Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ"

K.P, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 13/10/2013
Chia sẻ

Nhà khoa học Marie Curie, Lise Meitner, Rosalind Franklin đã đóng góp rất nhiều công trình quý báu cho nền văn minh nhân loại.

Trong lịch sử, có không ít các nhà khoa học nữ đóng góp công trình nghiên cứu lớn của mình cho nhân loại. Tuy nhiên, không phải ai trong số đó cũng được công nhận công trình nghiên cứu và vinh danh bởi họ thường phải hứng chịu nhiều định kiến về sự "trọng nam khinh nữ". 

Mặc dù vậy, họ không từ bỏ ước mơ mà vẫn đam mê nghiên cứu nhằm cống hiến cho nền văn minh nhân loại những phát minh khoa học hữu ích và góp phần làm thay đổi cuộc sống cũng như cách nhìn nhận thế giới. Cùng điểm lại một vài nữ khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới qua danh sách của chuyên trang Discovery dưới đây.

1. Marie Curie (1867 - 1934)

Sinh ra tại Warsaw, Ba Lan, Marie Curie phải trải qua một tuổi thơ khá nhiều biến cố khi chứng kiến mẹ và chị cả mất, bố mất việc làm và gia cảnh trở nên rất khó khăn. Dẫu vậy, Marie vẫn đạt thành tích xuất sắc trong tất cả các môn. Vì sống trong thời kì người phụ nữ Ba Lan không được coi trọng nên giấc mơ học đại học của Marie trở nên quá xa vời. Không vì thế mà từ bỏ, Marie đã đi làm gia sư để kiếm tiền tiếp tục học. 

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 1

Năm 24 tuổi, Marie với sự giúp đỡ của chị đã đến Paris để theo đuổi niềm đam mê khoa học của mình. Tại trường ĐH Sorbonne, vượt qua những thiếu thốn trong cuộc sống, Marie dốc toàn bộ tâm sức để học hành. Không lâu sau, Marie trở thành một trong những sinh viên xuất sắc nhất trường.

Trong quãng đường nghiên cứu khoa học đầy chông gai tiếp theo, bà đã gặp và kết hôn với nhà vật lý người Pháp - Pierre Curie. Không chỉ là một người chồng thương yêu vợ con, Pierre còn là một đồng nghiệp cùng chí hướng và cũng hết mình vì khoa học như Marie.

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 2

Marie cùng người bạn đời đã trải qua muôn vàn khó khăn, cùng nhau suy nghĩ, thí nghiệm và gặt hái những thành quả to lớn. Khi tìm ra được chất phóng xạ với cường độ mạnh, Marie đã đặt tên cho nó là Poloni để nhớ về đất nước Ba Lan của mình. Ít lâu sau, họ lại tìm ra nguyên tố Radi (Ra) có cường độ phóng xạ siêu mạnh.

Năm 1903, hai vợ chồng Curie nhận được giải Nobel Vật lý cho những công trình nghiên cứu về chất phóng xạ. Nhưng thật không may khi Pierre qua đời trong một vụ tai nạn 3 năm sau đó. Dù mất đi người yêu thương nhất nhưng bà không gục ngã, bằng nghị lực phi thường, Marie một thân nuôi hai con và vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học. 

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 3
Marie cùng con gái Irene trong phòng thí nghiệm, sau này Irene cũng đạt giải Nobel.

Năm 1911, Marie Curie nhận giải Nobel Hóa học vì đã khám phá ra các nguyên tố Poloni và Radi, đồng thời tinh luyện được Radi. Những phát hiện về các nguyên tố phóng xạ của bà được tiếp tục nghiên cứu ứng dụng rộng rãi trong Hóa học, Y học và rất nhiều ngành khoa học khác. Nó tạo ra một sự đột phá trong khoa học và mở đường cho nhiều công trình khoa học có giá trị sau này.

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 4

Ngày 14/7/1934, Marie qua đời trong sự tiếc nuối vô vàn của mọi người. Các bác sĩ cho biết, bà nhiễm phóng xạ Radi do tiếp xúc trong một thời gian quá dài, nội tạng của bà đã bị phá hủy nghiêm trọng. 

Bà là người phụ nữ đầu tiên và là người duy nhất nhận được hai giải Nobel về hai lĩnh vực khác nhau. Những phát hiện, nghiên cứu mà bà để lại cho nền khoa học thế giới là thành quả của cả cuộc đời làm việc đầy tâm huyết. Với những gì bà đã làm được, Marie Curie được suy tôn là nữ bác học xuất sắc nhất mọi thời đại.

2. Lise Meitner (1878 - 1968)

Lise Meitner sinh ra trong một gia đình gốc Do Thái ở Vienna, nước Áo, là con gái của một luật sư. Được bố mẹ tạo điều kiện tốt để học tập từ nhỏ và sự thông minh, cầu tiến, Meitner không gặp khó khăn nhiều khi vào đại học. 

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 5

Meitner sớm nhận được bằng tiến sĩ vật lý vào năm 28 tuổi và được mời làm việc tại Viện Lý thuyết Vật lý ở Vienna. Tuy nhiên, Meitner từ chối và sang Berlin để tiếp tục nghiên cứu. Tại đây, Meitner may mắn là người phụ nữ đầu tiên được nhà khoa học Max Planck đồng ý cho dự thuyết giảng. Không lâu sau, Meitner trở thành trợ lý của Planck và cộng tác với nhà hóa học Otto Hahn.

