Việc sử dụng kim bấm và chỉ khâu để cố định vết thương trong
phẫu thuật thường được các bác sĩ tiến hành, tuy nhiên, việc làm này sẽ gây ra tình trạng tổn thương mô, đặc biệt với trường hợp tim có dị tật lỗ hổng.
Để giải quyết vấn đề, Jeffrey M. Karp - giáo sư y khoa thuộc ĐH Y Harvard và Pedro del Nido - bác sĩ phẫu thuật tim tại Bệnh viện Nhi Boston đã nghiên cứu, đưa ra một loại keo kết dính có tác dụng hàn gắn vết thương, lỗ hổng ở tim.
Một loại keo mới sẽ giúp "hàn gắn" các vết thương hở tránh làm tổn thương mô.
Loại keo này không thấm nước và có thể bám dính tốt, cứng lại nhanh chóng ngay cả khi các mạch máu hay tim vẫn đang hoạt động bình thường. Keo lúc đầu có độ dính giống mật ong. Các bác sĩ có thể bơm dung dịch này trực tiếp vào vết thương, lỗ hở ở các mạch máu, thành ruột... và dùng dụng cụ kẹp các mô bị rách lại với nhau cho tới khi keo cứng lại.
Lúc này, các phân tử keo sẽ liên kết với các sợi collagen trong mô, giúp vết thương kín miệng. Collagen là một loại protein chiếm tới 25% tổng lượng protein trong cơ thể người, có chức năng chính là kết nối các mô trong cơ thể lại với nhau.
Cho tới nay, các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên chuột và lợn, đưa ra kết quả khả quan. Ở lợn, các nhà nghiên cứu đã tiến hành "vá" vết thương trên một quả tim sống, giúp hàn gắn vách ngăn tâm nhĩ trái và phải, hay "sửa chữa lỗi" ở động mạch vành.
Ở chuột, nhóm nghiên cứu tạo ra một lỗ nhỏ ở tim chuột, tương tự như dị tật bẩm sinh - lỗ hổng ở tim người và tiến hành dùng keo để "hàn gắn". Tuy nhiên, có trường hợp, chất kết dính này không tương thích với một số loại mô.
Do đó, giáo sư Karp cho rằng, vẫn cần phải tiến hành nhiều thử nghiệm trên người trước khi đưa loại keo này ra sử dụng. Dự kiến, loại keo đặc biệt sẽ xuất hiện trên thị trường châu Âu vào cuối năm 2015.
(Nguồn tham khảo: Livescience)