Những nền văn hóa cổ đại sử dụng con người làm vật hiến tế

Quyên Nhâm, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 04/08/2014
Chia sẻ

Cùng ngược dòng lịch sử tìm hiểu những nền văn hóa với tập tục hiến tế đáng sợ này.

Thế giới hiện đại của chúng ta ngày nay cho rằng, việc dùng sinh mạng con người để hiến tế là hành động tàn ác, vô nhân đạo. Tuy nhiên, không ít nền văn hóa cổ đại lại coi "hiến tế người" là một phần rất bình thường trong cuộc sống của họ. 

Nghi lễ giết chóc này không chỉ nhằm mục đích cầu xin sự che chở, ban ơn từ các vị thần mà còn là hành động thể hiện sự tôn trọng và hiến dâng bản thân mình đối với thủ lĩnh của họ.

1. Người Carthaginian

Xã hội của người Carthaginian là một trong những nền văn minh giàu có và tân tiến nhất thời cổ đại. Nhưng trái ngược với nền văn minh đó, những nghi lễ hiến tế mà thậm chí kẻ man rợ nhất ở thời đó phải thấy kinh hãi vẫn được tiến hành hợp pháp. 



Cư dân Carthaginian cho rằng, việc hiến dâng những đứa trẻ có thể giúp họ nhận được ân huệ từ các vị thần, kiểm soát được sự gia tăng dân số. Họ cũng tin, sự giàu có của những gia đình khá giả chỉ có thể được giữ vững khi hiến tế đứa con của chính mình.


Khoảng từ năm 800 - 146 TCN, khi người La Mã xâm chiếm thành Carthage, 20.000 đứa trẻ sơ sinh đã trở thành vật hiến tế. Tuy nhiên, một số nhà khoa học tin, chúng không thực sự bị giết mà chết do bệnh dịch hoành hành.

2. Người Etruscan

Etruscan là tộc người cổ đại sinh sống tại Tuscany miền Tây nước Ý. Họ chủ yếu là nông dân và thương nhân giao dịch qua lại giữa Hy Lạp và Carthage. 



Các chuyên gia đã tìm được một vài khúc xương người lớn, trẻ em và cả trẻ sơ sinh mà người Etruscan đã dùng để tế lễ ở Tarquinia (Italy). Trong số đó chủ yếu là người nước ngoài, người bệnh hoặc những người có địa vị thấp trong xã hội.



Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn hiểu hơn về nghi lễ mà tộc Etruscan thực hiện lễ hiến tế - bao gồm bàn thờ đá, một chiếc hộp đựng các công cụ tế lễ như kèn trumpet, cây rìu và một chiếc khiên.

3. Người Trung Quốc

Dùng người làm vật hiến tế đã từng diễn ra rất phổ biến ở đất nước Trung Hoa cổ đại, đặc biệt dưới triều đại nhà Thương - triều đại đầu tiên của Trung Quốc được ghi chép trong sử sách. 


Theo các nhà khảo cổ học, nghi lễ này được thực hiện bởi hai mục đích: thứ nhất là để kiểm soát vấn đề chính trị, thứ hai là phục vụ sự kết nối tôn giáo.

Các chuyên gia tin rằng, vào triều Thương có ba loại nghi thức tế người. Nghi thức thứ nhất được thực hiện dưới tầng hầm, vật hiến tế được lựa chọn là các chàng trai trẻ. Thi thể của họ bị chặt ra sau đó chôn xuống đất. 



Nghi thức thứ hai sử dụng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các chứng cứ khảo cổ học cho thấy, những đứa trẻ này đã phải chịu một cái chết rất đau đớn và tàn khốc. Còn nghi thức cuối cùng, không giống như hai nghi thức trên, những cô gái bị hiến tế được chôn cất rất cẩn thận, thi thể họ còn nguyên vẹn hoàn toàn.

4. Người Celt

Người Celt coi việc hiến tế người như một nghi lễ tôn giáo thông thường. Điều này không chỉ được các sử gia La Mã và Hy Lạp cổ đại ghi chép lại mà còn được xác thực bởi những chứng cứ của nhà khảo cổ học hiện đại ngày nay. 



Strabo - một nhà địa lý, triết gia người Hy Lạp đã nhắc đến nghi lễ tế người của tộc Celt trong cuốn sách của ông. Ông nói: "Để thực hiện lễ hiến tế, họ (người Celt) đã đâm một người đàn ông từ đằng sau và tiến hành dự đoán tương lai thông qua độ co cứng của tử thi". 

Nhiều học giả vẫn còn nghi ngờ về tính xác thực trong lời lẽ của Strabo cũng như sử gia người Hy Lạp - La Mã do những ghi chép này có thiên hướng tuyên truyền chính trị. 



