Phát hiện thêm Vạn Lý Trường Thành, hóa thạch chim cánh cụt

Lê Giang, Theo Mask Online 10:27 28/02/2012
Chia sẻ

Cùng các cập nhật: Lý giải bí ẩn cực quang lúc bình minh, nghiên cứu giúp bạn thông minh vượt trội.

Phát hiện hóa thạch chim cánh cụt thời tiền sử


Tuần qua, các nhà khoa học đã tìm ra một hóa thạch thứ 4 của loài chim cánh cụt khổng lồ đã tuyệt chủng. Hóa thạch đầu tiên đã được tìm thấy năm 1970, đó là loài chim cánh cụt khổng lồ “mảnh dẻ” có tên Kairuku grebneffi, cao 1,5m, sống ở New Zealand cách đây 30 triệu năm.


Ngày 27/02, trưởng nhóm nghiên cứu Dan Ksepka, một nhà cổ sinh vật học tại Bắc Carolina (Mỹ) tuyên bố đã tìm ra hóa thạch mới của chim cánh cụt có niên đại 25 triệu năm. Thay vì dáng tròn giống chim cánh cụt hiện đại, loài chim này có dáng thon: cao 1,3m; ngực hẹp, dài; chân chèo và mỏ hẹp để dễ dàng trong việc săn bắt cá.


Chim cánh cụt hiện tại béo và tròn hơn rất nhiều so với các bậc "tiền bối" của chúng. 

Ksepka và các đồng nghiệp của ông đang tiếp tục nghiên cứu những chú chim cánh cụt cổ đại để tìm hiểu bộ não của chúng tiến hóa như thế nào, sự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể ra sao để có thể sống trong vùng biển băng giá.

(Nguồn tham khảo: Livescience)


Phát hiện phần mới của Vạn Lý Trường Thành


Mùa thu năm ngoái, nhà thám hiểm William Lindesay cùng một nhóm người tiến vào sa mạc Gobi để tìm kiếm một bức tường cổ gần 1.000 năm tuổi. Tuy nhiên, những gì ông tìm thấy lại là một phần của Vạn Lý Trường Thành được ghi lại lần cuối trong bản đồ từ thế kỷ 12 ở một trận đánh của Thành Cát Tư Hãn - vị hoàng đế lừng danh của Mông Cổ.


Đoạn trường thành có chiều dài 99km, được xây từ bùn và saksoul - một loại cây bụi địa phương. Lindesay cho rằng, bức tường được xây dựng vào khoảng năm 120 TCN để ngăn chặn các cuộc tấn công của người Hung Nô. Tuy nhiên, một số mẫu thử nghiệm lại cho thấy có đoạn tường được xây trong khoảng thế kỷ 11 hoặc 12.

Lindesay từng tới Trung Quốc năm 1986 để thực hiện hành trình đi bộ dài 2.448km qua những tàn tích của Vạn Lý Trường Thành. Ông tìm kiếm trong sa mạc Gobi từ năm 1997 sau khi lấy được bản sao của một bản đồ chiến sự từ thời Thành Cát Tư Hãn, trong đó có hình ảnh của bức tường cổ. Ông Lindesay quả quyết, “Chắc chắn chúng tôi cần phải nghiên cứu thêm”.

(Nguồn tham khảo: Tin180)

Bò nhắn tin cho chủ… báo ốm


Các nhà khoa học đang cố gắng mở rộng sự kỳ diệu của mạng Internet sang thế giới động vật. Trường Đại học Strathclyde (Anh) vừa xúc tiến một dự án trang bị “cổ thông minh” cho những con bò sữa thí nghiệm. Chủ trang trại sẽ có thể cập nhật tình trạng sức khỏe của đàn bò một cách dễ dàng, kịp thời thông qua điện thoại di động.

Những chú bò sẽ được đeo chiếc "cổ thông minh" để báo cáo tình trạng sức khỏe của mình.

Theo CNET, chiếc cổ thông minh này sẽ sử dụng cùng một loại cảm biến 3D vẫn đang được trang bị cho máy chơi game cầm tay và phát hiện ra những thay đổi trong tư thế đầu của con bò. Nó sẽ đối chiếu với cơ sở dữ liệu để chẩn đoán những bất thường về sức khỏe, sau đó gửi tin nhắn qua mạng di động đến cho chủ trang trại. Nếu như con bò cúi đầu ủ rũ, đó sẽ là một triệu chứng tiềm ẩn của việc bị ốm.

Bà Annette MacDougall, đại diện của Đại học Strathclyde cho biết. “Công nghệ này có thể hỗ trợ đắc lực cho nông nghiệp trong tương lai, bởi người nông dân sẽ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của từng cá thể bò trong đàn dễ dàng và chính xác hơn nhiều so với hiện nay”.

