Việt Nam: Phát hiện loài cá có tuyến sinh dục nằm trên đầu |
Một nhà nghiên cứu đã phát hiện loài cá mới ở một con kênh gần khu vực sông Mê Kông (Việt Nam). Đó là loài Phallostethus cuulong thuộc nhóm Priapiumfish - loài cá ít được biết đến sống ở khu vực châu Á (đặc biệt là Đông Nam Á), có cơ quan sinh dục nằm ở dưới cằm, ngay phía sau miệng.
Hình ảnh cá Phallostethus cuulong đực và cái.
Priapiumfish đực không có dương vật giống như con người và nhiều loài động vật có vú khác. Thay vào đó, chúng có một cơ quan sinh sản duy nhất được gọi là priapium, nằm quay ngược về phía sau. Nó trông giống như dạng khác của vây ngực.
Trong khi đó, ống dẫn trứng của con Priapiumfish cái có xu hướng chứa đầy tinh trùng trong cơ thể và do đó, tỷ lệ trứng được thụ tinh là khá cao. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra lý do tại sao Priapiumfish lại phát triển tuyến sinh dục vô cùng đặc biệt này.
(Nguồn tham khảo: New Scientist)
Phát hiện loài giáp xác mới |
Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện một loài cua nhỏ tại khu vực san hô ở độ sâu 1.410m ngoài khơi Galicia (Tây Ban Nha).
Loài giáp xác mới phát hiện ngoài khơi Galicia.
Loài giáp xác màu cam có tên khoa học Uroptychus cartesi này khác biệt với các loài giáp xác đã được ghi nhận ở châu Âu chủ yếu ở hình dáng bên ngoài và số gai trên vỏ. Chúng có chiều dài khoảng 5 - 7cm và khá nhút nhát.
Thức ăn của chúng là các loài giáp xác nhỏ và những loại vật chất dạng hạt. Môi trường sống chủ yếu của loài cua mới được phát hiện chính là khu vực núi và hẻm núi sâu dưới biển, nơi có nhiều san hô.
(Nguồn tham khảo: Nature)
Nghiên cứu: Người ngoài hành tinh liệu có giống sứa? |
Tiến sĩ Aderin Pocock - nhà khoa học không gian hàng đầu của Anh cho rằng, người ngoài hành tinh là có thật và có bề ngoài như một con sứa khổng lồ.
Bà tiên đoán đó là những sinh vật trôi nổi trong các đám mây khí methane, lấy dưỡng chất hóa học bằng cái miệng đang há to. Chúng nổi được nhờ vào các túi có hình dạng giống củ hành tây và giao tiếp với nhau bằng xung động ánh sáng.
Sự sống ngoài hành tinh theo tưởng tượng của tiến sĩ Aderin Pocock.
Bà cho biết, sự tưởng tượng của mình dựa vào những gì quan sát được xung quanh cũng như dựa vào hiểu biết lâu nay rằng, sự sống cần không khí và môi trường dựa trên carbon.
Sinh vật ngoài hành tinh trong trí tưởng tượng của bà có thể không tồn tại nổi trong môi trường Trái đất, có thể do khí quyển đầy oxy của chúng ta là chất độc đối với chúng, cũng giống như con người không thể sống sót trên Mặt trăng titan của sao Thổ.
(Nguồn tham khảo: Telegraph)
Giả thuyết mới về ngôn ngữ loài người |
Một giả thuyết mới do các nhà khoa học ĐH Princeton (Mỹ) đưa ra, khả năng ngôn ngữ của con người xuất phát từ... cái nhăn mặt biểu cảm của loài khỉ. Chúng “nhóp nhép” với nhau khi tiếp xúc mà không phát ra âm thanh. Dây thanh đới và thanh quản của chúng không hề động đậy.
Khả năng ngôn ngữ của con người xuất phát từ cái nhăn mặt biểu cảm của loài khỉ.
Tuy khỉ mới sinh ra đã kêu được, nhưng chúng không thể giao tiếp bằng âm thanh và hàng trăm triệu năm như thế đã trôi qua, “ngôn ngữ” của chúng không hề thay đổi. Còn ngôn ngữ của người thì phát triển, ngày càng phong phú từ đời nọ qua đời kia.
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm xem liệu có sự tương đồng nào giữa tiếng nhóp nhép của khỉ và tiếng bập bẹ của đứa trẻ sơ sinh hay không.
Ngôn ngữ chỉ xuất hiện với sự tham gia của hai hệ: cơ hô hấp làm không khí tác động lên dây thanh đới và âm thanh thay đổi theo sự chuyển động của môi, má và lưỡi. Các chuyển động biểu cảm tự nó không phát ra một âm thanh nào, nhưng không có nó thì ngôn ngữ cũng không phát triển.
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)
Video "trở về quá khứ" gây xôn xao cộng đồng mạng |
Jeremiah McDonald (32 tuổi), hiện đang làm việc ở nhà hát Comédie de Caen (Pháp) đã dùng đoạn phim quay chính bản thân mình từ năm 12 tuổi, kết hợp với đoạn phim mới quay để làm thành một đoạn video mới.
Bằng cách biên tập khéo léo, trong đoạn video, McDonald như đang trò chuyện với phiên bản ấu thơ của mình. Sau khi được đăng tải, đoạn video đã thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng.
(Nguồn tham khảo: Youtube/Bee)