Tuy nhiên, việc tìm ra thi thể nam giới trong đầm lầy Lindow đã đủ để chứng minh rằng người Celt thực sự có nghi lễ tế người sống. Người đàn ông Lindow này được cho là đã bị "treo lên, bị đánh vào đầu và bị cắt cổ rất nhanh trước khi ném xuống đầm lầy".

5. Người Hawaii

Người Hawaii cổ đại tin rằng, việc hiến tế người sống có thể làm hài lòng thần Ku - vị thần của chiến tranh và sự phòng thủ, khiến cho họ giành được phần thắng trong các cuộc chiến. 



Lễ tế được thực hiện tại đền Heiau, thủ lĩnh của những bộ tộc khác sẽ bị bắt giữ và treo ngược trên một giá gỗ. Sau khi mồ hôi của họ được thầy tế sử dụng để thoa lên khắp mình, vật tế sẽ bị đánh cho đến khi thịt nhão ra và cuối cùng bị moi hết nội tạng. 


Nhưng nghi lễ không chỉ dừng lại ở đó - thịt của người bị hiến tế sẽ bị "nấu lên hoặc ăn sống" bởi thầy tu và thủ lĩnh của bộ tộc Hawaii.

6. Người Aztec

Người Aztec tin rằng, việc hiến tế mạng sống con người sẽ giữ cho Mặt trời không bao giờ chết. Máu là thứ "nuôi dưỡng sự sống mà thần thánh ban cho con người" và thần Mặt trời Huitzilopochtli cần nó để có thể tồn tại và phát triển.



Vật tế của nghi lễ giết chóc dã man này gồm một người tình nguyện và một thành viên của các bộ tộc khác bị người Aztec bắt về sau chiến tranh. 

Theo nghi lễ, vật tế sẽ tự mình bước lên những bậc thang của đền thờ. Khi bước chân lên bậc thang cuối cùng, một thầy tu sẽ dùng dao rạch từ cổ xuống bụng họ, moi tim vật tế và dâng lên các vị thần. Thi thể còn lại sau này sẽ bị chặt ra và ném xuống dưới hầm của đền thờ. 

7. Người Ai Cập

Rất nhiều nhà nghiên cứu Ai cập tin rằng, vào thời cổ xưa, người Ai cập đã có nghi lễ hiến tế người sống. Mặc dù một số chuyên gia khác không đồng ý với ý kiến này nhưng những lăng mộ dùng để tế lễ ở Abydos đã được tìm ra là một chứng cứ khó chối cãi. 



Người Ai Cập cổ đại rất có thể đã hiến tế những người hầu hoặc vợ của Pharaoh để họ có thể tiếp tục hầu hạ vị vua sau khi chết.

Nhà Ai Cập học George Reisener cho rằng, những người hầu được tìm thấy trong các lăng mộ của vua Djer và vua Aha đã bị chôn sống cùng với những công cụ, đồ nghề của họ. 


Reisener còn đặt giả thuyết rằng vợ của vua Djer đã bị chôn sống cùng với thi hài của vị vua. Tuy nhiên, những nghi lễ hiến tế này cuối cùng cũng bị loại bỏ và được thay thế bằng việc chôn cất Ushabti - những bức tượng người hầu vào lăng mộ của các Pharaoh để phục vụ cho ngài.

8. Người Inca

Người Inca tin rằng việc hiến tế trẻ em lên các vị thần là cách để ngăn chặn các thảm họa tự nhiên xảy ra. Đế chế Inca đã từng phải chịu đựng rất nhiều tai ương, như núi lửa phun trào, động đất và lũ lụt. 



Người Inca cho rằng những thảm họa thiên nhiên này là do các vị thần điều khiển. Chỉ cần hiến dâng sinh mạng mình cho bậc thần thánh, cuộc sống của họ sẽ được bình yên.

Hầu hết vật hiến tế là những tù nhân bị giam giữ, tuy nhiên một số đứa trẻ vẫn trở thành nạn nhân của nghi lễ man rợ này. Trẻ em được coi là sinh linh thuần khiết nhất để dâng lên các vị thần. 


Những đứa trẻ trước khi bị giết sẽ được chăm sóc rất cẩn thận chu đáo với những bữa ăn ngon, những lễ hội để tôn vinh sự hi sinh của chúng và thậm chí còn được gặp mặt nhà vua. Người Inca rất tin tưởng, sau khi trở thành vật tế, chúng sẽ được hưởng hạnh phúc và bình yên hơn ở một cuộc sống khác.

* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Toptenz, Listverse, Wikipedia...
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày