Trong cuốn “The Science of Happily Ever After” được xuất bản năm 2013, tác giả - nhà tâm lý học Ty Tashiro đã thống kê rằng: Tính trung bình, chỉ có khoảng 30% các cặp vợ chồng sống hạnh phúc sau hôn nhân. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với những đứa trẻ trong gia đình. Lo lắng về việc này, nhiều nhà tâm lý học đã triển khai nghiên cứu về hôn nhân. Họ tổ chức rất nhiều thí nghiệm trên các cặp vợ chồng tình nguyện, từ đó xác định những “nguyên liệu” tạo nên một cuộc hôn nhân hoàn hảo. |
Từ những thí nghiệm tâm lý học...
Nhà tâm lý học John Gottman là một trong những nhà nghiên cứu tâm huyết với đề tài tình yêu hôn nhân này. Suốt 40 năm, ông đã nghiên cứu với hàng nghìn cặp đôi để đưa ra kết luận chính xác nhất.
Những phát hiện quan trọng tới với John Gottman vào năm 1986, khi ông thành lập "The Love Lab" cùng đồng nghiệp Robert Levenson tại Đại học Washington.
Hai người đã mắc những điện cực lên cơ thể tình nguyện viên và hỏi họ những câu hỏi về tình yêu, mối quan hệ vợ chồng...
Qua những câu trả lời, các điện cực sẽ đo lại huyết áp, nhịp tim và lượng mồ hôi toát ra nhằm đưa ra kết luận về độ “nồng cháy” của tình cảm.
Sau đó, nhóm nghiên cứu để tình nguyện viên về nhà và giữ liên lạc trước khi lặp lại thử nghiệm 6 năm sau đó.
Huyết áp hay các chỉ số cơ thể khác hoàn toàn có thể tố cáo cảm xúc thật của bạn trong tình yêu
Kết quả thí nghiệm 6 năm sau đúng như Gottman dự đoán: Không phải tất cả các cặp đôi đều vẫn hạnh phúc sống bên nhau.
Nhóm hôn nhân thất bại có vẻ bình tĩnh khi trả lời các câu hỏi cũ, nhưng thực chất những gì điện cực ghi lại cho kết quả trái ngược. Huyết áp cao, tim đập nhanh hơn và tuyến mồ hôi hoạt động rất tích cực, đó là biểu hiện của sự kích động.
Không ít người hàng ngày phải sống trong tình trạng sợ bạn đời... hơn sợ cọp.
Còn nhóm hôn nhân hạnh phúc cho thấy rất ít những dấu hiệu trên. Hai người luôn thấu hiểu nhau, nói với nhau những lời nhẹ nhàng, ấm áp ngay cả khi xảy ra cãi cọ.
Họ đã tạo ra cho mình và người bạn đời một bầu không khí tin cậy và gần gũi, khiến cả hai luôn cảm thấy thoải mái khi ở bên nhau.
John Gottman muốn biết rõ hơn bí quyết của các cặp đôi hạnh phúc. Năm 1990, ông cho thiết kế lại phòng thí nghiệm tại Đại học Washington để cho giống như một nơi nghỉ dưỡng và mời 130 cặp vợ chồng trải qua một ngày tại đây.
Còn Gottman, ông quan sát những công việc mà các cặp đôi bình thường vẫn hay làm khi đi du lịch: nấu ăn, dọn dẹp, nghe nhạc, ăn uống, nói chuyện và đi chơi.
Trong suốt một ngày, những người vợ (hoặc chồng) sẽ thường xuyên gửi đi các “gợi ý” và hy vọng nhận lại phản ứng từ người bạn đời của mình.
Ví dụ khi người chồng - vốn rất yêu chim thấy có một con chim oanh rất đẹp bay ngoài sân, anh ta lập tức gọi người vợ ra và bảo: “Nhìn xem con chim đẹp chưa kìa!”. Khi đó, người vợ đang đứng trước 2 lựa chọn: ra xem hoặc không quan tâm đến điều đó.
Những cặp đôi hạnh phúc có xu hướng quan tâm và ủng hộ những gợi ý trên. Phần còn lại thường không có phản ứng hoặc chỉ ậm ừ cho qua và tiếp tục làm những việc cá nhân. Thậm chí, có những người phản ứng rất tiêu cực như coi không nghe thấy gì hay trở nên cáu giận.
