Nghĩa địa máy bay là cụm từ để chỉ những khu vực rộng lớn, lưu giữ các loại máy bay hỏng hóc nặng nề hoặc "hết hạn". Nhắc tới đó, chắc cũng đủ gợi lên cho bạn cảm nhận được không khí ảm đạm, nặng nề tại thiên đường của những cỗ máy bằng thép khổng lồ.
Tuy nhiên, bạn sẽ hoàn toàn thay đổi suy nghĩ nói trên nếu một lần chiêm ngưỡng những chiếc máy bay thuộc nghĩa địa máy bay Tucson ở Arizona, Hoa Kỳ.
Căn cứ không quân Davis Monthan tại Tucson, nằm trên sa mạc ở Arizona, Hoa Kỳ được ghi nhận là nghĩa địa máy bay quân sự lớn nhất trên thế giới.
Nơi đây có diện tích 10,52 km vuông, là mồ chôn thân của 4.200 máy bay và phương tiện hàng không thuộc sở hữu của quân đội Mỹ, giá trị lên tới 35 tỷ USD (khoảng 728 nghìn tỷ VND).
Một số loại máy bay nổi tiếng góp mặt tại nghĩa địa này có thể kể tới như: B52 Strato Fortress (từng được sử dụng ở Việt Nam), F14 Tomcat US Navy cùng một số máy bay từ Thế chiến II đã quá hạn sử dụng: A10 Thunderbole USAF, Boeing - B1 Lancer USAF…
Trước năm 2010, hầu hết hoạt động diễn ra ở đây là phân loại, tiến hành tái chế các bộ phận máy bay. Chỉ tới khi “dự án Sân Xương” (The Boneyard Project) được triển khai, quá trình nghệ thuật hóa sân bay này mới diễn ra.
“Dự án Sân Xương” là kế hoạch do hai nghệ sĩ Eric Firestone, Carlo McCormick khởi xướng và đề xuất. Nội dung của nó là sáng tạo nghệ thuật trên những chiếc may báy bị bỏ không ở nghĩa địa Tucson, sau đó trưng bày tác phẩm và triển lãm cho công chúng xem.
Thứ nghệ thuật mà dự án hướng tới là nghệ thuật đương đại pha chút đường phố thông qua vẽ graffiti. Dự án gồm 2 giai đoạn “Nose Job” (tạm dịch: Công việc với chiếc mũi) - tiến hành từ 2010 đến 2011 bởi khoảng 10 nghệ sĩ và “The return trip” (tạm dịch là “Hành trình trở lại”) bắt đầu năm 2011 - thu hút hơn 30 nghệ sĩ đương đại tham gia thực hiện.
Eric Firestone - người sáng tạo dự án, chủ một phòng trưng bày tại Hampton, New York tâm sự:
"Đồng nghiệp Carlo McCormick đã cười và cho rằng tôi bị điên khi nghe tôi nói về ý tưởng muốn vẽ tranh sơn dầu theo phong cách đương đại lên máy bay cũ". Mọi chuyện chỉ thay đổi sau chuyến đi của cả hai tới Tucson, Arizona.
Cuối cùng, Eric đã thuyết phục được Carlo. Cả hai cùng tập hợp các nghệ sĩ quen biết và tiến hành giai đoạn thứ nhất của dự án.
Phương châm sáng tác của họ là làm sống dậy những cỗ máy khổng lồ han gỉ bằng sức mạnh nghệ thuật và tưởng nhớ tới "cha đẻ" của những chiếc máy bay - anh em nhà Wright.
Sở dĩ, giai đoạn 1 được đặt tên là "Nose Job" bởi trong thời gian này, các nghệ sĩ sáng tác nghệ thuật chủ yếu đối với phần mũi các loại máy bay khác nhau.
Eric và Carlo thu thập những vỏ phế liệu ở nghĩa địa máy bay, gửi tư liệu cho các nghệ sĩ khác thử thiết kế trên máy tính, sau đó tập hợp cùng nhau và vẽ lên đồ thật.
Kết thúc giai đoạn 1, các nghệ sĩ đã hoàn thành khoảng 30 mũi máy bay khác nhau. Họ bắt đầu giai đoạn 2 năm 2012 với sự tham gia đông đảo của những nghệ sĩ đương đại, trong đó nổi bật là nghệ sĩ graffiti đường phố Brazil nổi tiếng Nunca hay Andrew Schoultz, Retna tới từ Los Angeles.
Ở giai đoạn 2 - “The Return trip”, các nghệ sĩ thực hiện sẽ tiến hành sáng tác trên không gian rộng lớn hơn, khó hơn rất nhiều - những chiếc máy bay thật.
Với mỗi chiếc máy bay, công việc sáng tác sẽ được giao cho một hoặc một vài nghệ sĩ phụ trách. Họ phải đảm bảo nội dung thống nhất để tiến hành vẽ đồng bộ trên toàn thân hình khổng lồ của đối tượng.
Tính tới tháng 1/2013, các nghệ sĩ đã “hồi sinh” cho 3 chiếc Super DC-3, 1 chiếc C45, C97, Lockheed VC 140. Các tác phẩm này dự kiến sẽ được trưng bày cho công chúng xem tại triển lãm ở bảo tàng Pima Air & Space tới hết tháng 3/2013.
Cùng xem video sau đây để hiểu rõ thêm về quá trình nghệ thuật hóa nghĩa địa máy bay lớn nhất thế giới này.