Phát hiện bọ chét khủng long |
Theo báo cáo trên chuyên san Current Biology, các chuyên gia Trung Quốc tuyên bố đã phát hiện được loài bọ chét cổ nhất thế giới tại khu vực Nội Mông, đó là loài bọ chét khủng long. Theo phát hiện, để tấn công được khủng long, loài bọ chét cách đây 165 triệu năm cũng phải phát triển đến kích thước tương xứng với cơ thể đồ sộ của vật chủ. Hình dáng bên ngoài khá tương đồng với loài bọ chét thời hiện đại tuy nhiên, các sinh vật này chỉ khác điểm duy nhất, to gấp 10 lần họ hàng thời nay và tất nhiên là chúng mà "cắn phát nào thì đau phát ấy".
Bọ chét khủng long có phát cắn đau như kim tiêm.
George Poinar - Giáo sư danh dự của Đại học Oregon phân tích, với kích thước “khủng” như vậy, mỗi phát cắn của chúng có thể tương đương với hành động ấn kim tiêm dưới da con người. Ông nói, “Chúng ta nên biết ơn vì bọ chét hiện nay không to như vậy". Dù giống với bọ chét thời nay nhưng những hóa thạch bọ chét được phát hiện tại Nội Mông lại thuộc về một dòng khác đã tuyệt chủng. Được đặt tên Pseudopulex jurassicus và Pseudopulex magnus, chúng có cơ thể dẹp hơn, giống như rận, và đôi hàm dài có thể chọc xuyên lớp da dày của khủng long để hút máu. Ngoài kích thước thu nhỏ, bọ chét thời nay có râu ngắn hơn, cho phép chúng di chuyển nhanh hơn giữa lớp lông dày của vật chủ.
(Nguồn tham khảo: Telegraph)
Dân số thế giới sẽ không vượt quá 8 tỷ người? |
Dân số thế giới trong những năm tới sẽ lên tới 8 tỷ người, sau đó bắt đầu giảm xuống, nhà sinh thái học nổi tiếng Alexxei Lablokov ở Nga dự đoán. Theo ông Lablokov, tốc độ tăng dân số theo dự báo của Liên Hợp Quốc sẽ không trở thành hiện thực và sẽ không đạt con số 11 tỷ người. Trong 20 năm nữa, dân số vẫn tăng ở các nước đang phát triển tại châu Phi và châu Á, nhưng sau đó, tốc độ tăng trưởng (hiện đã có khuynh hướng) ngừng lại và bắt đầu sẽ con số âm.
Ông Lablokov dự báo, sự giảm dân số thế giới bắt nguồn từ nguyên nhân chức năng duy trì sự sống của sinh quyển yếu đi cũng như loài người bị đầu độc bởi những chất thải hóa chất và chất thải phóng xạ do chính con người tạo ra thông qua những hoạt động của mình. Ông nói thêm: "Gánh nặng di truyền sẽ tăng lên một cách nhanh chóng. Loài người tuy sống sót nhưng các đột biến đã hình thành. Quỹ gene, tức tổng số gene của quần thể bắt đầu chịu sức ép của gánh nặng di truyền. Gánh nặng đột biến ngày càng gia tăng dần, đè nặng lên hành tinh. Người đau ốm ngày càng nhiều lên và thực tế điều này đã xảy ra. Một cuộc chạy đua quyết liệt sẽ diễn ra giữa 2 đối thủ, một là tình trạng suy giảm sức khỏe với bệnh tật ngày một nhiều (ung thư, dị ứng, vô sinh) với thành công của các phương pháp điều trị cũng ngày càng tiên tiến mà chưa chắc bên nào sẽ thắng. Có thể hình dung như thế này: Trong vòng 50-70 năm nữa, dân số loài người sẽ ít đi, tuổi thọ tăng lên, nhưng những đứa trẻ mạnh khỏe sẽ trở thành hạnh phúc hiếm hoi".
(Nguồn tham khảo: Vietnamnet)
Những ngôi sao bị ruồng bỏ |
Không dễ gì để tống một ngôi sao ra khỏi thiên hà của nó, nhưng các chuyên gia tại đại học Vanderbilt (Mỹ) đã xác định được một nhóm hơn 675 ngôi sao đang lâm vào tình trạng trên. Muốn thoát khỏi dải ngân hà thì một ngôi sao cần vận tốc cực lớn (phải hơn 3 triệu km/giờ) và chỉ những ngôi sao có quỹ đạo chạm trán với siêu hố đen nằm tại trung tâm ngân hà mới được “bơm” thêm đến vận tốc này.
Hình minh họa về sao siêu tốc.
Theo báo cáo trên chuyên san Astrophysical Journal, hai nhà thiên văn học Holley-Bockelmann và Lauren Palladino cho biết, nhóm các ngôi sao mà họ tìm thấy mang hai yếu tố chứng tỏ chúng đang bị tống khỏi dải ngân hà. Thứ nhất, chúng được phát hiện ở không gian liên thiên hà, nằm giữa ngân hà và thiên hà láng giềng Andromeda (Tiên nữ) nhưng màu sắc cho thấy chúng xuất phát gần trung tâm ngân hà. Thứ hai, dù đang di chuyển ở vận tốc siêu nhanh, những ngôi sao này đã bắt đầu con đường lang bạt cách đây khoảng 10 triệu năm ánh sáng từ trung tâm đến rìa dải ngân hà và chúng phải chờ thêm 50.000 năm nữa mới ra khỏi được thiên hà này.
Holley-Bockelmann và Palladino đã phát hiện nhóm đông đúc các ngôi sao du mục trên nhờ vào dữ liệu từ cuộc Khảo sát bầu trời số Sloan. Trước đó, giới chuyên gia chỉ xác định được 16 ngôi sao siêu tốc này và toàn bộ vẫn còn nằm trong dải ngân hà.
(Nguồn tham khảo: Space)
Giấy phát hiện nhanh khuẩn E.Coli |
Để kiểm tra Escherichia Coli trong nước uống hoặc thực phẩm, cần phải gửi mẫu đến các phòng thí nghiệm, thường là khá lâu và tốn kém mới có kết quả. Nay, các nhà nghiên cứu tại đại học McMaster (Canada) đã phát triển thành công một loại băng giấy có khả năng phát hiện E.Coli chỉ trong vòng 30 phút.
Giấy phát hiện vi khuẩn E.Coli.
Loại băng giấy này không chỉ gọn nhẹ, đơn giản đối với việc sử dụng, mà còn dễ sản xuất và giá thành rẻ. Các nhà khoa học sử dụng công nghệ in phun để phủ lớp hoạt chất chỉ thị màu lên bề mặt băng giấy. Khi nhúng băng giấy vào nước, nếu bị nhiễm E.Coli thì màu sắc trên băng giấy sẽ thay đổi, mức độ đổi màu tùy thuộc vào mức độ ô nhiễm.
Được sự tài trợ của Hội đồng nghiên cứu khoa học quốc gia Canada, nhóm nghiên cứu tại đại học McMaster dưới sự lãnh đạo của giáo sư hóa học John Brennan đang tiếp tục triển khai giai đoạn nghiên cứu tiếp theo và tìm cách thương mại hóa sản phẩm với dự kiến hoàn thành trong vòng 2 năm tới.
(Nguồn tham khảo: Gizmodo)