Viên kim cương Spoonmaker
Viên kim cương nặng 86 carat (17,63 g) mang hình quả lê này là niềm tự hào của viện bảo tàng cung điện Topkapi, Thổ Nhĩ Kỳ và là vật trưng bày có giá trị nhất của Kho bạc hoàng gia. Được bao quanh bởi hai vòng viền ngoài gồm 49 viên kim cương nhỏ khác, đây thực sự là một báu vật tuyệt mỹ “có một không hai” trên đời.
Nguồn gốc xuất xứ của nó thì khá mù mờ, phần lớn là truyền thuyết hay lời đồn thổi. Cái tên kỳ lạ “Spoonmaker” thì được cho là do người tìm ra nó vốn có nghề làm thìa hoặc bởi vì hình dạng của nó giống như phần bầu của chiếc thìa vậy.
Kim cương Sancy
Viên kim cương nặng 55 carat (11,28 g) với sắc vàng nhạt tuyệt đẹp này lúc đầu thuộc về sở hữu của Charles the Bold, công tước xứ Burgundy. Thế nhưng, nó lại được đặt theo tên của người chủ sau này, ngài Seigneur de Sancy, viên đại sứ Pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối thế kỷ 16. Vào năm 1664, Sancy đã đem bán nó cho vua James I của Anh.
Năm 1688, vua James II, vị vua cuối cùng của triều đại Stuart của Anh đã bỏ trốn cùng nó đến Paris và trong cuộc cách mạng Pháp, tung tích của viên kim cương này đã hoàn toàn mất dấu. Cho mãi đến năm 1828, người ta mới lại nghe tin về nó và sau nhiều cuộc mua bán trao tay giờ thì nó đang yên vị tại phòng tranh Apollo thuộc viện bảo tàng Louvre của Pháp.
Ngôi sao lớn của Châu Phi
Nguyên gốc của nó là viên Cullinan, viên kim cương thô lớn nhất trong lịch sử từng được tìm thấy vào năm 1905 tại Nam Phi (nặng tới 3106,75 carat tương đương 636,95 g ). Tên gọi Cullinan được đặt theo tên của người chủ sở hữu công ty khai thác mỏ.
Sau này, nó được cắt thành 105 viên đá quý khác nhau. Trong đó, viên Cullinan I nặng 530 carat (108,66 g) là viên lớn nhất và cũng được biết đến với cái tên “Ngôi sao lớn của châu Phi”.
Vào năm 1907, nó được đem trao tặng cho vua Edward VII của Anh và được vinh dự gắn vào chiếc vương trượng hoàng gia. Hiện nay, nó đang được bảo quản và lưu giữ cùng với những bảo vật quý giá khác của Hoàng gia Anh tại tháp London.
Kim cương Darya-ye Noor
Viên kim cương Darya-ye Noor (Ánh sáng đại dương) ước tính nặng khoảng 182 carat (37,31 g) với sắc hồng nhạt có lẽ là loại kim cương hiếm có nhất được tìm thấy. Là viên đá quý được gắn trang trí trên vương miện của vua Iran, hiện nó đang được trưng bày tại Ngân hàng trung ương của Iran đặt tại Tehran.
Vào năm 1739, Nader Shah của Ba Tư đã vào xâm lược miền Bắc Ấn Độ, chiếm thành phố Delhi. Toàn bộ kho báu huyền thoại của vương triều Mughals bao gồm viên Darya-ye Noor và cả ngai vàng đã lọt vào tay Nader Shah. Sau đó, toàn bộ số của cải này được vận chuyển đến Iran và đã ở đây cho đến tận bây giờ.
Kim cương Koh-i-Noor
Viên Koh-i-Noor (Ánh sáng của núi) là viên kim cương trắng huyền thoại với một lịch sử đầy sóng gió mà nguồn gốc cũng thuộc về vương triều vĩ đại Mughal. Sau này, có rất nhiều cuộc chiến tranh giành nó của các vị vua chúa Ba Tư, Mughal, Afghanistan, Sikh và nước Anh trong suốt chiều dài lịch sử.
Cuối cùng, nó đã thuộc quyền sở hữu của Công ty Đông Ấn và rồi được nạm trên vương miện của nữ hoàng Victoria vào năm 1877. Hiện nay, nó là một phần trang sức ở vương miện của nữ hoàng Elizabeth và được trưng bày tại tòa tháp London để du khách có dịp tận mắt ngắm nhìn vẻ đẹp tuyệt vời của nó.