sang trang mới” khi gặp lại.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: National Geographic, Telegraph, NY Times...