Trong khoảng 30 năm cộng tác với nhà hóa học Otto Hahn, họ đã cùng nhau khám phá ra ít nhất 9 nguyên tố có tính phóng xạ khác nhau và được đánh giá cao.

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 6

Năm 1917, Meitner được trao huân chương Leibniz của Viện Hàn lâm khoa học Berlin nhờ phát hiện ra đồng vị của protactinium. Ba năm sau đó, phòng nghiên cứu của Meitner trở nên nổi tiếng với nghiên cứu phân rã beta. Năm 1926, bà trở thành nữ giáo sư Vật lý đầu tiên tại ĐH Berlin. 

Sau đó, Meitner tiếp tục nghiên cứu phát triển hiện tượng khoa học phân hạch với Otto Hahn. Tuy nhiên, nhân lúc không có Meitner ở Đức, Hahn đã công bố khám phá này với giới khoa học và một mình nhận giải thưởng Nobel danh giá. 

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 7
Tên bà được đặt cho nguyên tố 109 - Meitnerium.

Việc phát hiện ra hiện tượng phân hạch là tiền đề cho sự phát triển vũ khí hạt nhân đầy nguy hiểm. Sau khi Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử xuống Nhật Bản, Meitner đã xin lỗi vì vô tình gián tiếp phát minh ra bom nguyên tử khiến nhiều người vô tội phải bỏ mạng. 

Năm 1968, Meitner qua đời. Dù không được vinh danh bằng nhiều giải thưởng nhưng đóng góp quý giá của bà được giới khoa học kính nể. Để tưởng nhớ và tôn vinh bà, nguyên tố 109 đã được đặt tên Meitnerium. Với những gì đã làm được trong suốt cuộc đời tận tụy vì khoa học, Meitner đã được Albert Einstein ca ngợi là “Marie Curie của Đức”.

3. Rosalind Franklin (1920 - 1958)

Sinh năm 1920 trong một gia đình trung lưu người Anh gốc Do Thái tại London, Rosalind Franklin trải qua một tuổi thơ êm đẹp và được giáo dục trong môi trường tiên tiến. 

Ngay từ nhỏ, Franklin đã nổi bật với thành tích học tập xuất sắc, nhất là trong các môn khoa học. Sự thông minh thiên phú cộng với môi trường đào tạo tốt đã giúp Franklin phát huy tài năng của mình. Tuy sức khỏe yếu nhưng Franklin luôn có một nghị lực to lớn và hơn cả là sự đam mê khoa học. 

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 8
Nhà khoa học Rosalind Franklin.

Năm 1938, Franklin đến học ngành hóa học tại Newnham, Cambridge. Tại đây, Franklin bắt đầu tiếp xúc với nghiên cứu khoa học dưới sự hướng dẫn của nhà quang phổ học W. C. Price. 

Năm 1945, Franklin nhận bằng tiến sĩ hóa lý tại ĐH Cambridge với luận văn nghiên cứu về đặc điểm vi cấu trúc của than. Sau đó, Franklin sang Paris và được học về tia X từ nhà quang phổ học nổi tiếng Jacques Mering. Những năm tiếp theo là quãng thời gian Franklin gặt hái nhiều thành công trong mảng nghiên cứu Cacbon vô định hình.

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 9

Năm 1951, Rosalind Franklin trở về Anh và làm việc tại King’s College, London. Qua lời đề nghị của giám đốc ngành lý sinh học Randall, bà đã bắt đầu khảo cứu cấu trúc ADN bằng phương pháp tinh thể học tia X.

Trong thời gian làm việc ở đây, bà đã có những phát hiện rất quan trọng về cấu trúc ADN - vấn đề khiến nhiều nhà khoa học khác đau đầu. Một bước ngoặt lớn trong nghiên cứu ADN là khi Fraklin công bố “photo 51” - bức ảnh chụp ADN bằng máy tia X tân tiến tại một cuộc hội thảo có sự góp mặt của hai nhà khoa học Watson và Crick.

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 10
Photo 51 - bức ảnh quan trọng góp phần khám phá ra cấu trúc ADN.

Không được sự đồng ý của Franklin nhưng nhà khoa học Wilkins lại đưa bức ảnh cho Watson, Crick và từ đây, 2 ông xây dựng mô hình cấu trúc xoắn kép của ADN. 

Cùng lúc đó, Franklin đã giải mã được câu hỏi hóc búa này nhưng bài báo của Watson và Crick lại đăng trước đó. Quá thất vọng, Franklin chuyển qua nghiên cứu virus. Tuy nhiên, bà qua đời khá sớm ở tuổi 38 do căn bệnh ung thư buồng trứng.

Những nhà khoa học nữ xuất sắc trong thời "trọng nam khinh nữ" 11

Năm 1962, Watson, Crick và Wilkins nhận giải Nobel Sinh lý học. Và trớ trêu thay, tuy họ dựa trên những công trình nghiên cứu thành công của Franklin nhưng không một lời tôn vinh nhà nữ khoa học này. Dẫu vậy, với đóng góp to lớn của mình cho khoa học, Rosalind Franklin được thế giới công nhận là một trong những nhà khoa học nữ xuất sắc trong lịch sử.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Discovery, National Geographic, SDSC, Wikipedia...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày