Sợ hãi là một trạng thái cảm xúc tiêu cực, luôn đem lại cảm giác khó chịu - tim đập nhanh, mồ hôi đổ ra không ngớt... Thậm chí nhiều người còn sợ đến nỗi ám ảnh - ảnh hưởng đến tâm lý, thể trạng, giảm chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, nỗi sợ xâm lấn tiềm thức của con người ra sao?
Chẳng hạn, bạn sinh ra đã sợ nhện hay vì một lý do gì mà không thể yêu quý nổi loài sinh vật đầy lông lá ấy? Những thắc mắc này không chỉ của riêng chúng ta mà ngay cả giới khoa học trên toàn cầu cũng đau đầu, nhức óc vì chúng. |
Từ chuyến bay định mệnh - trải nghiệm sự sợ hãi tột cùng...
Ngày 23/8/2001, cô gái trẻ Margaret McKinnon và chồng đi nghỉ trăng mật ở Lisbon, Bồ Đào Nha trên chuyến bay số 236 của hãng Air Transat. Trong hành trình, Margaret đã sử dụng nhà vệ sinh, nhưng thật kỳ lạ khi cô phát hiện không một thiết bị nào trên máy bay hoạt động. Tuy nhiên cô cũng không để ý nhiều về vấn đề này cho đến khi trở về chỗ ngồi.
Thì ra, chiếc máy bay đã bị rò rỉ nhiên liệu và buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Toàn bộ các thiết bị đảm bảo an toàn như mặt nạ dưỡng khí, áo bảo hộ… đều được các hành khách đem ra sử dụng.
Khoảnh khắc chao đảo khiến hành khách trên máy bay tưởng như không thể sống sót
Lúc này, sự hoảng loạn và sợ hãi tới tột độ bao trùm lên Margaret. Cũng như các hành khách khác, cô không biết chuyện gì sẽ xảy ra với chiếc máy bay này.
Sau nửa giờ đồng hồ chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu nhất, cuối cùng máy bay cũng đáp được xuống mặt đất nhưng theo cách không hề êm ả. Phi công đã phải thực hiện một cú xoay 360 độ, vài cú ngoặt để giảm độ cao và những chiếc bánh xe cọ rất mạnh trên mặt đất như muốn tóe lửa.
Chiếc máy bay đã đáp xuống quần đảo Azores của Bồ Đào Nha, cách đất liền 1.360km. Thật may mắn, trước khi hạ cánh phi công đã kịp liên lạc với một cán bộ quân sự gần khu vực đó.
Sau khi máy bay đáp xuống, những người lính đã có mặt và đưa hành khách đến nơi an toàn. Tuy 2 người bị thương nặng và 16 người bị thương nhẹ, nhưng toàn bộ 293 hành khách và 13 nhân viên phi hành đoàn đều sống sót.
Đối với nhiều người, chuyến bay không chỉ dừng lại ở đó. Những ký ức, nỗi sợ hãi vẫn còn ám ảnh các hành khách và luôn hiện ra trong những cơn ác mộng của họ nhiều tháng sau.
Chuyến đi khó quên này đã truyền cảm hứng cho Margaret trở thành một nhà tâm lý học. Chính cô đã và đang nghiên cứu để tìm ra lời giải cho sự thật về nỗi sợ hãi của con người.
... tới việc tìm ra cách thức xâm lấn tiềm thức con người của nỗi sợ
Để nghiên cứu về quá trình xâm lấn não bộ của những ký ức đáng sợ cũng như ảnh hưởng chúng gây lên con người, Margaret đã khảo sát 15 hành khách cùng đi với cô trên chuyến bay ác mộng năm nào.
Ban đầu, Maraget và các đồng nghiệp quan sát phản ứng của 15 hành khách khi phỏng vấn họ về câu chuyện định mệnh. Sau đó, các tình nguyện viên này được hỏi tiếp về 3 câu chuyện khác: một chuyến bay an toàn, một sự kiện thường nhật và vụ khủng bố ngày 11/9 gây chấn động thế giới. Cuối cùng, nhóm của Maraget so sánh các phản ứng tâm lý trong từng trường hợp kể trên.
