Những ngày đầu năm mới, các bữa tiệc
rượu là điều rất nhiều người… yêu thích. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra được tác hại khủng khiếp của việc uống rượu nhiều. Thậm chí, có người còn lấy tửu lượng làm thước đo giá trị tình bạn, hoặc lấy việc uống
say “bét nhè” làm niềm vui.
Hãy cùng tìm hiểu những sự thật đằng sau phản ứng khi chúng ta uống say và tự tìm câu trả lời cho mình.
1. Hơi thở toàn mùi... men
Chúng ta biết rằng, thành phần chính của rượu là ethanol (C2H5OH) – một chất có thể gây nên ngộ độc trên tất cả các cơ quan của cơ thể, thậm chí gây tử vong ở liều lượng cao.
Khi uống rượu, cơ thể phản ứng lại bằng cách cố gắng loại bỏ chất này ra khỏi chúng ta qua nhiều con đường. Biểu hiện là ta buồn đi tiểu, khát nước và hơi thở chứa mùi rượu “nồng nàn”.
2. Miệng nói lắp “Năm… say… chưa… chai"
Ethanol trong rượu làm giảm tác dụng của glutamate - chất dẫn truyền thần kinh kiểm soát sự tỉnh táo của con người. Vì vậy, rượu sẽ khiến người say nói líu lưỡi, dù nói rất chậm những vẫn lắp bắp.
Khi nồng độ cồn trong máu lên tới 20g/100cc, trí nhớ ngắn hạn mất đi 50% - điều này cũng góp phần khiến con người không kiểm soát được lời nói của mình.
3. Chân đi xoắn quẩy
Cùng với việc khiến bạn nói lắp bắp, rượu cũng phá vỡ hoạt động của tiểu não - cơ quan kiểm soát sự thăng bằng của cơ thể. Vì vậy, việc uống say sẽ khiến con người không làm chủ được hành vi, đi đứng loạng choạng, dễ ngã hơn.
4. Mồ hôi vã ra như tắm
Khoảng 80 – 90% ethanol trong rượu sẽ được gan xử lý. Khi xâm nhập cơ thể, chúng phân hủy thành acetaldehyde cực độc và gan chuyển hóa thành acetate vô hại.
Tuy nhiên, khi say lượng acetaldehyde trong cơ thể lớn tới mức gan không chuyển hóa kịp. Acetaldehyde tích tụ nhiều gây nên tình trạng mồ hôi vã ra như tắm ở người bị say.
5. Làm bạn với chị “… *uệ *uệ…”
Trong não bộ có một vùng kiểm soát phản ứng nôn, ọe của con người. Từ việc thu nhận các tín hiệu ở gan, thận, dạ dày, ruột, vùng não này sẽ xác nhận lượng độc tố cơ thể đang hấp thụ từ rượu.
Nếu lượng chất độc quá lớn với sức chịu đựng của cá nhân, cơ quan ấy sẽ kích thích phản ứng nôn nhằm đào thải những thứ bạn vừa nạp vào cơ thể.
6. Liều lĩnh, làm những việc điên rồ
Hạch hạnh nhân là cơ quan kiểm soát và cảnh báo nguy hiểm của não bộ. Ethanol trong rượu sẽ gây ức chế hoạt động của bộ phận này. Vì vậy khi say, con người trở nên liều lĩnh, thích mạo hiểm với chính mạng sống của mình mà không biết sợ.
7. “Cậu bé” yếu đi trông thấy
Sau khi xâm nhập cơ thể, ethanol gây nên tình trạng giãn nở mạch máu, khiến “cậu bé” yếu đi và không thể duy trì sự cương cứng lâu. Sở dĩ nhiều người lầm tưởng uống rượu cải thiện “chuyện ấy” là bởi rượu ức chế hoạt động của thùy trán trước, khiến con người dễ thỏa mãn hơn mà thôi.
8. Da xanh tái
Theo các chuyên gia, phản ứng da tái xanh, hơi thở không đều là dấu hiệu cảnh báo người say đang đối mặt với tử thần cận kề. Lượng ethanol lúc này trong máu đã rất cao và nếu tiếp tục uống, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
9. Chết vì men rượu
Ethanol trong rượu tấn công rất mạnh vào các cơ quan thuộc hệ thần kinh trung ương. Trung tâm phản xạ quan trọng quản lý các phản ứng như hắt hơi, ho, nôn, thở… cũng là nạn nhân không ngoại lệ của hơi men.
Khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 35g/100cc, trung tâm này ngừng hoạt động và con người chắc chắn tử vong.
Sau khi đọc xong những sự thật khoa học này, liệu bạn còn muốn uống rượu tới quên trời quên đất nữa không?
Nguồn: Healthguidance, Huffington Post, How Stuff Works, Health.USnews, Coolmaterial…