Mỗi đứa bé khi ra đời là một niềm hạnh phúc, điều thiêng liêng nhất đối với các ông bố, bà mẹ trên thế giới. Chính vì lý do đó, tại nhiều vùng trên thế giới, người ta rất coi trọng việc chào đón các em bé ra đời. Và họ đã thực hiện những phong tục cực độc đáo để chào đón sự kiện trọng đại này.
Các pháp sư của vùng văn hóa Inuit
Inuit là một nhóm người chung văn hóa thuộc các khu vực vùng cực Bắc Canada, Đan Mạch, Nga và Mỹ (vùng Alaska). Những người phụ nữ Inuit không đẻ con trong nhà mà thực hiện việc sinh sản trong một căn lều truyền thống với tư thế đẻ con cũng rất đặc biệt.
Sau khi một em bé Inuit được sinh ra, các pháp sư ở đây sẽ thực hiện một lễ rửa tội. Đứa bé sau đó sẽ được thần linh của người Inuit bảo vệ và đặt tên. Người Inuit thường đặt tên em bé mới sinh theo tên của một thành viên vừa mới qua đời trong gia đình, theo cách đó, họ tin tưởng rằng đứa trẻ sẽ được truyền lại sức mạnh và những phẩm chất của người quá cố.
Trong khi đi săn, đứa bé sẽ được đặt một miếng ngà voi nhỏ vào trong miệng để khi lớn lên, nó sẽ trở thành một thợ săn cừ khôi.
Tục lệ ở trong nhà của người Armenia
Theo phong tục của vùng Armenia, một đứa trẻ khi sinh ra phải ở trong nhà suốt 40 ngày đầu. Trong thời gian đó, chỉ những thành viên sống trong ngôi nhà mới được nhìn và bế em bé. Người mẹ sẽ có thời gian nghỉ ngơi phục hồi và em bé sẽ được bảo vệ khỏi những mầm bệnh xung quanh.
Hơn thế nữa, người Armenia tin rằng, giữ đứa trẻ trong nhà sẽ giúp nhà tránh khỏi những “cặp mắt quỉ” do người ngoài hay bất kỳ ai đi đường (có thể do vô ý) đã đặt lên nó. Bảo vệ đứa trẻ khỏi “cặp mắt quỉ” cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ chúng tránh khỏi tai ương và bệnh tật.
Tục lệ cắt tóc ở Ấn Độ
Trong văn hóa Hindu, lễ cắt tóc đầu tiên cho một bé trai trong 3 năm đầu sinh thành (hay còn gọi là lễ mundan sanskar) đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người Hindu tin rằng, những sợi tóc khi mới sinh ra của đứa trẻ chứa trong đó những tính xấu và tai họa của kiếp trước. Việc cạo trọc cho đứa trẻ sẽ giúp chúng “cắt đứt quan hệ” với kiếp trước và bắt đầu một cuộc sống mới.
Người thân và bạn bè của bố mẹ sẽ dự lễ mundan sanskar và một thầy tu sẽ được mời đến để cử hành nghi lễ. Sau khi thợ cắt tóc thực hiện xong việc cạo trọc, đầu đứa trẻ sẽ được phủ nghệ và một miếng gỗ đàn hương.
Bàn sinh nhật ở Hàn Quốc
Ngày sinh nhật đầu tiên của một em bé Hàn Quốc sẽ được tổ chức cùng với sự kiện tojjabi. Rất nhiều đồ vật sẽ được đặt lên trên 1 cái bàn thấp trước mặt em bé. Tương lai của đứa trẻ sẽ được tiên đoán dựa trên món đồ chúng cầm đầu tiên: một sợi dây dài tượng trưng cho việc sống lâu, một cái bút chứng tỏ em bé sẽ rất thông minh và tiền (đương nhiên rồi) cho thấy em bé sau này sẽ vô cùng giàu có.
Ngày nay, người Hàn Quốc không chỉ đặt trên bàn tojjabi những vật dụng truyền thống. Bố mẹ có thể đặt một ống nghe với hi vọng con mình sẽ trở thành bác sĩ, một quả bóng khi muốn chúng làm vận động viên hay thậm chí một chiếc điều khiển ti vi để đứa con sau này sẽ là một ngôi sao truyền hình. Thật thú vị đúng không?
Bánh bột mì là loại bánh sinh nhật truyền thống ở Hàn. Một chiếc bánh hấp màu trắng tượng trưng cho tinh thần trong sáng, bánh được phủ bột đậu đỏ nhằm giúp đứa trẻ tránh những tai ương hay bánh gạo dẻo mang lại cho chúng sức khỏe và sự kiên cường trong những tình huống khó khăn sau này.
Vật kỷ niệm ngày cưới ở Ireland
Ở Ireland cũng như rất nhiều quốc gia theo đạo Cơ-đốc giáo, lễ rửa tội đóng một vai trò vô cùng quan trọng khi đứa trẻ chào đời. Đứa trẻ sẽ được đội một chiếc mũ có dây buộc dưới cằm đặc biệt của người Cơ-đốc được làm bởi khăn tay của người mẹ trong ngày cưới. Khi đứa trẻ lớn lên và kết hôn, chiếc mũ đó sẽ lại được dùng thành khăn tay trong ngày cưới.
Một trong những vật mang lại may mắn nữa là chiếc bánh kem có rượu whisky trong ngày cưới của bố mẹ. Chiếc bánh này sẽ được phục vụ trong lễ rửa tội của đứa trẻ, linh mục sẽ rắc những vụn bánh qua đầu chúng – tượng trưng cho sức khỏe và sự may mắn.
Ngày nay, người Ireland thường giữ lại một chai rượu sâm panh trong ngày cưới để dùng vào lễ rửa tội cho em bé. Một đồng bạc trắng cũng được đặt trong tay em bé suốt buổi lễ với hi vọng một cuộc sống giàu sang sau này.
Tục tắm cho em bé ở Iran
Ở Iran, lần tắm rửa đầu tiên của người mẹ và em bé là vô cùng quan trọng. Theo phong tục tắm truyền thống của người Iran, bà mụ, các bạn gái và người thân trong gia đình đều phải tham gia. Họ sẽ tập trung từ buổi sáng sớm để đưa người mẹ và em bé mới sinh ra bể tắm công cộng.
Vật tối cần thiết trong lễ tắm này là một cái cốc được làm bằng đồng đỏ hoặc đồng thau, trong có chứa 40 mảnh được khắc trên đó các lời cầu nguyện gửi tới Chúa trời. Sau khi người mẹ và em bé được tắm rửa sạch sẽ, em bé sẽ được bế qua đầu người mẹ và tưới bằng nước từ cốc Thánh. Người Iran tin rằng, bằng việc làm vậy, em bé sẽ được bảo vệ khỏi quỷ dữ và bệnh tật.