Tổng kết lại, Gottman thấy rằng: Những cặp đôi đã ly hôn trước 6 năm có tỷ lệ ủng hộ bạn đời của mình là 33%, trong khi con số đó ở các cặp đôi hạnh phúc là 87%.
Cũng theo chuyên gia này, bằng cách áp dụng các quan sát tương tự, ông có thể dự đoán đúng tới 94% số phận tương lai của các cặp đôi, bất kể họ là người đồng tính hay bình thường, giàu hay nghèo, có con hay không…
... tới chân lý thật sự của tình yêu
Những thí nghiệm trong nhiều năm trên giúp Gottman tìm ra chân lý cực kì quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ tình cảm.
Đó chính là sự chân thành. Theo những nghiên cứu của hai vợ chồng Gottman, sự chân thành giúp cho mỗi người cảm thấy mình được quan tâm, được thấu hiểu, có giá trị và cảm thấy mình được yêu.
Có rất nhiều bằng chứng cho thấy, nếu một người cảm nhận được sự chân thành của người khác dành cho mình, họ có xu hướng hào phóng hơn trong mối quan hệ tình cảm đôi lứa.
Có hai luồng suy nghĩ thông thường liên quan tới sự chân thành. Một số người cho rằng, chân thành là phẩm chất tự nhiên nhưng không phải ai cũng có, một số khác lại coi đó như là những "cơ bắp" sẵn có, chỉ cần luyện tập là có thể sử dụng.
Những cặp hôn nhân hạnh phúc nghĩ theo cách thứ hai. Với họ, cần phải thường xuyên ân cần, quan tâm đến người khác để có một mối quan hệ tốt đẹp, cũng như cần tập luyện nhiều để có những cơ bắp cuồn cuộn. Muốn có mối quan hệ bền vững, cần phải có thời gian đầu tư và sẽ không phải là điều dễ dàng.
Vậy đâu là lúc thích hợp để bày tỏ sự chân thành với nửa kia? Ít ai ngờ, hoàn cảnh thích hợp nhất lại chính là... lúc cãi nhau.
Hãy thể hiện tấm lòng của mình bằng cách kiểm soát bản thân, không được để cho sự hung hăng cùng những lời cay đắng được bộc lộ ra ngoài.
Điều đó có nghĩa, một cuộc trò chuyện thẳng thắn và biết lắng nghe là giải pháp tốt nhất để vượt qua cảm giác tức giận.
Lúc căng thẳng nhất lại là lúc thể hiện rõ nhất tình cảm giữa hai người
Có một phương pháp khác để bạn thể hiện sự chân thành của mình. Đó là việc trở thành một người bạn đời độ lượng và hào phóng.
Theo nghiên cứu của vợ chồng Gottman, những cặp hôn nhân thất bại thường xuyên soi mói và thậm chí đánh giá bạn đời của mình trên những vấn đề không tồn tại.
Ngoài ra, chiến thuật để bộc lộ sự chân thành của mình một cách hiệu quả đó là việc chia sẻ niềm vui. Một trong những dấu hiệu của các cặp hôn nhân thất bại trong nghiên cứu của Gottman đó là khả năng tiếp nhận tin vui của nhau.
Trong một nghiên cứu năm 2006, nhà tâm lý học Shelly Gable và đồng nghiệp đã đưa một số cặp đôi đến phòng thí nghiệm để trao đổi về một số tin vui mà mỗi người trong số các cặp đôi này đón nhận trong thời gian gần. Nhóm nghiên cứu muốn quan sát xem mỗi người phản ứng thế nào trước tin vui của bạn đời của mình.
Với những gì thu được, nhóm nghiên cứu đã chia các cặp đôi thành 4 loại phản ứng: phá hoại thụ động, phá hoại chủ động, xây dựng thụ động và xây dựng chủ động. Trong đó, chỉ duy nhất những cặp đôi "xây dựng chủ động" là luôn có xu hướng chia sẻ niềm vui với bạn đời của họ một cách chân thành. Điều đó là minh chứng rõ ràng nhất chứng tỏ rằng: Sự chân thành chính là chân lý của tình yêu vĩnh cửu.
*Bài viết dựa theo quan điểm của Emily Esfahani Smith đăng trên trang web The Atlantic.