Trong thói quen sinh hoạt hàng ngày, có những hành động nhiều người tưởng rằng càng làm càng tốt nhưng sự thật là chúng lại gây hại cho
cơ thể bạn hơn bạn tưởng.
1. Đứng làm việc khiến giãn tĩnh mạch chân
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những hệ quả xấu như béo phì, tổn thương vùng cổ, gáy, trí tuệ, tuổi thọ giảm sút khi bạn ngồi làm việc quá nhiều.
Tuy nhiên, một nghiên cứu năm 2013 đã chỉ ra rằng, sử dụng bàn đứng làm cho tim đập trung bình nhanh hơn 10 nhịp/ phút so với khi ta ngồi. Điều này tương đương với việc bạn đốt cháy thêm 50 calo/giờ. Vậy với trung bình 3 giờ đứng mỗi ngày, 5 ngày/tuần thì ta sẽ đốt thêm từ 306 - 750 calo mỗi tuần.
Nhưng bạn đừng quá vội mừng khi nghĩ rằng, làm việc đứng sẽ giúp bạn đốt cháy nhiều calo hơn. Bởi lẽ việc giữ cơ thể đứng thẳng trong một thời gian dài làm khối cơ bị căng cứng, gây đau cổ, vai. Hơn thế nữa, đứng nhiều - trọng lực sẽ dồn máu xuống chân, phần nào gây cản trở cho sự tuần hoàn máu, gây nên hiện tượng giãn tĩnh mạch chân.
2. Nước ép hoa quả loại bỏ hết chất xơ
Nhiều người cho rằng, uống nước ép hoa quả sẽ tốt cho sức khỏe, làm đẹp da, giảm cân. Tuy vậy, chất xơ trong trái cây hoàn toàn bị loại bỏ trong quá trình ép và chỉ giữ lại đường.
Trong một số nghiên cứu, việc uống nhiều nước trái cây có thể dẫn đến tăng cân, béo phì, không tốt cho sức khỏe.
Nếu uống thường xuyên các loại nước ép này, răng của chúng ta cũng sẽ có khả năng bị sâu vì nó có chứa axit. Về mặt hóa học, các axit này hòa tan men răng ra khỏi bề mặt của răng và các loại vi khuẩn sẽ lên men đường trong miệng, tạo ra các axit phá hủy răng.
3. Bịt mũi lại sau khi ai đó hắt hơi vẫn bị nhiễm khuẩn như thường
Hắt hơi vốn là cơ chế bảo vệ đường hô hấp trước các phần tử lạ xâm nhập qua đường mũi. Khi bị kích thích, trung tâm thần kinh điều khiển tất cả các cơ co lại, từ cơ thực quản cho tới cơ vòng, đương nhiên bao gồm cả cơ mí mắt.
Tuy nhiên, khi một ai đó hắt hơi, họ sẽ vô tình phát tán hàng triệu vi khuẩn ra ngoài không khí với áp lực phóng ra lên tới hàng trăm km/h. Sẽ có từ 2.000 - 5.000 tia nước nhỏ li ti được bắn ra từ miệng bạn sau mỗi cú hắt hơi.
Những tia nước này có thể bắn xa tới 1,5 - 2m, hoặc ngưng tụ, tạo thành một đám mây lơ lửng vô hình. Chúng sẽ bay trong không khí, phát tán những virus, vi trùng ra xung quanh.
Bởi vậy, dù bạn có ngay lập tức bịt mũi, miệng lại sau khi người bên cạnh hắt hơi thì cũng không có tác dụng gì cả. Nếu có chăng chỉ làm giảm sự tiếp xúc với các tác nhân đang lơ lửng, chực chờ "dính" lên mắt, miệng... bạn mà thôi.
4. Sử dụng giấy lót vệ sinh trước khi ngồi bồn cầu là vô ích
Nhiều bạn có thói quen lau và lót giấy vệ sinh lên bệ ngồi toilet trước khi ngồi xuống bởi họ cho rằng, làm như vậy sẽ tránh bị nhiễm khuẩn.
Nhưng sự thật là, làn da chúng ta được thiết kế như một rào chắn tuyệt vời để ngăn chặn vi khuẩn. Mặc dù một vài vi khuẩn như khuẩn E.coli có thể tồn tại trên bệ ngồi toilet thì nếu da bạn không bị trầy xước, thì vi khuẩn này không thể xâm nhập vào cơ thể bạn được.
Cùng với đó, số vi khuẩn tồn tại trên bệ ngồi toilet hầu như có mặt tại các vật dụng khác xung quanh. Khi xả nước toilet, bạn vô tình đã phát tán số vi khuẩn này và bám vào giấy vệ sinh, do đó, việc bạn sử dụng giấy vệ sinh để lót bệ bồn cầu dường như là vô ích. Đôi khi, chúng còn "nhân bản" vi khuẩn có trên da bạn hơn.
5. Uống quá nhiều vitamin gây ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe
Không ít người tin rằng, càng bổ sung nhiều vitamin thì cơ thể bạn càng có thêm sức đề kháng. Nhưng sự thật là, uống quá nhiều vitamin sẽ gây ra tác dụng phụ, ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe của bạn.
Khi uống vitamin ở liều cao, bạn có thể sẽ gặp triệu chứng buồn nôn và tiêu chảy. Khi đó, bạn phải giảm liều dùng lại. Mỗi người đòi hỏi việc bổ sung vitamin với các liều lượng khác nhau tùy theo độ tuổi và tình trạng sức khỏe. Vì vậy chúng ta cần phải cân nhắc thật kĩ về loại vitamin cũng như liều lượng để đảm bảo sức khỏe.
Nguồn: ViralNova, Dailymail, Livescience