Nếu
quy trình phân loại rác chặt chẽ và độ sạch “như lau như li” của đất nước Nhật Bản có thể làm bạn phải xấu hổ, thì quy định về việc…
vứt rác của Hàn Quốc cũng sẽ khiến bạn phải “quỳ gối xin hàng” đấy.
Là một đất nước nhỏ, Hàn quốc không có nhiều diện tích đất để chôn rác thải. Chính vì vậy mà đất nước này rất chú ý đến việc phân loại và tái chế rác hàng ngày.
Cũng giống như Nhật Bản, trên đường phố Hàn quốc những thùng rác công cộng xuất hiện không nhiều. Với người dân Hàn Quốc thì đây giống như một lời nhắc nhở rằng không được vứt rác, mà phải mang theo rác của mình và xử lý nó đúng cách.
Quy định về túi vứt rác của người Hàn có phần còn... ngặt nghèo hơn so với người láng giềng Nhật Bản. Tại đây,
không phải bất kỳ loại túi nào cũng được sử dụng để bỏ rác, mà mỗi quận và thành phố sẽ có quy định về loại túi để đổ rác riêng và quy định này chỉ được áp dụng tại nơi đó. Vì thế nếu bạn mang túi đựng rác của khu Gangnam đến khu Songpa-gu để đổ, bạn hoàn toàn có thể bị phạt. Tuy nhiên, quy định này cũng có đôi nét giống với người Nhật, đó là
túi đựng rác được chia làm ba loại chính: loại thường, loại dùng để tiêu hủy và loại dành cho thực phẩm.
Người Hàn Quốc sử dụng một hệ thống có tên là jongnyangje để thu thập và xử lý rác thải sinh hoạt theo cách quy củ và thân thiện với môi trường nhất. Hệ thống này chia rác thải ra thành nhiều hạng mục nhỏ khác nhau và ứng với mỗi mục sẽ có mức phạt riêng nếu người dân không tuân thủ.
Rác thải được chia ra thành : rác thường (ilban sseuregi),
thực phẩm (eumsikmul sseuregi),
đồ tái chế được (jaehwal yongpum) và
những rác thải có kích thước lớn (daehyeongpyegimul).
Về cơ bản, việc phân loại rác tại Hàn Quốc cũng không khác biệt nhiều so với Nhật Bản. Ví dụ như rác thường bao gồm các thứ đồ như: nồi cơm, sản phẩm điện tử, băng đĩa nghe nhìn, chai lọ thuốc, bình đựng nước, đồng hồ, găng tay, khung cửa sổ, chổi, thảm trải sàn hay các sản phẩm bằng nhựa composite.
Hoặc rác tái chế là những loại chai, lọ, vỏ hộp...
Nhưng quy trình này không đơn giản.
Mỗi loại rác lại có một quy định riêng, ví dụ như quần áo phải được để trong túi riêng không lẫn với các sản phẩm bằng vải khác như gối, gấu bông… Giày phải để theo đôi hoặc buộc vào nhau hoặc từng đôi trong các túi riêng biệt.
Rác thải có thể tái chế phải được làm sạch trước khi vứt, không được để lại thức ăn còn lại bên trong. Các chai nhựa cần được bóc nhãn và tháo nút…
Đối với các vật dụng như máy tính, màn hình, bàn phím, máy in, thiết bị trò chơi, đồng hồ, bàn là, quạt điện... và các thiết bị điện tử nhỏ khác, chúng sẽ được phép đặt chung với các rác thải tái chế và được thu dọn không mất phí.
Quy định này được chính phủ Hàn Quốc đặt ra nhằm khuyến khích việc tái chế đồ điện tử - vốn là một trong những điểm mạnh của đất nước này.
Việc
xử lý các vật dụng lớn như đồ nội thất, đồ điện tử, máy nóng lạnh… sẽ
phải trả phí từ 2.000W – 15.000W (từ 38.000-300.000 VND) cho mỗi thứ tùy
vào kích thước lớn nhỏ.
Bên cạnh đó một số đồ dùng đặc biệt như pin,
điện thoại di động hay thuốc... phải được xử lý theo cách đặc biệt: mang đến các trung tâm cộng đồng hoặc mang trả lại cho nhà thuốc đối với
thuốc chưa sử dụng.
Thức ăn thừa, hay rác thực phẩm cũng là một trong số những vấn đề trong lĩnh vực xử lý rác thải của Hàn Quốc.
Một đặc điểm chung của thực phẩm ở đất nước này là chúng hầu hết đều là đồ lên men, do đó thường có mùi rất nồng. Bên cạnh đó, người Hàn Quốc cũng ưa chuộng các món súp. Điều này khiến cho rác thải thực phẩm ở đây khó để xử lý hơn. Chính vì thế, thực phẩm được đặt ra làm một loại rác thải riêng biệt, với cách xử lý và quy định vứt cũng riêng.
Thực phẩm bỏ đi phải được để ráo nước và cho vào những chiếc túi đặc biệt có tên là Eum-shik-mool Sseulaegi Bongtu. Một số thức ăn không thể tái sử dụng như thức ăn cho động vật sẽ bị loại khỏi mục rác thải thực phẩm. Trong đó ta có các loại hạt, xương và lông động vật, vỏ hải sản, bã chè….
Vấn đề về xử lý thực phẩm bỏ đi tại Hàn Quốc lớn đến nỗi chính phủ nước này đã phải
đưa ra quy định thu phí rác thải dựa theo số cân nặng lượng rác sinh hoạt mà họ thải ra.
Thay đổi này được áp dụng với mong muốn người dân sẽ có ý thức hơn trong việc làm rác thực phẩm trước khi vứt bỏ.
Ở Hàn Quốc ngày vứt rác cũng được phân ra rõ ràng như Nhật Bản. Theo đó người dân sẽ được cung cấp lịch vứt rác cho từng tháng với ngày thu gom rác tái sử dụng riêng, ngày dành cho các vật dụng lớn riêng. Nếu không thực hiện theo quy định này người dân có thể bị phạt lên đến 300.000W ( khoảng 5,7 triệu VND).
Có thể thấy, việc phân loại và tái chế rác tại Hàn Quốc đã trở thành một “quy tắc sống” của đất nước này. Nếu bạn không phân loại rác trước khi đổ, rác của bạn có thể bị trả về, và hàng xóm sẽ phàn nàn và phê bình cho đến khi nào bạn chịu dọn dẹp thì thôi. Vì vậy nếu muốn hòa nhập với cuộc sống của xứ sở kim chi thì việc ưu tiên bạn cần làm đó là... học đổ rác!
Nguồn: Korea4expats, The Korea blog