Bánh quy socola hạt (chocolate chip cookies), món khoái khẩu của teen đây!
Theo công ty Nestle, vào năm 1930 tại Mỹ, bà Wakefield (chủ hàng bánh Toll House Inn) đang làm loại bánh quy socola thông thường nhưng lại bị hết mất socola loại chuyên dùng để làm bánh. Kinh nghiệm làm bánh lâu năm đã "xui khiến” bà đập vụn một thanh socola, trộn vào bột và bơ rồi đem vào lò nướng.
Bà vẫn nghĩ rằng socola vụn kia sẽ tan chảy, hòa lẫn vào bánh ở nhiệt độ cao. Nhưng thật “không may” là socola được lớp bột phủ lên nên đã không hề tan chảy, trái lại bà đã tạo ra một thứ bánh hoàn toàn mới, rất khác biệt và rất ngon. Sau này Wakefield bán lại ý tưởng "chocolate chip cookies" cho công ty Nestle. Hiện nay, mỗi gói bánh của Nestle ở Bắc Mỹ đều có dòng chữ cảm ơn và giới thiệu công thức làm bánh của bà Wakefield.
Kem que
Năm 1905, cậu bé Frank Epperson khi ấy mới 11 tuổi đã bỏ quên hỗn hợp bột soda và nước ở phía sân sau nhà vào đêm lạnh, may mắn thế nào trong cái hỗn hợp ấy cậu bé còn để thêm một cái que. Thời tiết vào đêm mùa đông lạnh đến nỗi sáng hôm sau Frank bước ra và nhận thấy mình đã có một hỗn hợp soda đông đặc dính chặt vào que.
Frank mang nó đến lớp và khoe với bạn bè. Nhưng phải đến 18 năm sau, Frank mới bắt đầu nổi máu kinh doanh và thêm vào kem các loại vị hoa quả. Ngày nay, loại kem que đã được biến hóa thành vô số vị nhưng loại vị được ưa chuộng nhất vẫn là vị cam.
Tính đến năm 1928, Frank đã trở thành một đại triệu phú với hơn 60 nghìn chiếc kem que của hãng Epsicle (tên công ty sản xuất kem do cậu bé Frank ngày ấy sáng lập) được bán ra.
Lò vi sóng siêu tiện lợi
Percy Spencer một kỹ sư thuộc tập đoàn công nghiệp và nhà thầu quốc phòng Raytheon của Mỹ, được biết đến như là một thiên tài về điện tử. Năm 1945, khi đang thay thế ống kiểm soát điện từ magnetron phát ra vi sóng được sử dụng trong ruột của mảng radar, Spencer thấy có một cảm giác là lạ trong túi quần của mình.
Nghe tiếng kêu xèo xèo, Spencer ngừng tay và thấy thanh chocolate trong túi bắt đầu tan chảy. Khi phát hiện bức xạ vi sóng của ống magnetron là thủ phạm gây ra “sự cố” trên, Spencer lập tức nhận ra khả năng ứng dụng nó vào lĩnh vực nấu nướng. Kết quả là lò vi sóng ra đời, trở thành cứu tinh của những người muốn dùng bữa ăn nhanh và nóng sốt.
Khóa dán tiện lợi này
Rất nhiều loại giầy dép sử dụng loại khóa dán này đấy.
Một con chó đã “phát minh” ra khóa dán (?!). Nói chính xác hơn, nó đóng vai trò như một phương tiện. Kỹ sư người Thụy Sĩ George de Mestral đi săn với con chó của mình và nhận thấy có nhiều thứ hay dính vào lông của nó (cùng với đôi tất của ông). Sau đó, nhìn dưới kính hiển vi, Mestral quan sát những cái “móc” nhỏ xíu bị mắc kẹt vào vải và lông thú.
Mestral tiến hành thí nghiệm trong nhiều năm với hàng loạt tấm vải trước khi phát minh một loại nylon mới, dù mãi đến hai thập kỷ sau đó công nghệ này mới phổ biến nhờ sự ưa chuộng của Cơ quan Hàng không và không gian Mỹ (NASA) cho những bộ đồ du hành vũ trụ. Loại khóa dán còn ảnh hưởng rất nhiều đến thời trang nữa.
Tia X-quang
Câu chuyện về khám phá ra tia X-quang là một điều tuyệt vời trong những sự tình cờ đáng kinh ngạc.
Năm 1895, khi nhà vật lý người Đức Wilhelm Roentgen đang thực hiện một cuộc thí nghiệm liên quan đến tia cathode, ông nhận thấy một mảnh bìa các tông huỳnh quang sáng lên từ khắp căn phòng. Một màn hình dày được đặt giữa các cực phát cathode và tấm bìa cứng bị bức xạ, cho thấy rằng hạt ánh sáng đã đi qua các vật thể rắn.
Rất ngạc nhiên, Roentgen nhanh chóng thấy những hình ảnh tuyệt vời này có thể được tạo ra bằng các bức xạ này, và hình ảnh đầu tiên được chụp theo kiểu này là xương bàn tay của vợ ông.