Họ nhận thấy, có 6 trong tổng số 15 người thể hiện triệu chứng của PTSD (hội chứng rối loạn stress sau chấn động tâm lý). Đây là căn bệnh có thể ảnh hưởng tiêu cực tới phần đời còn lại của những nạn nhân và cũng là minh chứng cho tác động xấu mà nỗi sợ hãi gieo rắc lên .
Những nạn nhân chiến tranh hoặc người trải qua những cú sốc tâm lý cực nặng rất dễ mắc PTSD
Từ đây, Maraget đã tìm ra căn nguyên hình thành sự sợ hãi ở tiềm thức con người. Đó thực ra là sản phẩm của một hệ thống lưu trữ dữ liệu trong não bộ, gọi là hạch amygdala.
Hạch này nằm gần vùng dưới đồi, có tác dụng hình thành và điều khiển cảm xúc sợ hãi của con người. Ngoài ra, hạch amygdala còn đóng vai trò quan trọng đối với một số cảm xúc khác như cảm giác hài lòng với đồ ăn ngon, thỏa mãn sau quan hệ tình dục hay sử dụng thuốc phiện.
Vị trí hạch amygdala trong não người
Khi đối mặt với những sự kiện nguy hiểm tới tính mạng, não bộ sẽ giải phóng một lượng lớn adrenaline. Chất này giúp não tăng cường hoạt động của hạch amygdala khiến ta nhớ suốt đời sự kiện vừa xảy ra. Khi đó, ta biết một nỗi sợ mới được hình thành và ăn sâu vào tiềm thức.
Chẳng hạn, một ngày bạn thoát khỏi việc bị chó cắn, não bạn sẽ ghi nhớ rằng con chó đó rất nguy hiểm và cần tránh xa. Kể từ đó, bạn sẽ luôn sợ chó mà gần như nỗi sợ ấy sẽ kéo dài suốt cuộc đời.
Hành trình đi tìm thần dược chữa "bệnh sợ"
Theo nhiều chuyên gia, chính nhờ cảm giác biết sợ hãi mà con người mới có thể sống sót và tiến hóa tới tận bây giờ. Dẫu vậy, không thể phủ nhận những ký ức đáng sợ khiến rất nhiều người mất ăn mất ngủ, thậm chí chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng bởi các chấn động tâm lý.
Đó là lý do Maraget cùng các nhà khoa học khác luôn đau đáu việc đi tìm một phương thuốc chữa khỏi các ký ức đáng sợ.
Dựa trên cơ chế hoạt động của bộ não, cụ thể là hạch amygdala, dường như họ đã tìm ra được loại thần dược ấy. Giáo sư tâm lý Karim Nader thuộc Đại học McGill (Canada) cùng các đồng nghiệp đã tìm ra một loại thuốc được gọi là beta-blockers.
Thuốc này có tác dụng giúp cắt đứt mối liên hệ giữa sự sợ hãi với trung ương thần kinh. Theo Nader tiết lộ, beta-blockers có thể giúp chúng ta quên đi nhiều ký ức đau buồn và đáng sợ trong quá khứ.
Tuy nhiên theo Elizabeth Phelps, giáo sư tâm thần học tại Đại học New York, phương pháp của Nader chưa triệt để. Theo ông, chúng ta sẽ không thể xóa đi hết những ký ức về nỗi sợ, mà chỉ có thể tạm thời cắt đứt sự truy cập của bộ não tới những ký ức này mà thôi.
Tuy nhiên, việc tìm ra beta-blockers sẽ mở đường cho một tương lai tươi sáng hơn khi con người tìm ra được loài thần dược hằng mong muốn.
* Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Lesley Evans Ogden đăng trên trang BBC.