(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)

Ngửi hương thảo sẽ giúp bạn đạt điểm cao và minh mẫn hơn


Hương thảo (rosemary) là một loài cây bụi có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải, có giá trị cao trong y học cổ truyền. Người ta dùng chúng để làm gia vị, xua muỗi, trị liệu bằng xoa bóp, sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm. Ngày nay các hợp chất trong cây hương thảo được đưa vào kem dưỡng da, xà phòng thơm. 



Từ lâu, người ta cho rằng mùi của cây hương thảo giúp con người tư duy và ghi nhớ tốt hơn. Vì thế, các nhà hóa sinh của Đại học Northumbria (Anh) muốn tìm hiểu nguyên nhân khiến mùi hương thảo gây nên tác động ấy. Họ yêu cầu 20 người tình nguyện làm các bài kiểm tra khả năng tư duy nhanh, chính xác trước và sau khi ngửi tinh dầu của cây hương thảo. Máu của các tình nguyện viên cũng được phân tích trước và sau khi họ ngửi tinh dầu. Kết quả cho thấy, điểm trung bình của nhóm tình nguyện viên sau khi ngửi tinh dầu hương thảo cao hơn hẳn so với điểm trung bình lần thứ nhất.

"Chúng tôi không cảm thấy ngạc nhiên khi thấy tình nguyện viên đạt điểm kiểm tra cao hơn sau khi ngửi tinh dầu hương thảo, bởi đó là hiện tượng từng xảy ra trong một số nghiên cứu trước đây", Mark Moss, một thành viên trong nhóm nghiên cứu, phát biểu.

Song Moss và đồng nghiệp cảm thấy sốc khi phát hiện hàm lượng một số hóa chất trong máu người tình nguyện tăng vọt do ngửi tinh dầu. Cụ thể, nhóm hợp chất terpene trong tinh dầu hương thảo xâm nhập vào máu từ màng nhầy trong mũi và phổi. Terpene cũng có thể tiến lên não một cách dễ dàng và làm thay đổi thành phần hóa học trong não.

"Hợp chất từ cây hương thảo có thể xâm nhập vào máu người là điều chưa từng được chứng minh trong bất kỳ nghiên cứu nào", Moss khẳng định.

Vậy tại sao nhóm hợp chất terpene có thể làm tăng khả năng hoạt động của não? Nhóm nghiên cứu của Đại học Northumbria tin rằng terpene ngăn chặn sự phân hủy của acetylcholine (C7H17NO3) – một chất truyền dẫn thần kinh. Acetylcholine tham gia vào quá trình truyền dẫn xung thần kinh trong cơ thể. Vì thế chất này tồn tại càng lâu thì khả năng ghi nhớ, tư duy của con người càng tăng.

(Nguồn tham khảo: MSNBC)

Lý giải bí ẩn cực quang lúc bình minh


Theo một nghiên cứu mới đây, các hạt electron tạo nên các cực quang (còn được gọi là ánh sáng phương Bắc và phương Nam) có thể đã tăng tốc lên tốc độ cực nhanh tại vùng quyển từ của Trái đất. Vùng này lớn hơn 1.000 lần mức độ mà các nhà khoa học từng nghĩ, cung cấp đủ thể tích để tạo ra các hạt electron chuyển động rất nhanh. 


Nhà khoa học Jan Egedal ở ĐH Công nghệ Massachusetts (Mỹ) và đồng nghiệp đã phân tích dữ liệu thu thập được từ các tàu vũ trụ rồi sử dụng các mô phỏng qua siêu máy tính Kraken. Kraken có tới 112.000 thiết bị xử lý. Nhóm nghiên cứu sử dụng thiết bị này trong 11 ngày, theo dõi chuyển động của 180 tỷ hạt trong vũ trụ để vẽ ra cách chuyển động của các hạt electron tạo nên các ánh cực quang. 

Các nhà nghiên cứu xác định rằng, những hạt electron này rất có thể được cung cấp năng lượng để tăng tốc trong vùng quyển từ rồi được đẩy đi xa trong vũ trụ bởi gió Mặt trời. Gió Mặt trời - luồng hạt điện tích giải phóng từ vùng thượng quyển của Mặt trời - kéo căng các đường từ trường của Trái đất như một sợi dây chun bị kéo căng ra. Khi các đường từ trường song song kết nối lại, năng lượng được giải phóng giống như sợi chun được thả ra và các hạt electron được đẩy về Trái đất với tốc độ cực nhanh. Khi các hạt electron chuyển động nhanh va vào các phân tử ở tầng khí quyển trên của Trái đất thì tạo ra hiện tượng mà chúng ta thường gọi là ánh hào quang vùng cực. 

(Nguồn tham khảo: Datviet)
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày