Mới đây, các nhà nghiên cứu đã phát hiện một lượng lớn
hóa thạch “hố phân tập thể” ở khu vực Argentina. “Chủ sở hữu” của lượng chất thải này chính là một loài bò sát mang dáng dấp của động vật có vú, có thân, nanh của hà mã và miệng của một con rùa.
Mô phỏng loài Dinodontosaurus.
Ngày nay, rất nhiều loài động vật như voi, lạc đà, gấu trúc Mỹ hay hà mã có thói quen cả đàn “đi nặng” vào cùng một vị trí. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên con người khám phá ra “nhà vệ sinh tập thể” của một loài động vật ăn cỏ lớn, có niên đại khoảng vài trăm triệu năm trước.
Tiến hành khai quật phía Tây Bắc Argentina, tiến sĩ Fiorelli cùng các đồng sự tìm ra khu tập trung rất nhiều hóa thạch phân động vật (tên khoa học là coprolites). Lượng phân này có từ giữa Kỷ Triat, khoảng 240 triệu năm trước.
Ở khu vực khai quật có khoảng 94 hố phân tròn, diện tích mỗi hố khoảng 10m vuông. Kích cỡ của phân khá đa dạng, có đường kính từ 1- 35cm. Phân hóa thạch có màu xám nâu, không chứa xương động vật, chỉ có các thành phần từ thực vật thân gỗ, hạt và phấn hoa.
Điều này chứng tỏ, đây là hố phân của đàn thú bao gồm cả con trưởng thành và con non sinh sống cùng nhau.
Đàn thú bao gồm cả con trưởng thành và con non sinh sống cùng nhau.
Theo nhóm nghiên cứu, loài vật duy nhất đủ lớn để thải ra lượng phân có kích thước lớn thuộc khu vực này chỉ có thể là loài Dinodontosaurus. Việc “đi nặng tập thể" mang khá nhiều ý nghĩa. Ví dụ như để ngăn ngừa lây lan kí sinh trùng do chúng không đại tiện gần nơi ăn uống hay thể hiện tập tính bầy đàn.
Phát hiện này không chỉ là bằng chứng đầu tiên của “hố phân công cộng” ở kỷ Triat mà còn là dấu hiệu trực tiếp về chế độ ăn uống của loài sinh vật ăn cỏ Dinodontosaurus. Hiện, Fiorelli và các đồng nghiệp của ông tiếp tục khai quật khu vực này với mong muốn hiểu rõ hơn về loài thực vật ở thời kỳ sơ khai này.
(Nguồn tham khảo: Livescience)