Những sinh vật lạ phát sáng như đom đóm ở dưới biển sâu

Huy Hoàng, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 01/08/2015

Cùng tìm hiểu một vài loài sinh vật có khả năng phát sáng dưới biển và lời giải bí ẩn vì sao chúng có khả năng đó.

Trong khi chỉ một số rất ít loài vật trên cạn có thể tự mình phát ra ánh sáng thì dưới đáy đại dương sâu thẳm kia, việc các sinh vật có thể phát sáng lại không hề hiếm. 


Các nhà khoa học đã ước tính rằng có đến khoảng 80-90% các loài sinh vật dưới đáy đại dương có thể tự phát sáng. Sinh vật này phát sáng khi có tác động từ các nguồn sáng có bước sóng nhỏ hơn 450 (nguồn UV) hay lớn hơn 600 (nguồn hồng ngoại).
 
Phát quang sinh học là gì?

Hiện tượng phát sáng này gọi là phát quang sinh học. Phát quang sinh học là một dạng của phát quang hóa học, nơi mà ánh sáng được phát ra bởi một phản ứng hóa học nhưng xảy ra ở sinh vật sống. 

Ánh sáng sinh học tạo ra hầu như rất ít nhiệt nên còn được gọi là ánh sáng lạnh. Ánh sáng phát ra thường có màu xanh lá cây hoặc xanh nước biển và đặc biệt là ánh sáng này được truyền đi rất xa trong nước biển. Phát quang sinh học có 3 tác dụng chính đó là: thu hút bạn tình, thu hút con mồi và tự vệ. 

Dưới đây là một số hình ảnh về các loài phát quang tuyệt đẹp mà con người đã và đang nghiên cứu.


Ốc Clusterwink là một loại ốc sên biển, lớp vỏ của chúng sẽ tự động nhấp nháy màu xanh lá cây khi bị quấy rối hay đe dọa. Từ lâu các loài sinh vật ở đáy biển đã có khả năng phát quang sinh học, tuy nhiên ốc Clusterwink là loài đầu tiên sử dụng khả năng này để tự vệ. 

Ốc Clusterwink được các nhà khoa học tìm ra khoảng hơn 10 năm trước, tuy nhiên không như các loài khác, đến nay cơ chế phát sáng ở lớp vỏ của loài ốc này vẫn là một ẩn số đối với các nhà khoa học.


28072015laploe3-6bebe


Không chỉ phát sáng bình thường, loài sứa biển Atolla còn tự trang bị cho mình hẳn một bộ đèn “chống trộm”. Khi bị tấn công nó ngay lập tức phát sáng rực rỡ. 

Ánh sáng của loài sứa này có thể chiếu xa đến 300 feet (khoảng 91,44 m). Khi đó, các loài to lớn hơn sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi ánh sáng này và phóng ngay đến. Lúc này kẻ đi săn lại trở thành con mồi và sứa sẽ tranh thủ cơ hội này thoát thân.



Mực Abraliopsis có một cơ chế ngụy trang rất thú vị, chúng có các cơ quan phát quang ở bên dưới cơ thể và liên tục phát sáng giống như các vì sao trên bầu trời. Khả năng này khiến cho các loài săn mồi ở bên dưới chúng không thể phát hiện ra.



Bạch tuộc dừa là một trong những loài bạch tuộc đẹp nhất thế giới. Chúng có thể phát ra ánh sáng từ hơn 40 xúc tu ở rìa vòi và hoàn toàn có thể biến đổi, điều khiển được việc phát sáng của các xúc tu này. 

Chúng có thể sáng hoàn toàn, sáng nhấp nháy hoặc không phát sáng. Và các con mồi xấu số luôn tò mò về thứ ánh sáng kì quái này sẽ trở thành bữa ăn ngon lành của bạch tuộc.


28072015laploe8-9a7c7

Nếu nói đến các loài sinh vật phát sáng đẹp nhất dưới biển, chúng ta không thể không kể đến sao biển. Không phải toàn bộ các loài sao biển có thể phát sáng nhưng số lượng các loài sao biển có khả năng phát quang sinh học thì không ít. 

Bề mặt đại dương bao la không chỉ phản chiếu ánh sao trên bầu trời, nó còn có những ngôi “sao biển” lung linh đặc biệt cho riêng mình. Sự phát sáng này sẽ khiến cho chúng nổi bật hơn dưới đáy biển.

Không chịu thua kém các loài dưới biển, California (Mỹ) là nơi sinh sống của một loài rết phát quang. Gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra được cơ chế phát quang của loài vật này. 

Trong khi đom đóm chỉ có một bộ phận phát sáng nhỏ ở bụng dưới, loài rết Motyxia này có thể phát sáng toàn bộ cơ thể. Loài vật không xương sống này có trong mình một loại protein đặc biệt gần giống như chất huỳnh quang xanh tìm thấy ở loài sứa Aequorea victoria, cho phép cả cơ thể nó phát quang, bao gồm cả các cơ quan bên trong chứ không chỉ lớp giáp bên ngoài.



28072015laploe11-d110c

Một trường hợp khác là khả năng phát sáng của bọ cạp. Lớp phủ ngoài giáp của loài sinh vật này vốn trong suốt nhưng sẽ biến thành màu xanh lục huỳnh quang dưới tia tử ngoại. 

Những cá thể bọ cạp mới lột xác sẽ không phát sáng cho tới khi lớp giáp của nó cứng cáp. Và đặc biệt lớp phủ này có thể không bị sứt mẻ trong hóa thạch suốt hàng triệu năm.

... Và lời giải về sự phát quang sinh học đặc biệt ở các loài vật dưới biển sâu

Các nhà khoa học phân vân về việc các loài vật trên cạn tiến hóa để có thể phát sáng. Nhiều giả thuyết đặt ra như sự phát quang này giúp loài sinh vật đó tự vệ, ngụy trang hay săn mồi. 

28072015laploe10-d110c

Nhưng một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra một điều hoàn toàn mới: các loài sinh vật trên cạn như loài rết Motyxia đã tiến hóa để thích nghi với việc nóng lên toàn cầu. 

Các loài động vật nhiều chân gặp phải vấn đề khi chuyển hóa oxy khi nhiệt độ tăng. Khi nhiệt độ tăng quá trình chuyển hóa oxy của chúng sẽ tạo ra các sản phẩm phụ của các phản ứng hóa học như peroxide. Các loại protein phát quang giúp trung hòa các sản phẩm phụ này và ngăn không cho các chất này gây hại đến chủ thể. 

Và dần dần theo thời gian, loài rết này tiến hóa làm biến việc phát quang không chỉ là một quá trình giúp trung hòa các chất độc hại trong cơ thể mà nó còn trở thành một công cụ săn mồi. Đây chính là điều tuyệt vời của thiên nhiên.

Nguồn nationalgeographic, wired.