Mới đây, các nhà khoa học đã giải mã thành công cơ chế kích hoạt sự tăng trưởng của tóc ở con người. Từ đó, họ tìm ra được nhân tố chủ chốt có thể giúp tóc mọc, đặc biệt là ở những người mắc bệnh
hói đầu.
Trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí PLoS Biology, các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu Ung thư quốc gia Tây Ban Nha (CNIO) đã tìm ra tế bào có thể chữa bệnh hói đầu. Cụ thể, họ nhận thấy các đại thực bào (một loài tế bào của hệ miễn dịch) chính là nhân tố chủ chốt trong việc mọc tóc.
Đại thực bào - một nhân tố quyết định chuyện mọc tóc ở người
Theo đó, đại thực bào vốn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn xâm lấn cơ thể, chống viêm nhiễm. Nhưng đồng thời, chúng kích thích các tế bào dưới da tái sinh, khôi phục khả năng mọc tóc ở con người.
Phát hiện này đến rất tình cờ nhờ một thí nghiệm liên quan tới loài chuột của Perez-Moreno. Nữ chuyên gia này nhận thấy: khi cho chuột sử dụng thuốc chống viêm, lông trên người chúng mọc lại rất nhanh song song với quá trình hồi phục vết thương.
Vì vậy, Perez tiếp tục thử nghiệm các tế bào thuộc hệ miễn dịch có tác dụng kháng viêm để tìm ra mối liên hệ giữa chúng với việc mọc lông, tóc. Và đại thực bào chính là lời giải cuối cùng.
Cụ thể, trong quá trình đại thực bào chết (apoptosis), một phần nhỏ của chúng có tác dụng kích hoạt sự hồi sinh các tế bào da đầu, làm tóc mọc nhiều hơn. Các tế bào này sản sinh ra các phân tử mang tín hiệu là Wnts. Đây chính là tín hiệu quan trọng thúc đẩy quá trình mọc lại lông, tóc ở những vùng da vốn đã tổn thương.
Để kiểm chứng lại nhận định, Perez cho những chú chuột thí nghiệm sử dụng thuốc ức chế Wnts. Hệ quả là quá trình mọc lông của chuột bị trì hoãn, cũng chứng tỏ rằng Wnts chính là đáp số đúng cho nghiên cứu của cô.
Mặc dù nghiên cứu này mới chỉ thành công trên chuột thí nghiệm nhưng các chuyên gia mong rằng trong thời gian sắp tới, một loại thuốc điều trị mọc tóc cho người hói đầu hiệu quả sẽ ra đời.
Nguồn: Dailymail